Tứ hổ Tràng An - Kỳ 3: Thượng thư họ Nhữ xử án như thần

GD&TĐ - Một trong những nhân vật nổi tiếng về tài xử án thời kỳ vua Lê – chúa Trịnh là Thượng thư Hình bộ Nhữ Đình Hiền. Ông làm quan trải 5 triều vua, tài năng vang dội, danh tiếng lẫy lừng.

Di tích lịch sử đền thờ Thượng thư Nhữ Đình Hiền.
Di tích lịch sử đền thờ Thượng thư Nhữ Đình Hiền.

Không chỉ nổi tiếng là danh sĩ hay chữ, được người đương thời tôn là một trong tứ hổ Tràng An. Bằng trí tuệ đặc biệt, óc phán xét tài tình, Thượng thư Nhữ Đình Hiền còn phá được những vụ án hóc búa. Trong đó có vụ án hiếp dâm, giết người chôn xác phi tang của đám sư hổ mang độc ác.

Gia đình khoa bảng

Theo sách “Lịch triều hiến chương loại chí” gia đình họ Nhữ nổi danh về truyền thống khoa bảng. Nhữ Đình Hiền còn có sách chép là Nhữ Tiến Hiền, là con trai thứ ba của Nhữ Tiến Dụng, sinh năm Kỷ Hợi (1659) tại làng Hoạch Trạch, huyện Đường An, nay thuộc xã Thái Học (Bình Giang – Hải Dương).

Năm Nhữ Đình Hiền 17 tuổi, có tham gia kỳ thi Hương, đến năm Vĩnh Trị thứ 5 (1680), 21 tuổi ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Năm 26 tuổi, giữ chức Hình khoa đô cấp sự trung. Khi 34 tuổi, ông làm Đốc đồng xứ Kinh Bắc, rồi Tham chính Sơn Nam. Đến năm 39 tuổi đi sứ Trung Quốc, được phong Hữu thị lang. Sau đó làm đến chức Hình bộ Thượng thư.

Theo “Đại Việt sử ký tục biên”, năm Canh Thân (1680) niên hiệu Chính Hòa thứ nhất, triều đình tổ chức “Thi hội các viên cống cử trong nước, lấy đỗ bọn Nguyễn Côn 19 người. Khi thi Đình cho bọn Phạm Công Thiện (người Ngọc Thiện, huyện Gia Định), Nguyễn Công Xán (người xã Thượng Yên Quyết, huyện Từ Liêm) đỗ tiến sĩ xuất thân (hoàng giáp)”.

Cũng trong kỳ thi ấy, dù không đỗ cao tột bậc, nhưng Nhữ Đình Hiền cũng dự phần đỗ đạt, làm nên công trạng hiển hách, được người đời biết đến nhiều.

Con đường khoa bảng của họ Nhữ được bắt đầu từ Nhữ Tiến Dụng đỗ đồng tiến sĩ khoa thi năm Giáp Thìn (1664) đời vua Lê Huyền Tông. Ông làm quan đến chức Lễ khoa đô cấp sự trung, Thái thường tự khanh. Con trai ông chính là Nhữ Đình Hiền, nối tiếp gương cha, học hành giỏi giang, thi cử đỗ đạt.

Thế hệ nối tiếp có Nhữ Trọng Thai gọi Nhữ Đình Hiền là chú ruột đỗ Bảng nhãn khoa thi năm Quý Sửu (1733) đời vua Lê Thuần Tông, làm quan đến chức Hiến sát sứ. Con thứ của Nhữ Đình Hiền là Nhữ Đình Toản (sau đổi là Nhữ Công Toản) đỗ Hội nguyên tiến sĩ khoa thi năm Bính Thìn (1736) đời vua Lê Ý Tông, làm quan đến chức Thượng thư bộ Binh kiêm Tham tụng, tước Bá Trạch hầu. Về sau đổi sang võ ban, làm Hiệu điểm rồi lên tới chức Tả đô đốc, tước Trung Phái hầu.

Nhữ Công Chân là con trai của Nhữ Đình Toản, gọi Nhữ Tiến Dụng là cụ nội, Nhữ Đình Hiền là ông nội. Ông đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi năm Nhâm Thìn (1772) đời vua Lê Hiển Tông, sau làm quan đến chức Hàn lâm thị chế, Hữu thị lang bộ Lễ.

Như Đình Hiền phá được nhiều vụ án hóc búa, trong đó có vụ ác tăng chôn xác phi tang. Ảnh minh họa.

Như Đình Hiền phá được nhiều vụ án hóc búa, trong đó có vụ ác tăng chôn xác phi tang. Ảnh minh họa.

