Nhân vật đặc biệt phụ trách những công việc bí mật cho vua Gia Long

GD&TĐ - Có một nhân vật đặc biệt nhưng ít được sử sách nói nhiều vì ông phụ trách những công việc bí mật cho chúa Nguyễn Ánh, sau này là vua Gia Long.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Họ Lê Cảnh ở Triệu Phong, Quảng Trị, có những lúc lấy tên đệm là Công, Đăng. Đến thời giao tranh giữa nhà Tây Sơn và chúa Nguyễn Ánh, có nhân vật Lê Công Nghĩa Hưng là một người đặc biệt nhưng ít được sử sách nói nhiều vì sau này ông phụ trách những công việc bí mật cho chúa Nguyễn Ánh, sau này là vua Gia Long.

Cùng vào sinh ra tử

Năm 1776, cảng Sài Gòn nhộn nhịp thuyền buôn, nhiều dãy phố do người Hoa lập ra buôn bán sầm uất. Người em út trong nhà Tây Sơn là Nguyễn Lữ - mới chiếm được thành Sài Gòn đang trong tâm trạng phấn khích cùng tướng sĩ - đã cho tổ chức một hội đá gà ở ngay tại một ngã tư phố cảng Cần Giờ.

Lúc đó, những người cá cược cãi nhau với chủ sới về số tiền cược rồi xô xát. Mấy thủy quân từ chiến thuyền Tây Sơn say rượu đi tới. Họ lợi dụng lộn xộn để trộm tiền đặt cược.

Chủ tướng Nguyễn Lữ vừa uống trà vừa quan sát cảnh tượng xung quanh. Ông thấy một người vạm vỡ, nói giọng xứ Quảng ngồi ở quán bên cạnh đang diễn thuyết về tầm quan trọng của thủy quân trong chiến tranh.

Trong số thính giả ngồi xung quanh, có chàng trai hay đặt câu hỏi bằng giọng Quảng Trị về chiến thuật, bố trí đội hình, súng thần công, cung nỏ..., còn đa số cử tọa chỉ nghe thụ động.

Người đàn ông vạm vỡ, mặt vuông chữ điền, mắt to đen, sáng chính là Nguyễn Văn Trương (quê Quảng Nam) - người có thiên bẩm về thủy chiến mới lưu lạc vào Gia Định được hơn 1 năm. Thấy chàng trai hay hỏi có phong thái nho nhã, miệng luôn tươi cười, tay chân săn chắc, đặt câu hỏi sắc sảo, liền nheo mắt: “Cậu tên tuổi thế nào, vô đây làm chi?”.

Chàng trai đáp: “Tiểu đệ là Lê Công Nghĩa Hưng thuộc chi Lê Cảnh ở Quảng Trị cũng có chút truyền thống của gia tộc về thủy quân giữ biển, mới vô Gia Định được nửa năm đang tìm cơ hội lập nghiệp”. Theo dõi kỹ càng mọi sự, Nguyễn Lữ vươn vai đứng dậy quát đám dân, lính quanh sới đá gà giải tán và tiến đến vái chào 2 tráng sĩ am hiểu chiến trận trên sông biển rồi mời họ về phủ khoản đãi.

Được vài tuần rượu, càng trò chuyện với 2 chàng trai, Nguyễn Lữ và các bộ tướng càng khâm phục kiến thức và trải nghiệm của họ về thủy quân và thủy chiến, kỹ thuật đóng tàu thuyền, cách huấn luyện, tập trận... Rất nhanh, Nguyễn Lữ bàn bạc với tướng lĩnh tâm phúc rồi quyết định mời Văn Trương làm Chưởng cơ cai quản binh thuyền, còn Nghĩa Hưng được mời giữ chức Phó tướng cho Văn Trương.

