Phản hồi bài “Tứ hổ Tràng An - Kỳ 1: Người duy nhất làm Thượng thư cả 6 bộ"

GD&TĐ - Giai thoại về Nguyễn Bá Lân có nhiều, cùng một chủ đề nhưng có nhiều cách nói khác nhau.

Phản hồi bài  “Tứ hổ Tràng An - Kỳ 1: Người duy nhất làm Thượng thư  cả 6 bộ"

Sau khi Báo Giáo dục và Thời đại đăng bài “Tứ hổ Tràng An - Kỳ 1: Người duy nhất làm Thượng thư cả 6 bộ” (Số báo 207, ra ngày 30/8), ngày 2/10, chúng tôi có nhận được ý kiến của ông Nguyễn Văn Đoàn (người thay mặt Dòng họ Nguyễn hiệu Phúc Tướng, chi Cổ Đô).

Ông Đoàn “đề nghị đăng báo công khai việc không có câu chuyện, không có cơ sở như bài báo đã đăng. Như khi cụ Nguyễn Công Hoàn đi thi Hội mà cụ Nguyễn Bá Lân chưa thi đỗ Tiến sĩ thì không thể làm giám khảo coi và chấm bài thi của cha mình được”.

Sau khi tiếp nhận thông tin, trưa ngày 3/10, tác giả bài viết đã liên hệ với ông Đoàn và trao đổi các vấn đề liên quan, thống nhất, bổ sung dưới giai thoại “Đánh trượt bài thi của cha” nội dung: “Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đoàn – hậu duệ đời thứ 19 dòng họ Nguyễn hiệu Phúc Tướng, thì chuyện này không có thật. Trong gia phả do cụ Lân viết năm 1759 có ghi: “Cụ Nguyễn Công Hoàn đi thi hội lần cuối năm 1727, từ đó mắc bệnh không đi thi nữa”.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin khẳng định, nội dung đề cập trong bài viết là giai thoại, không phải chính sử. Do vậy, không có sự xác quyết đúng hay sai. Dân gian tạo ra giai thoại để giải thích và tôn vinh sự liêm khiết hiếm có của danh nhân Nguyễn Bá Lân.

Dân gian cũng tạo ra cả nghìn giai thoại, truyền thuyết về sự ra đời của đất nước và của nòi giống người Việt, về các vua Hùng, về Chử Đồng Tử - Tiên Dung, về Tứ bất tử, Tứ pháp, Tản Viên Sơn Thánh, về Mẫu Thượng ngàn, về các vua, các Trạng nguyên, các sứ thần… Nếu coi giai thoại là bịa đặt phải đính chính thì sẽ thế nào?

Giai thoại về Nguyễn Bá Lân có nhiều, cùng một chủ đề nhưng có nhiều cách nói khác nhau. Báo GD&TĐ từng tham khảo một dị bản khác về giai thoại này của sách “Đối đáp thông minh” NXB Hội Nhà văn, 1999, trang 65-69.

Nhưng nhận ra dị bản không khả dĩ, lời lẽ không tế nhị nên không dùng giai thoại này mà sử dụng giai thoại được nhiều người biết tới hơn – cũng là một giai thoại tôn vinh cha con cụ Nguyễn Công Hoàn – Nguyễn Bá Lân, một người vị công bỏ tư – một người hiểu được nỗi niềm của con trên cương vị “cầm cân nảy mực”.

Xin thông tin thêm để ông Nguyễn Văn Đoàn và độc giả được biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thắng cử dễ, cầm quyền khó

GD&TĐ - Những nghi lễ nhậm chức trang trọng không còn lạ lẫm với ông Vladimir Putin khi chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ tổng thống lần thứ 5 ở nước Nga.