Phá án như thần

Bia Văn chỉ làng Hoạch Trạch – nơi ghi danh các tiên hiền quê hương.

Bia Văn chỉ làng Hoạch Trạch – nơi ghi danh các tiên hiền quê hương.
Theo gia phả, họ Nhữ phát tích từ thôn An Tử Hạ, huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương (nay là thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng). Cụ thủy tổ là Nhữ Văn Lan, đậu tiến sĩ khoa thi Quý Mùi 1463 làm quan dưới triều Lê Thánh Tông. Ông chính là ông ngoại của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Dòng họ Nhữ có mặt tại làng Hoạch Trạch (nay là xã Thái Học, huyện Bình Giang) khi người con trai thứ hai của tiến sĩ Nhữ Văn Lan là Nhữ Huyền Minh làm Tri huyện Lục Ngạn di cư về đây.

Nhữ Đình Hiền nổi tiếng là người thượng tôn pháp luật, xử án công bằng, đúng người đúng tội, việc chính sự đều rất tận tụy nên đương thời nhân dân ai cũng khen ngợi. Không chỉ dừng lại ở giai thoại, tên tuổi Nhữ Đình Hiền còn được sử sách chính thống ghi chép rất đầy đủ về tài xử phá án, xử án linh hoạt và uyên bác.

Đối với các vụ án bình thường, Nhữ Đình Hiền xử lý nhanh gọn hợp tình hợp lý thể hiện thượng tôn pháp luật và mang tính chất răn đe cao.

Với các vụ án phức tạp tồn đọng lâu năm, ông xử trí theo cách riêng và được điều tra một cách nghiêm cẩn, tìm ra chứng cứ thuyết phục.

Nổi tiếng nhất là một vụ án kéo dài đến 6 - 7 năm, qua nhiều vị pháp quan mà vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Khi Nhữ Đình Hiền được giao phá án, chỉ trong thời gian rất ngắn ông đã làm sáng tỏ.

Tư liệu lịch sử ghi rằng: Nguyên có một người em gái vì chị bị ốm nên đến chăm sóc rồi mất tích. Hai nhà ở cách nhau hơi xa. Liên tiếp nhiều ngày không thấy vợ trở về, chồng người em gái bèn kiện người chồng của chị, đến nỗi người chồng của chị bị bắt giam vào ngục.

Các quan kế tiếp nhau xét án, nhưng chứng cứ không có trong tay, việc ấy đình trệ tới sáu, bảy năm mà vẫn chưa luận định được.

Đến khi án ấy được đưa tới tay quan Thượng thư Hình bộ Nhữ Đình Hiền, không dựa vào những bản cung hình trước của các quan đã kinh qua vụ án này. Quan Thượng thư họ Nhữ muốn tìm chứng cứ thực tế thuyết phục để giải đáp khuất tất.

Khi xem địa đồ khu đất bao quanh khoảng nhà hai chị em, ông thấy có một ngôi chùa ở ngoài cánh đồng cây cối rậm rạp mà người thiếu phụ xấu số khi đi đến nhà cô chị tất phải qua đó.

Đoán rằng, chắc người con gái xấu số kia nhất định bị bọn ác tăng trong ngôi chùa này giở trò đồi bại trước khi đến được nhà chị gái mình, để có cơ sở thực tế, ông lập tức sai người đưa tới ngôi chùa kia, mượn tiếng tham thiền để lưu lại chùa ấy một đêm.

Sáng hôm sau, Nhữ Đình Hiền cho triệu tập các tăng đồ trong chùa lại, lấy cớ đêm qua nằm thấy có người đến báo mộng, mới dọa rằng: “Các người đều là kẻ tu hành, sao lại có oan hồn đến tố giác với ta? Vậy thì sự thể ra sao, phải mau tự thú”.

Những tên ác tăng đều tái mặt khi nghe ông nói, bèn chỉ tay ra một cây tháp. Khi đào chỗ ấy lên, xác người thiếu phụ bị cưỡng hiếp quả nằm dưới ấy. Vụ án nhờ đó được làm sáng tỏ, người chồng của chị gái mới thoát khỏi án ngục, xóa tội. Còn những tên ác tăng phạm tội thì bị nghiêm trị theo phép nước.

Sách “Hải Dương phong vật khúc” có đoạn ca ngợi như sau: “Họ Nhữ ở xã Hoạch Trạch, ông cha con cháu 5 đời đỗ đạt. Nhữ Đình Hiền có biệt tài về chính sự. Lúc ấy có một nghi án về một thiếu phụ mất tích [bị chôn dưới chân tháp].