Năm 1787, dự đoán có thể lấy lại Gia Định, chúa Nguyễn Ánh bèn để lại thư từ tạ vua Xiêm rồi nửa đêm đem gia quyến xuống thuyền về nước. Lúc bấy giờ, nhà Tây Sơn đang có mâu thuẫn, lục đục, bất hòa, nhận thấy Nguyễn Lữ không phải là chân chúa nên Nguyễn Văn Trương đem 300 quân, 15 chiến thuyền binh chạy vào Long Xuyên (Cà Mau) giúp chúa Nguyễn, được phong chức Chưởng cơ.

Sau một thời gian nhờ lập thêm nhiều chiến công, Văn Trương được phong làm Khâm sai chưởng đạo tiền phong, Trung quân thủy dinh, Nghĩa Hưng vẫn làm Phó tướng theo Văn Trương.

Trong đời chiến chinh liên miên, Nguyễn Văn Trương và Phó tướng Nghĩa Hưng của mình đã trải qua rất nhiều trận thủy chiến và đều chiến thắng oanh liệt.

Xin được kể về trận Thị Nại (Quy Nhơn) tháng Giêng năm 1801. Nguyễn Văn Trương, Tống Phước Lương, Lê Văn Duyệt, Võ Di Nguy đem quân vào đánh cửa Thị Nại.

Đây là trận “thủy chiến” dữ dội nhất của hai phía Tây Sơn - Nguyễn Ánh. Nhờ bao quát được trận địa, với tài thao lược Văn Trương kết hợp cả đại pháo, cung tên buộc giẻ tẩm dầu đốt lửa bắn cấp tập; Huy động tàu lớn tấn công tiêu diệt hàng loạt tàu nhỏ, còn cho các thuyền nhỏ linh động vây đánh tàu lớn làm đối phương bị động. Khi Võ Di Nguy trúng đạn chết, Văn Trương điều ngay Nghĩa Hưng sang chỉ huy đội tàu thuyền của Di Nguy, khiến lòng quân vững vàng.

Chung tay dựng giang sơn

Nghĩa Hưng phát huy kinh nghiệm thực chiến theo Chủ tướng Văn Trương lâu năm, dồn binh lực đánh vào những tàu thuyền bị bốc cháy hỗn loạn, khiến đối phương tan tác. Kết thúc trận đánh, phía Nguyễn Ánh chết khoảng 4.000 quân trong đó có Thủy sư đô đốc Võ Di Nguy, còn phía Tây Sơn thiệt hại hơn 20.000 quân, 1.800 chiến thuyền và 800 đại bác.

Công đầu trận này thuộc về Nguyễn Văn Trương, nhưng ông rất khiêm tốn, thắp hương vái hương hồn tướng Võ Di Nguy nói: Công lao thuộc về tất cả các tướng sĩ, nhất là chiến tướng Võ Di Nguy và những người đã ngã xuống. Ông còn nói: Đối với những người đứng đây, chắc rằng tên tôi phải xếp sau tên các vị Lê Văn Duyệt, Tống Phước Lương, Lê Công Nghĩa Hưng và một số tráng sĩ chưa kể ra.

Tiếp theo, Văn Trương đem Nghĩa Hưng dẫn đoàn thủy binh thiện chiến của mình lần lượt chiếm cửa biển Cổ Lũy (Quãng Ngãi), Đại Áp, Đại Chiêm (Quảng Nam); Hội An, La Qua, Phú Chiêm (Quảng Nam), Đà Nẵng, rồi chiếm thành Phú Xuân (Huế).

Thừa thắng đoàn quân bách thắng tiến ra sông Gianh chặn đường rút lui của Tây Sơn; ý đồ chiến lược chiếm sông Gianh chặn địch của Văn Trương được Nguyễn Ánh hết sức tán thưởng.

Nguyễn Ánh vội sai tín sứ mang ấn và dây thao đại tướng đến giữa quân doanh trao cho Nguyễn Văn Trương và phong làm Khâm sai chưởng trung quân, Bình Tây đại tướng quân, tước quận công. Văn Trương không quên phó tướng của mình, liền dâng biểu kể rõ công tích của Nghĩa Hưng nên Nghĩa Hưng được phong tước Hải Hưng hầu.

