Phận người ‘thờ’ Quân vương

GD&TĐ - Năm 1803 bắt đầu thời kì bình xét công trạng, Văn Trương lại dâng sớ xin về hưu. Người đương thời gọi ông là 'phúc tướng'.

Thần công thời Nguyễn.
Thần công thời Nguyễn.

>>> Nhân vật đặc biệt phụ trách những công việc bí mật cho vua Gia Long

Gia Long từng nói: “Làm tướng mà nhân hậu như Trương xưa nay hiếm”.

Thời bình dũng tướng “về hưu”

Văn Trương mất năm 1810, thọ 70 tuổi. Vua và cả triều đình đều thương xót. Người phó tướng năm xưa của ông lúc đó là Chưởng quản Phủ Mật sự, hàm nhị phẩm, tước Hải hưng hầu Lê Công Nghĩa Hưng để tang ông 3 ngày, và viết những vần thơ tưởng nhớ chủ tướng, đại ca, người thầy, người bạn lớn của mình.

Thời Nghĩa Hưng tại triều, có 1 vụ án nổi tiếng khiến vị công thần số 1 nhà Nguyễn bị chết oan ức, đó là vụ án về danh tướng Nguyễn Văn Thành (1758 - 1817). Tiên tổ của Văn Thành người xứ Thuận Hóa, phủ Triệu Phong, huyện Quảng Điền, tổng Phú Ốc, xã Bác Vọng.

Về địa lý theo khu vực địa phương thì Nghĩa Hưng cũng được tính là đồng hương với tiền bối Văn Thành. Tằng tổ Văn Thành là Nguyễn Văn Toán di dời vào Gia Định. Nội tổ là Nguyễn Văn Tính dời đến ở Bình Hòa (Phú Yên). Cha ông là Nguyễn Văn Hiền lại chuyển vào Gia Định.

Sử sách chép: “Nguyễn Văn Thành dung mạo uy nghi đẹp đẽ, tính trầm nghị, thích đọc sách, tài võ nghệ siêu quần”. Từ 15 tuổi, ông đã cùng cha theo phò Nguyễn Ánh trải bao gian khó, cả khi bôn ba ở Vọng Các (Thái Lan), rồi về đi khắp chiến trường Nam Bộ, Trung Bộ, nhiều lần xông pha mũi tên hòn đạn, lập nhiều chiến công hiển hách.

Đến năm 1801, ông được tin cậy, lãnh ấn Khâm sai Chưởng Tiền quân, Bình Tây Đại tướng quân, Điều bát chư đạo bộ binh, tước Quận công.

Ông được kẻ sĩ kính trọng vì đọc nhiều sách, am hiểu đạo nghĩa, có tầm nhìn chiến lược, giỏi cầm quân; trong hàng ngũ các tướng, vua trọng Văn Thành hơn cả, mọi việc lớn nhỏ đều hỏi thêm Thành để đưa ra quyết định. Tuy nhiên, là người có tài, thẳng thắn, chính trực, công lao to lớn nên khó tránh khỏi bị nhiều kẻ tiểu nhân bì tỵ, ganh ghét.

Về tài cầm binh, Tiền quân Nguyễn Văn Thành được sử sách đánh giá là vị tướng biết “phân tích kỹ lưỡng, đâu là điểm mạnh, đâu là thế yếu, rồi mới quyết đoán, chọn đúng thời cơ tiến, lui nhằm giảm thiểu hao tổn tướng sĩ”.

Ông từng được giao trọng trách Tổng trấn Bắc Thành, lãnh ấn Trung Quân, rồi được giao chức Tổng tài cùng với Vũ Trinh và Trần Hựu soạn bộ Hoàng Việt Luật lệ (thường được gọi là luật Gia Long). Ông còn giữ chức Tổng tài biên soạn Quốc Triều Thực Lục.

Vụ án oan của vị tướng soái giỏi chiến trận, văn chương, luật pháp nhưng hơi kiêu ngạo, chuốc phải thù oán với tiểu nhân bị vin cớ từ một bài thơ.

Năm 1815, con trưởng của Văn Thành là Nguyễn Văn Thuyên (đỗ hương cống) là người hơi ngông, ít cẩn trọng trong giao lưu, nhất là trong bối cảnh cha mình bị nhiều kẻ ganh ghét, quan hệ giữa vua và vị Tiền quân thời bình đã khác thời chiến...