Ông căn cứ bản đồ địa phương, thấy có ngôi chùa ở giữa cánh đồng, cây cối rậm rạp, rồi đoán định ở đó, bèn thác lời nằm mộng thấy có người đến kêu oan mà các sư phải lập tức thú nhận ngay”.

Sau vụ án này, sách có lời ca ngợi: Nhà họ Nhữ quan trâm kế thế/Có tiếng hay chính sự dậy dàng/Tụng tình soi sáng bằng gương/Hồn oan dưới tháp suối vàng cũng ơn.

Nhờ biệt tài xét án, nhiều vụ án lớn phức tạp đều được giải quyết thỏa đáng. Danh tiếng của Nhữ Đình Hiền cùng một vị quan cùng thời được nhân dân ca tụng: “Văn chương Lê Anh Tuấn, chính sự Nhữ Đình Hiền”.

Thánh sư nghề làm lược

Nghề làm lược bí gắn liền với chuyến đi sứ của Nhữ Đình Hiền.

Nghề làm lược bí gắn liền với chuyến đi sứ của Nhữ Đình Hiền.

Không chỉ có tài năng chính sự, đối với đời sống nhân dân dân, Nhữ Đình Hiền cũng rất coi trọng. Cho đến nay, chính sử cũng như giai thoại, ngọc phả tại quê hương Nhữ Đình Hiền đều ghi chép rõ vào đầu năm Đinh Sửu (1697), Nhữ Đình Hiền được cử tham gia đoàn sứ bộ lên phương Bắc.

Sách “Đại Việt sử ký tục biên” viết: “Mùa xuân, tháng Giêng, sai Chánh sứ Nguyễn Đăng Đạo, Nguyễn Thế Bá; Phó sứ Đặng Đình Tướng, Nhữ Đình Hiền sang Thanh tuế cống. Đến mùa hạ tháng sáu năm Mậu Dần (1698), đoàn sứ thần Đại Việt mới trở về nước”.

Tương truyền trong thời gian đi sứ, Nhữ Đình Hiền đã học được nghề làm lược bằng tre (lược bí). Bấy giờ, người dân nước ta thường dùng lược gỗ hoặc sừng, răng thưa. Từ quan sát trên đường đi sứ, Nhữ Đình Hiền nghĩ ở nước Nam có cây tre, rất thuận lợi về nguyên liệu. Người dân lại để tóc dài, nếu có lược bí làm từ tre thì thật là hữu ích.

Trong chuyến đi này, ngoài nhiệm vụ Phó sứ, ông cặm cụi học nghề, âm thầm dạy lại cho vợ là bà Lý Thị Hiệu.

Về nước, hai vợ chồng Nhữ Đình Hiền truyền nghề làm lược tre cho dân làng, hướng dẫn và giúp đỡ tập hợp thợ thành phường nghề, gọi là Diên Lộc. Điều này được nói rõ trong sách “Hoạch Trạch Nhữ tập phả ký” do Nhữ Đình Toản soạn.

Khi tuổi đã già, Nhữ Đình Hiền về trí sĩ được vua ban cho 16 mẫu ruộng lộc điền. Ông giữ lại 4 mẫu làm ruộng hương hỏa, 12 mẫu còn lại tặng hết cho phường Diên Lộc để làm hoa lợi phát triển nghề làm lược. Từ đó, nhiều thợ giỏi đã ra Thăng Long sản xuất, kinh doanh tạo thành phố Hàng Lược.

Khi Nhữ Đình Hiền qua đời, người dân nhớ ơn đã lập đền thờ, tôn ông và vợ là thánh sư nghề làm lược. Trong văn tế thánh sư có đoạn viết: “Cung duy tiên thánh, tiên sư, thùy dụ lê dân, công đăng nhật nguyệt, đức hợp càn khôn, bắc sứ dĩ đoan, hưng thành nghệ thủ…”.

Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” có ghi: “Đầu đời Cảnh Hưng, triều đình tặng hàm Thiếu phó, tước Thọ quận công. Bài chế đại lược rằng: Lên chức Ngự sử, tham dự chốn đô đài, trong sạch như sương/Lên chức Thượng thư mà làm Tể tướng, thường bày mưu lớn/Công lao trong sử sách, ghi chép rõ ràng/Tri ngộ từ triều trước, đến già vẫn không kém/Địa vị có phần chưa xứng với tài, những mong mơ Phó Duyệt nêm canh/Lộc và phúc để về sau, sẽ được hòe họ Vương tươi tốt/Chung đúc vào con, làm lên ngôi tướng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.