Năm 1802, vua Cảnh Thịnh sai em là Nguyễn Quang Thùy trấn giữ Nghệ An, còn tự mình cầm quân quyết chiến với Nguyễn Ánh tại chiến trường Quảng Bình. Hai bên chạm trán nhau ở Trấn Ninh và đánh từ sáng đến chiều quân Tây Sơn vẫn không chiếm được lợi thế.

Thấy vậy, đô đốc Bùi Thị Xuân cưỡi voi liều chết đánh cấp tập vào lũy Trấn Ninh, nơi Nguyễn Ánh đang cố thủ. Bà Xuân tự tay thúc trống liên hồi, thúc quân xông lên nhiều đợt. Một số đội quân của Nguyễn Ánh đã dao động định vượt sông Gianh mở đường máu thoát thân.

Lúc quân Tây Sơn đang chiếm được thế thượng phong thì thủy quân nhà Nguyễn do Nguyễn Văn Trương chỉ huy cánh chính, Nghĩa Hưng đem 1 cánh đánh vu hồi, phá tan thủy quân Tây Sơn ở cửa biển Nhật Lệ. Văn Trương chia quân tràn lên bờ, một bộ phận hộ giá bảo vệ Nguyễn Ánh, còn đại quân truy quét bộ binh Tây Sơn.

Quang Toản vội rút lui, Bùi Thị Xuân buộc lòng phải phò vua nhằm hướng Bắc bỏ chạy. Đây là trận đánh có ý nghĩa quyết định cho cuộc chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh.

Từ đó quân Tây Sơn trượt dài trong thất bại. Còn trận thủy chiến thắng lợi trên sông Nhật Lệ chính là đóng góp lớn nhất của Nguyễn Văn Trương và các bộ tướng cốt cán của ông cho sự nghiệp phục quốc của Nguyễn Ánh.

Trong chiến dịch cuối cùng đánh Thăng Long, Nguyễn Văn Trương chỉ huy thủy quân tiến chiếm cửa Giồn (Hà Tĩnh), cửa Hội (Nghệ An), chiếm vùng Sơn Nam Hạ rồi tiến vào Thăng Long.

Năm 1803, Gia Long vi hành ra Thăng Long, Nguyễn Văn Trương theo hộ giá. Khi Văn Thành được phái đi kinh lý các tỉnh, Nguyễn Văn Trương đảm nhận quyền Tổng trấn Bắc Thành (1803 - 1804), sau đó về Kinh cùng Lê Chất lo việc xây đắp kinh thành Huế.

Do tiến cử của Nguyễn Văn Trương, qua một số lần tiếp xúc trực tiếp, Nguyễn Ánh thấy năng lực sở trường của Nghĩa Hưng, lại biết gia thế con nhà tướng họ Lê Cảnh từng đón rước chúa Tiên Nguyễn Hoàng nên có ý muốn trọng dụng.

Các tướng họ Lê Cảnh đã góp phần cùng các chi họ Lê khác giữ biển Quảng Trị, nhiều lần đánh cướp biển và đuổi quân Chiêm Thành, giữ nếp gia tộc trung hậu nên khi nhà vua lập Phủ Mật sự (đầu 1805) đã bổ dụng Nghĩa Hưng làm chưởng quản Phủ.

Phủ này là tiền thân của cơ quan mật vụ chuyên theo dõi, giám sát quan lại trong bộ máy, có vai trò đặc biệt khi mới xây dựng chính quyền. Năm 1805, hai thầy trò Văn Trương, Nghĩa Hưng bái biệt nhau, nhìn thầy của mình tóc bạc nắng gió, Nghĩa Hưng cứ trào nước mắt, hai thầy trò cầm tay nhau mãi rồi Trương quận công trầm giọng: Đệ ở lại Phủ Mật sự phải cẩn thận, tỉ mỉ, ứng xử khôn khéo, chớ để vua hiểu lầm, đồng liêu thù ghét. Thế rồi Văn Trương được cử vào Nam làm Lưu trấn Gia Định (1805 - 1808).

(Còn nữa)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.