Phát hiện nơi hình thành các ngôi sao mới

GD&TĐ - Các nhà thiên văn học vừa phát hiện nơi sinh ra các ngôi sao mới, vốn chưa từng được biết đến. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, tốc độ hình thành các ngôi sao tại trung tâm thiên hà có thể lớn hơn so với giả định  trước đây.

Phát hiện nơi hình thành các ngôi sao mới

Một nhóm các nhà bác học ở Đại học Manchester (Anh), Đại học Bonn và Viện Nghiên cứu Max Planck (Đức) đã sử dụng hệ thống kính thiên văn vô tuyến ALMA (bao gồm 66 ăng ten parabol lớn, đặt tại Chile) để nghiên cứu đám bụi dày đặc tại trung tâm thiên hà NGC 4945.

Thông  thường các nhà thiên văn học tìm kiếm bức xạ cực tím hoặc hồng ngoại từ các ngôi sao sáng nhất, lớn nhất và xanh nhất. Các khu vực trong đó sao hình thành thường bị bao phủ bởi bụi liên sao dày đặc. Bụi này hấp thụ bức xạ cực tím và ánh sáng thường, khiến cho việc quan sát gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhiệt độ bụi tăng cùng với lượng bức xạ hấp thụ, thể hiện qua việc tái bức xạ              hồng ngoại.

NGC 4945 là một thiên hà khác thường, bởi bụi liên sao của nó dày đặc đến mức hấp thụ cả bức xạ hồng ngoại mà nó sản sinh ra. Điều này khiến cho các nhà thiên văn học không thể quan sát được vùng trung tâm của thiên hà. Thật may mắn là ALMA có thể “nhìn xuyên qua” những đám mây bụi dày đặc này.

“Khi quan sát thiên hà NGC 4945 qua hệ thống kính thiên văn vô tuyến ALMA, chúng tôi thấy rằng trung tâm thiên hà sáng hơn 10 lần so với dự đoán trên cơ sở các hình ảnh hồng ngoại. Độ sáng này lớn đến mức tôi phải nhờ một đồng nghiệp kiểm tra lại xem tôi có nhầm lẫn trong tính toán hay không” – Tiến sĩ George J. Bendo, một trong các tác giả của phát hiện - cho biết như vậy.

Các kết quả do các nhà thiên văn học cho thấy, hệ thống kính thiên văn vô tuyến ALMA là một công cụ thiên văn mạnh mẽ như thế nào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