Được vua Gia Long phong Thượng tướng quân: Bí mật của “cửu vị thần công”

GD&TĐ - Từ xưa, người dân Huế đã trang trọng gọi 9 khẩu súng thần công trước cửa Ngọ Môn là “cửu vị thần công” – 9 vị Thượng tướng quân do đích thân vua Gia Long ban sắc phong thần và được cắt quân binh túc trực bảo vệ.

Bốn khẩu “Tứ thời”: Xuân - Hạ - Thu - Đông.
Bốn khẩu “Tứ thời”: Xuân - Hạ - Thu - Đông.

Vì là thần nên cửu vị thần công được hưởng bổng lộc, được quân hầu ngày đêm hương khói và đến kỳ đến hạn thì được cúng phẩm vật. Không chỉ là chứng tích lịch sử oai hùng của triều đình nhà Nguyễn, cửu vị thần công còn được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Thế nhưng ít ai biết xung quanh 9 vị Thượng tướng cốt đồng là bao nhiêu bí mật lẫn giai thoại khó tin.

Thần oai vô địch Thượng tướng quân

Theo các tư liệu lịch sử, 9 khẩu súng thần công bằng đồng được đúc từ tháng 1/1803 đến tháng 12/1804, dưới thời vua Gia Long. Vật liệu đúc là toàn bộ vũ khí bằng đồng thu được của triều Tây Sơn, nhằm biểu trưng cho sức mạnh nhà Nguyễn và các vị thần bảo vệ vương triều. Đây cũng được xem là đồ tế khí dùng để trang trí và thị uy cho kinh thành thêm phần oai nghiêm.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, 9 khẩu thần công được chia làm 2 nhóm: Nhóm “Tứ thời” gồm 4 khẩu Xuân - Hạ - Thu - Đông và nhóm “Ngũ hành” gồm 5 khẩu Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ.

Trước kia, cửu vị thần công được đặt trước Ngọ Môn - cửa chính của Hoàng thành, trong hai dãy Pháo xưởng. Nay được đặt ở cửa Thể Nhơn (cửa Ngăn) và cửa Quảng Đức (cửa Sập) của Kinh thành Huế.

Mỗi khẩu thần công có chiều dài 5,1m với đường kính trong của nòng là 22,5cm. Trên thân có khắc nhiều chi tiết hoa văn trang trí tinh xảo và các bài văn ngắn tỏ về lai lịch thần công. Chuôi thần công có khắc tên và thứ bậc của mỗi khẩu, như khẩu Xuân được mệnh danh là “Đệ nhất cửu vị thần uy”. Trên gối đỡ có khắc bài văn nói về cách pha chế thuốc đạn.

Mỗi khẩu thần công được đặt trên một giá súng bằng gỗ lim - cũng được chạm trổ công phu với những hoa văn hình rồng, mây uốn lượn vần vũ. Mỗi giá súng lại có 4 bánh xe bằng gỗ bọc sắt dùng để di chuyển.

Cửu vị thần công được coi là tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ, thể hiện nghệ thuật - kỹ thuật luyện kim và đúc đồng đỉnh cao thời Nguyễn. Trải qua 217 năm, cửu vị thần công vẫn tồn tại gần như nguyên vẹn, hiện diện như một phần quan trọng trong hệ thống di sản văn hóa Huế. Ngày 1/10/2012, cửu vị thần công được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.

Theo các tư liệu lịch sử triều Nguyễn, vào năm 1816 Hoàng đế Gia Long đã sắc phong cho 9 khẩu đại pháo này danh hiệu “Thần oai vô địch Thượng tướng quân”. Danh hiệu này cùng niên đại sắc phong đều được chạm nổi thêm trên phần đai cuối thân của cả 9 khẩu thần công.

5 khẩu Ngũ hành: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ.

5 khẩu Ngũ hành: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ.

Huyền tích thiêng xứ Huế

Cửu vị thần công thời Gia Long được phong Thượng tướng quân.
Cửu vị thần công thời Gia Long được phong Thượng tướng quân.
Cửu vị thần công từng bị Pháp liệt vào danh sách vũ khí nguy hiểm cần phải phá huỷ. Văn bản kiểm kê của Tham mưu trưởng pháo binh Crétin ngày 13/9/1885, cho thấy người Pháp đã tìm thấy 336 khẩu đại bác bằng đồng.
Trước nguy cơ cửu vị thần công sắp bị phá huỷ thì Hội đồng Cơ mật triều Nguyễn nhân cơ hội quan Toàn quyền Bihourd đi qua Huế mới đặt vấn đề. May sao Bihourd lấy danh nghĩa Toàn quyền ưng thuận bằng biên bản hợp nghị vào ngày 8/7/1887.

