Thời chiến tranh giữa chúa Nguyễn và nhà Tây Sơn, việc trưng binh của hai bên tùy thuộc vào tình hình chiến trận, chưa có quy định rõ ràng. Sau khi phía nhà Nguyễn chiến thắng, chúa Nguyễn Ánh lên ngôi, ngay trong năm đầu, đã quy định điều lệ trưng binh cụ thể.
Theo bộ sử nhà Nguyễn, “Đại Nam thực lục”, Đệ nhất kỷ - Quyển XVIII, thì vào tháng 8, năm Gia Long thứ nhất (1802), nhà vua ra Bắc, đóng ở Thăng Long và định điều lệ điền cấp binh lính ở Bắc Thành.
Lời dụ của vua Gia Long như sau: “Giữ nước không thể không có quân. Người xưa đặt phủ vệ để lính ở trong nghề nông, cốt để giữ dân. Ta nay kính theo mệnh trời lấy lại nước cũ, tìm học người xưa, về việc quân dân rất là chú ý. Mới rồi hạ lệnh cho đình thần bàn bạc, chiếu theo sổ thường hành năm Giáp Dần (1774), cứ 7 đinh lấy 1, chia lập các chi, hiệu đội của các quân, cứ những nơi gần mà thay nhau đóng giữ, ấy là để cho quen thủy thổ mà giữ lấy làng nhà của mình”.
Theo nội dung lời dụ này, vua Gia Long dạy rằng: “Buổi đầu thái bình đã từng sức bảo cặn kẽ, nhưng còn lo dân ngu thói gian chưa đổi, nếu động là dùng hình phạt, không dạy mà giết, thực là không nỡ. Vậy định ra 9 điều lệ cấm để mọi người biết mà tự răn”. Trong 9 điều lệ cấm này nhấn mạnh: Kén bổ binh lính nên chọn những nhà nhiều đinh giàu mạnh, không được ức bắt những người kiều ngụ (ngụ làng khác) cô đơn nghèo khổ, làm trái thì xử theo quân pháp.
Nhà vua cũng cho rằng, phép trị binh phải luyện tập lâu ngày, thì đồ trận mới tinh thuộc (đồ là địa đồ, trận là thế trận), bộ ngũ mới chỉnh tề. Nhưng trước đấy trong dân xã cứ khoán ước riêng nhau người làm lính lấy 3 - 4 năm hoặc 5 - 6 năm làm một khóa, con em nhà giàu đã tòng quân rồi cũng tìm cách để đổi người khác, nên việc binh không tinh luyện. Do đó, từ năm này, triều Nguyễn quy định, phàm binh lính đã được sung đội ngũ không được thay đổi nữa. Chỉ có ai tới 50 tuổi, hay bị bệnh nặng, hoặc trốn, hoặc chết, thì quản quan báo cho bộ Binh, rồi bộ sức về địa phương hạ lệnh cho dân xã chọn người khác bổ sung. Nếu vô cớ mà riêng lấy giấy phiếu của quản quan để điền tên người khác thì quản quan và binh lính, xã trưởng đều bị xử theo quân pháp.
Để tránh việc binh lính tại ngũ bỏ trốn, triều đình quy định nếu bắt không được người đó, sẽ bắt cha con, anh em, họ hàng để sung làm lính, nếu không có ai thì mới được chọn người khác. Binh lính bỏ trốn mà nã bắt được thì lần thứ nhất bị đánh 90 roi, truất làm quân nấu bếp, tái phạm thì xử chém ngay, không bắt điền cấp.
Những binh lính trốn về quê bị người cáo giác ra, thì binh lính bỏ trốn đó và xã trưởng đều bị xử theo quân pháp. Nếu người cáo giác là người trong đội thì được miễn trừ binh đao trọn đời, hạ lệnh xã dân chọn người khác điền thay; nếu là người ngoài đội thì thu lấy 50 quan tiền ở lý dịch làng quê để thưởng cho.
Với những người lính từng trong hàng ngũ của nhà Tây Sơn, sau đó hàng quân Nguyễn hoặc bị bắt lúc đó đang tại ngũ, đều cho về quê ứng tuyển trở lại, chiếu số trừ đi để cho dân xã khỏi phải chịu hai lần hạn ngạch. Riêng những người đã được bổ làm cai đội phó đội trở lên thì không phải theo lệ này.
Đặc biệt, quy định năm Gia Long thứ nhất để lại cho biết rõ trang bị của lính nhà Nguyễn thế nào. Điều thứ 7 trong 9 điều lệ cấm ghi rằng: “Binh lính mới điền thì xã dân nên dự bị cho mỗi người một cái bao vải dài 3 thước (mỗi thước thời đó tương đương 40 cm) 5 tấc, một cái áo trận hai lần vải, ngoài màu thâm trong màu vàng đều 8 thước, một cái quần màu gỗ vang 6 thước bằng tơ gốc và 1 thước vải cạp, tiền cúc chỉ và công may 5 tiền, nộp ở quan thành để tùy tiện may phát”.
Điều 8 cho biết, binh lính mới đã có lương, nhưng dân xã vẫn phải phụ nuôi, mỗi tháng cấp 1 quan tiền, mỗi năm một cái khăn vải thâm dài 4 thước 5 tấc, 2 cái áo đơn vải thâm, mỗi cái 10 thước vải, 2 cái quần mỗi cái 7 thước vải. Nếu trong xã có ruộng đất công, thì cho chiếu cấp khẩu phần, ruộng nương và đất bãi chiếm riêng.
Vua Gia Long cũng đặt thêm 5 điều lệnh cấm ở các dinh quân, quy định binh lính tuổi đến 50, những người bị bệnh không chịu nổi việc quân ngũ và người trốn, người chết thì quan cai quản báo về bộ Binh, để hạ lệnh cho dân chọn người điền thế. Các quan không được riêng tư đòi bắt lính thay thế hay nhận của dân đút lót để tự cho thay đổi, ai làm trái thì xử theo quân pháp.
Triều đình cũng cấm việc các chỉ huy tự tiện sai phái binh lính buôn bán kiếm lời, hoặc tự cho về nghỉ, sai làm việc riêng. Trong quân đội ai có tội sẽ xử lý cấp trên, như ngũ trưởng phạm tội thì tội lây đội trưởng, đội trưởng phạm tội thì lây cai đội. Người nào biết mà phát giác thì được miễn.
Theo lệ xã dân phụ dưỡng binh lính nêu trên, nếu xã dân không phụ dưỡng hay binh lính đòi hỏi ngoại lệ, hai bên đều có thể nộp đơn lên bộ Binh xử lý, quan cai quản không được đòi hỏi riêng điều gì. Binh lính cũng chỉ trách nhiệm dựng nhà công sảnh ở nơi đóng quân, chỉ huy không được sai làm nhà riêng; ai làm trái thì có tội.
Theo lệ thời Nguyễn, những khi thiên tai, nạn dịch mà dân bị chết dịch, chết đuối nhiều, thì số lượng binh lính địa phương phải kén trong năm đều được giảm xuống, nếu dân chết từ 7 phần 10 trở lên sẽ được đình hoãn trong 3 năm.