Vốn là người thích văn chương, Thuyên thường làm thơ, ngâm vịnh với một số kẻ sĩ trẻ. Nghe nói có hai người ở Thanh Hóa là Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Đức Nhuận có tiếng là hay chữ, Thuyên có làm một bài thơ tặng, có 2 câu thơ dịch âm rằng: Thử hồi nhược đắc sơn trung đế/Tả ngã kinh luân chuyển hóa cơ. (Nghĩa là: Thời nay, nếu có được vị chúa trong núi kia kề cận/Hãy để ta lo sắp đặt việc nước thì có thể xoay chuyển được cơ trời).

Vua dịp đó giận Văn Thành hay khích bác bằng những lời quái dị quá mức. Đến khi việc Thuyên bị phát giác ra, Vua liền giao quần thần nghị bàn việc cha con Thành, thế là nhiều kẻ xúm lại tố cáo, thêu dệt tội trạng của Nguyễn Văn Thành xé ra to làm trầm trọng thêm.

Tháng 2 âm lịch 1816, nhân Lễ tế Nam Giao, bộ Lễ tâu xin không cho Nguyễn Văn Thành dự vì đang là người có tội, vua Gia Long vẫn cho Thành dự và dụ rằng: “Văn Thành là người trọng thần của nước, con là Văn Thuyên dù có càn bậy, nhưng việc còn mờ tối, há nên nghe thuyết một bên mà vội xa bề tôi huân cựu sao?”.

Quân tướng triều Nguyễn.

Quân tướng triều Nguyễn.

Mưu thần thời bình khó bình yên

Vụ án khởi phát từ chuyện bài thơ nhưng sự việc có nguồn gốc sâu xa. Nguyễn Văn Thành vốn cậy mình nhiều tuổi, thông kinh sử, văn võ kiêm toàn nên coi thường Lê Văn Duyệt xuất thân từ hoạn quan ít học, từng ở dưới quyền mình.

Còn Lê Văn Duyệt thì ghét Nguyễn Văn Thành lúc lâm trận không dám liều mình mà lại hay lên mặt… Chuyện lắng xuống một thời gian dài khi Lê Văn Duyệt được Gia Long cử làm Tổng trấn Gia Định, Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc thành.

Tuy vậy, ân oán giữ 2 người vẫn âm ỉ theo một logic của nó, Lê Văn Duyệt tu dụng Nguyễn Hữu Nghi (từng là thuộc hạ của Văn Thành nhưng bị phạt vì phạm lỗi) làm môn hạ, rồi thăng làm Hữu Tham tri Bộ hình.

Có lòng oán chủ cũ, Nghi tìm cách cài Nguyễn Trương Hiệu là học trò cũ tính xảo quyệt nhưng có khiếu văn chương của mình vào làm gia khách nhà Nguyễn Văn Thuyên. Nghi dặn Hiệu phải chiếm lòng tin của Thuyên để nắm được thư tín, văn bài của y, nếu thấy gì bất thường thì phải tìm cách lấy mang về cho hắn xem.

Chính Hiệu trộm về cho Nghi bài thơ chữ Hán của Thuyên gửi bạn văn ở Thanh Hóa. Cho là bài thơ nuôi mưu đồ làm phản, Nghi đem trình Lê Văn Duyệt. Nhân được gọi về kinh, Lê Văn Duyệt vào chầu Gia Long trình bài thơ lên, yêu cầu đập tan mưu đồ phản loạn ngay trong trứng nước.

Tuy nhiên, Gia Long cho rằng Thuyên còn trẻ, nhất thời bồng bột, một chút thơ ngông chưa đủ chứng cứ. Thấy vậy, Nghi bèn xui Hiệu đưa bài thơ ra dọa Nguyễn Văn Thành để đòi tiền chuộc. Văn Thành lập tức bắt cả Hiệu và Thuyên giao cho các quan dinh Quảng Đức, đồng thời tâu vụ việc lên vua Gia Long…

Sự việc đang được điều tra thì bỗng một tên lính hầu của Lê Văn Duyệt tên là Hữu lấy trộm ấn bị bắt. Duyệt tra khảo thì Hữu khai là Tiền quân Đô thống Nguyễn Văn Thành ngầm sai hắn vào hầu hạ để tìm cách đánh thuốc độc giết Duyệt, sự không thành nên phải trộm ấn trốn đi.