Cửu vị thần công được đặt tên theo 4 mùa và ngũ hành nhưng khối lượng các khẩu lại không đồng nhất: Xuân (17.700kg), Hạ (17.200kg), Thu (18.400kg), Đông (17.800kg), Mộc (17.100kg), Hỏa (17.200kg), Thổ (17.800kg), Kim (17.600kg), Thủy (17.200kg).

Cho đến nay, không có tài liệu nào giải thích tại sao khối lượng các khẩu súng lại không giống nhau. Chiều dài súng đồng nhất là 5,10m, đường kính nòng là 0,22m, đường kính ngoài nòng đoạn giữa là 0,54m, đế súng dài 2,75m, cao 0,73m và bánh xe đường kính 0,62m…

Thần công có mâm xoay nòng như pháo hiện đại. Ở trên súng có ghi rõ cách bắn như sau: Muốn bắn phải nạp 4 lớp thuốc súng. Lớp đầu 30 cân thuốc súng cộng 40 cân đất. Lớp thứ hai 30 cân thuốc súng cộng 105 cân đất.

Lớp ba: 40 cân thuốc súng cộng 120 cân đất. Lớp cuối cùng 20 cân thuốc súng để bắn trái đạn. Muốn bắn mạnh hơn thì gia tăng thuốc súng lớp thứ tư, tối đa 30 cân sẽ đạt mức công phá mạnh nhất.

Giáo sư H.Lebris, trong một tác phẩm về Cố đô Huế, có viết: Súng này rất lợi hại cho người bắn! Cho đến thời Tự Đức, súng vẫn chưa một lần xung trận để bảo vệ Hoàng thành, mà chỉ dùng để bắn các phát súng lệnh ở Kinh đô khi diễn ra lễ cung đình như Mừng Khánh thọ vua, dịp lễ Tết hay Tế Nam Giao…

Cửu vị thần công được trang trí rất đẹp, có thếp vàng trên súng. Người ta chạm một con rồng đang đè lên một con rồng khác buộc nó phải chạy trốn. Ngày xưa súng được đặt ở Tả xưởng Tướng quân (bên trái Ngọ Môn), chứ không phải đặt chia ra hai bên như bây giờ.

Xung quanh cửu vị thần công có nhiều huyền thoại thiêng liêng. Ngày xưa dân kinh thành Huế ai đi qua trước súng đều phải ngả nón cúi chào như chào một vị Thần. Tương truyền, cửu vị có thể hòa giải cho các gia đình li hôn, phù hộ cho các nhà an khang, thịnh vượng.

Sử cũ chép rằng: Vua Tự Đức một hôm định đưa cửu vị thần công ra chiến trường. Quan quân đã cột ngựa rất mạnh để kéo, nhưng súng không hề nhúc nhích. Vua nổi giận viết bức thư với lời lẽ kiên quyết, cho quan triều đem đọc trước súng thần công: “Nếu Ngài không chịu tham chiến thì đích thân Trẫm sẽ đến phạt trượng và Ngài sẽ mất hết chức tước”. Sau khi tuyên đọc thư Hoàng thượng, tự nhiên ngựa kéo súng bỗng rất nhẹ nhàng.

Tuy nhiên, giới lịch sử chỉ ra câu chuyện đó trong sử có thể là không chính xác. Dưới triều vua Tự Đức cũng có đúc 9 khẩu súng thần công khác, rất giống với cửu vị thần công được Gia Long phong Thượng tướng quân.

Tuy nhiên, 9 khẩu thời Tự Đức nhỏ hơn, được đặt ở bên phải Ngọ Môn. 9 khẩu súng này từng được điều vào tham chiến ở Gia Định, Sơn Trà (Đà Nẵng), Thuận An (Huế). Còn các khẩu đúc thời Gia Long vẫn đặt ở chỗ cũ Tả xưởng Tướng quân, chưa một lần phát hỏa đánh giặc.

Giáo sư H. Lebris vào năm 1914 còn nhắc về sự linh thiêng đến không ngờ xung quanh 9 khẩu đại bác được vua Gia Long phong tướng, sánh ngang hàng với thần linh: “Có nhiều kẻ lâm bệnh đã đến và cúng rượu, trầu và giấy vàng bạc khấn lạy nhờ ơn cửu vị cứu sống. Bệnh tật chắc sẽ qua nếu không quên buộc ở họng súng chùm hoa vàng, và khi đã hoàn toàn khỏi bệnh thì người ta đến tạ thần công bằng cúng cơm thịt gà giò, chuối”.

Người chỉ huy đúc thần công

Bài văn ngắn trên các khẩu thần công.

Bài văn ngắn trên các khẩu thần công.

Hoa văn trang trí tinh xảo trên thân đại pháo.
Hoa văn trang trí tinh xảo trên thân đại pháo.

Để đúc cửu vị thần công, vua Gia Long huy động một đội ngũ đốc công, thợ đúc đông đảo và với vô số vật lực. Theo Giáo sư H.Lebris (NXB Thuận Hóa, 1997), việc đúc súng thần công đặt dưới quyền giám sát của Đô Thống chế Nguyễn Văn Khiêm, Chánh quản cơ Hoàng Văn Cẩn, Phó quản cơ Ích Văn Hiếu và Phan Tấn Cẩn - Tham tri Bộ Công. Vua ban cho 4 người này các chức hầu có ý nghĩa: Khiếm hòa, cẩn thận, hiếu thuận, cẩn tín.

Trong số bốn người giám sát, có một người làng Đốc Sơ ở phía Bắc kinh thành Huế là Cẩn Tín hầu Phan Tấn Cẩn được coi là “pháo trưởng”, bởi ông nổi tiếng giỏi nghề rèn, thông thuộc kỹ nghệ cơ khí.

Ông Phan Tấn Cẩn từ hồi nhỏ đã theo học nghề rèn. Năm Mậu Thân (1788), ông vâng lệnh chúa Nguyễn Ánh phụ trách chế tạo binh khí và sắm sửa quân nhu. Đến năm 1792, ông được thăng chức Chánh dinh nội lệnh ty câu kê, tước là Cẩn Tín bá. Sau ngày Nguyễn Ánh lên ngôi vua, ông Cẩn cùng với gia quyến trở về cố hương.

Năm Quý Hợi (1803), ông Phan Tấn Cẩn được thăng Tham tri Bộ Công kiêm lý Đồ gia. Cùng thời điểm này, ông được giao trọng trách cùng với ba vị đại thần đúc bộ cửu vị thần công.

Để đúc thành công 9 khẩu súng đại pháo thần này, vua Gia Long đã rất thận trọng tinh tuyển lựa chọn ra những người thợ ưu tú nhất, không chỉ vững vàng về kỹ nghệ chuyên môn mà còn hội tụ danh tiết cao đẹp để có thể đặt trọn vẹn niềm tin. Bốn người đã được ban tên tước lần lượt là Khiêm hòa (hầu), Cẩn thận (hầu), Hiếu thuận (hầu), Cẩn tín (hầu).

Công việc diễn ra gần 2 năm mới hoàn thành. Để các khẩu súng ngoại cỡ không bị thô vụng, mà ngược lại phải tinh xảo và thể hiện được uy dũng mạnh mẽ. Ông Phan Tấn Cẩn cùng các đại thần được giao phó phải tính toán kỹ lưỡng qua các bản vẽ, áp dụng kỹ thuật tân tiến nhưng không thể bỏ qua yếu tố truyền thống mang tính phong thuỷ, thuật số.

Không có tư liệu nào nói về việc vua Gia Long ban thưởng sau khi công cuộc đúc súng hoàn thành, nên không rõ các việc về thế nào. Chỉ biết mãi đến năm 1811, ông Cẩn được giao nhiệm vụ Quản đốc trông nom việc đúc gạch ngói, nhưng vì để “gạch sống”, nên vua giáng cấp xuống làm Cai bạ. Hai năm sau ông mới được khôi phục chức Tham tri bộ Công và vẫn là “thợ cả” của bộ phận đúc vũ khí và các vật dụng bằng kim khí khác của triều đình.

Năm 1816, ông Cẩn qua đời thọ 65 tuổi, vua Gia Long vô cùng thương xót, sai người tế bái và ban bốn cây gấm, mười cây lụa, ba mươi cây vải, ba mươi cân sáp vàng và hai trăm quan tiền. Sau đó, ông được an táng và xây lăng mộ tại xứ Mụ Kiểm.

Cửu vị thần công đến nay vẫn uy nghi trước Kinh thành Huế, là một phần Di sản thế giới thu hút khách du lịch, là chứng tích lịch sử oai hùng triều Nguyễn. Đồng thời, cũng tượng trưng cho tài nghệ đúc đồng điêu luyện của người Việt đầu thế kỷ 19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