Được Lê Văn Duyệt tâu lên, Gia Long sai chém đầu Hữu nhưng vẫn không đả động gì đến cha con Nguyễn Văn Thành. Thấy vậy, Lê Văn Duyệt quay sang thúc các quan phải gấp rút hoàn tất án Nguyễn Văn Thuyên… Bị tra tấn cực hình, Thuyên không chịu nổi đành phải nhận vơ mưu phản.

Chân dung Lê Văn Duyệt.

Chân dung Lê Văn Duyệt.

Thế là “giậu đổ bìm leo”, các quan thuộc phe Lê Văn Duyệt đua nhau dâng sớ tố cáo Tiền quân Đô thống Nguyễn Văn Thành, trong đó kẻ đứng ra dâng sớ hạch tội chính thức trên triều là tên mặt đen, mồm nhọn, biện bác giỏi làm Ký lục Quảng Trị tên Nguyễn Duy Hòa.

Nghị án xong, quân thần tâu rằng, cha con Văn Thành đáng xử tử, chỉ có quan Tham tri của bộ Lại là Trần Văn Tuân nói rằng: “Văn Thành không biết dạy con là tội nhẹ, còn Duy Hòa dám hạch cả đại thần mới là tội nặng”. Vua nói: “Thế thì khóa miệng người ta lại hay sao? Đó không phải là chính danh đâu”.

Nói rồi, sai đình thần bàn lại. Đúng lúc đó, Diên Tự Công của họ Lê là Lê Duy Hoán mưu phản, việc bị phát giác, bị bắt giải vào kinh. Bộ Hình xét hỏi, Duy Hoán khai do Thuyên gởi thư xúi giục hắn làm phản.

Bộ Hình dâng lời khẩu cung lên, triều đình xin bắt cha con Văn Thành để trị tội. Tham tri Hình bộ Võ Trinh và Chưởng cơ Tống Phước Ngoạn thương nhà Tiền quân hàm oan ra sức nói đỡ nhưng bị hạ ngục dưới áp lực cả triều.

Uất ức quá, một hôm sau khi bãi chầu, Nguyễn Văn Thành chạy theo níu áo Gia Long kêu khóc: “Tôi theo bệ hạ từ lúc nhỏ vốn không có tội gì, nay bị người bịa đặt hãm hại, bệ hạ nỡ nào ngồi trông cho chúng giết tôi”. Thành nói với thân tín rằng, gần vua cũng nguy như gần hổ, thật khó hiểu bụng dạ quân vương.

Nhưng từ hôm đó vua cấm Văn Thành không được vào chầu, đồng thời sai Lê Văn Duyệt tra hỏi Nguyễn Văn Thuyên lần nữa thì Thuyên lại thú tội như lần trước.

Năm 1817, Gia Long ra lệnh thu hết ấn tín, mũ áo và giam Nguyễn Văn Thành cùng các con vào ngục chờ đình thần nghị án.

Khi biết mình bị khép tội tử hình, Nguyễn Văn Thành làm một tờ biểu nhờ Hoàng Công Lý dâng lên Gia Long và nói: “Vua bảo tôi chết, tôi không chết không phải là tôi trung” rồi uống thuốc độc tự tử.

Nguyễn Văn Thuyên bị xử trảm… Còn tờ biểu trần tình của Văn Thành không hiểu sao Hoàng Công Lý không dâng cho vua (Có người nói Lý cũng a dua theo Lê Văn Duyệt và phe đảng, lại ngầm đố kỵ với Văn Thành nên không hết lòng vì Văn Thành), mãi sau khi Văn Thành chết, một người lính hầu vào phòng nghỉ của chủ tướng mới nhặt được biểu trần tình).

Lúc bấy giờ Phủ Mật sự của Lê Công Nghĩa Hưng đang kiện toàn nên rất bận rộn. Nghĩa Hưng chia thành các ty, đội phụ trách theo dõi quan lại; điều tra thẩm vấn; hành động bí mật; lại xây dựng 1 đội bề ngoài chuyên xây dựng, sửa chữa phủ đệ, dinh thự hoàng thân quốc thích nhưng có nhiệm vụ theo dõi tư tưởng, hành vi của họ... xem có ảnh hưởng quyền lợi của vua không.

Ngoài ra có đội chuyên quan hệ đối ngoại, chủ yếu theo dõi một số sĩ quan Pháp trong quân đội Nguyễn Ánh, luyện tập tiếng Pháp và tiếng Trung để giao tiếp, đọc tài liệu từ các thứ tiếng này.

Nghĩa Hưng tâu vua xây một phòng làm việc, chủ yếu là thẩm vấn nhân chứng đặc biệt ở gần Hoàng cung, có lối đi được ngụy trang kín, phía Đông cửa thành, phải đi xuyên qua một số dãy nhà, được bố trí như các cơ sở doanh nhân.

Toàn bộ nơi bí mật này do Bộ Hộ mua và quản lĩnh, nhưng người bên trong cửa hàng đều do Phủ Mật sự cử ra, đích thân vua chọn đóng vai nhân viên cửa hàng bán thuốc Đông y, cửa hàng vải, cửa hàng vàng bạc...

Trước đây, thấy chủ tướng Văn Trương của mình luôn kính trọng Văn Thành, bản thân là hậu bối lại đồng hương cùng xứ Thuận Hóa với vị Tiền quân danh tiếng nên Nghĩa Hưng rất muốn góp sức đòi lại công lý.

Nghĩa Hưng sai thủ hạ cất công ra Thanh Hóa thẩm vấn 2 tên Nho sinh ấu trĩ chính trị là Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Đức Nhuận để hiểu tường tận sự việc. Ông còn cử 1 công sai tinh nhanh xin vào nhà Nguyễn Trương Hiệu làm người giúp việc để theo dõi động tĩnh.

Nắm được chứng cứ Hiệu nhận tiền của Hữu Nghi từ tay quản gia Nghi cùng thư khen Hiệu có công trong vụ xử Tiền quân, lại được Hiệu cất giấu trong hộp đựng dưới sập tiếp khách, Nghĩa Hưng liền ra tay.

Nghĩa Hưng lựa dịp tâu vua và nói: Tiền quân dẫu có tội nhưng chưa đến mức phải chết, nay thần đi qua nhà ngài ấy thấy gia cảnh tiêu điều, phu nhân đổ bệnh, chắc cần làm gì để an ủi nhà họ chăng? Vua nghĩ chút rồi nói khẽ: Phủ ngươi thấy sao cho đúng thì làm.

Nghĩa Hưng lập tức bí mật sai người bắt Hiệu vừa ra khỏi nhà 1 đoạn, trên đường đi nhận chức mới ở Quảng Ngãi. Sau khi công bố tội trạng, người Phủ Mật sự bẻ gãy cổ Hiệu, đúng lúc trời tối và mưa dầm, họ chở xác Hiệu đến sau nhà Huỳnh Công Lý nhẹ nhàng vứt xác qua tường rơi vào vườn Lý.

Mấy hôm sau công sai đến nhà Hiệu đọc lệnh khám nhà, mở sập tịch thu vàng và thư Nghi, rồi Bộ Lại công bố bãi chức Nghi. Sau này Minh Mạng lên ngôi nhớ chuyện Văn Thành không ủng hộ mình làm vua nên cho giết nốt các con của Thành.

Chỉ 1 người con vợ bé nhờ Nghĩa Hưng lo xa sớm đưa ra Quảng Trị đổi họ tên sống ở đó. Còn Lê Văn Duyệt trước lúc chết nói với tả hữu rằng: Cả đời ta chỉ ân hận vì chuyện dìm chết bà Trịnh Thị Quyên, vợ Thái tử Cảnh và bức chết Tiền quân Nguyễn Văn Thành. Trước đó, Huỳnh Công Lý bị chính Duyệt xử tử vi tham ô.

Năm 1818, Nghĩa Hưng xin được cáo lão và được ân chuẩn. Ông ngao du khắp thiên hạ, sáng tác nhiều bài thơ về nhân tình thế thái, phong cảnh non sông… Bài thơ sau được lưu truyền:

“Bốn phương phiêu lãng,

Nhà đâu để về?

Sông dài, bể rộng,

Núi cao mây bay,

Nhà ta đâu tá?

Trời đất là nhà,

Bốn phương là nhà”.

(Hết)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.