Rạng rỡ hình ảnh người giáo viên nhân dân
Đó là sự tham gia tích cực, có hiệu quả của các cơ quan báo chí từ Trung ương tới địa phương; từ những tờ báo lớn, đến những tờ báo chuyên ngành. Các cơ quan báo chí nói chung và các phóng viên, nhà báo nói riêng đã dành nhiều công sức, trí tuệ để làm nên những tác phẩm tốt, chất lượng cả về nội dung và hình thức. Kết quả của Vòng Chung khảo đã chứng tỏ điều đấy.
“Tôi cho rằng, các nhà báo vẫn là những người đi sâu, đi sát để tìm hiểu, phản ánh những vấn đề căn cốt, những vấn đề quan trọng nhất của ngành Giáo dục, cũng như những vấn đề đột xuất nổi bật trong năm học 2019 - 2020 của ngành như: đại dịch Covid-19 tác động đến dạy – học như thế nào? …” – ông Hoa chia sẻ.
Cũng theo ông Hoa, những tác phẩm thành công là những tác phẩm đi sâu vào vấn đề trọng tâm của ngành Giáo dục; đồng thời đã phản ánh xuyên suốt, cụ thể, kể cả những vấn đề đột xuất, trọng tâm của ngành GD-ĐT trong năm học 2019 – 2020.
Hơn bao giờ hết, hình ảnh người giáo viên nhân dân trong các tác phẩm ở cả 4 loại hình như: Báo in, báo điện tử, báo phát thanh và truyền hình đã được khắc họa rõ nét. Chân dung người thầy, chân dung sự nghiệp giáo dục đào tạo ngày càng được thể hiện một cách sinh động, hấp dẫn, có sức thu hút độc giả và có sự lan tỏa lớn trong xã hội.
Chẳng hạn như, tác phẩm viết về Lễ khai giảng của cô – trò ở vùng núi cao của tỉnh Quảng Nam. Hình ảnh cô giáo với các học trò miền núi trong ngày khai giảng đơn sơ, bình dị nhưng rất đỗi thân thương và ngập tràn cảm xúc. Những hình ảnh đó, nhanh chóng được chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng mạng xã hội và báo chí, thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội đối với sự nghiệp GD-ĐT.
Hay như hình ảnh thầy giáo Bùi Văn Ga, dù đã về hưu và lớn tuổi nhưng trong đại dịch Covid-19 vẫn say mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học để tạo ra sản phẩm có ích cho cồng đồng nói chung và sự nghiệp giáo dục đào tạo nói riêng. Qua đó cho thấy, ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất của cuộc sống, vẫn rạng rỡ hình ảnh người giáo viên tận tâm, tận lực, cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người.
Diễn đàn cho các nhà báo
“Chúng tôi ghi nhận những tác phẩm rất xuất sắc của các cơ quan báo đài địa phương, chẳng hạn như: Đài phát thanh truyền thình tỉnh Thanh Hóa đã phản ảnh sinh động công cuộc khắc phục khó khăn của một trường miền núi sau cơn lũ quét năm 2019. Những hình ảnh hết sức cảm động về thầy giáo đã hy sinh cả công việc, nhiều hạnh phúc riêng tư để gắn bó với học trò của mình, và gắn bó với sự nghiệp GD-ĐT” – ông Hoa chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh:
Các tác phẩm xuất sắc nhất của Giải năm nay là những tác phẩm phản ánh sinh động, chân thực hình ảnh người giáo viên nhân dân, phản ánh sinh động sự nghiệp GD-ĐT đã được toàn Đảng, toàn dân, làm cho sự nghiệp GD-ĐT ngày càng phát triển hơn.
Theo Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, điểm thành công nhất của Giải năm nay là đã thu hút được tất cả các cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương ở tất cả các loại hình báo chí, các nhà báo chuyên và không chuyên, tạo nên những mảng đề tài, những chuyên đề hấp dẫn, có giá trị và đã tạo ra những tác phẩm xuất sắc tham dự giải báo chí năm nay.
Thông qua Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” cho thấy, ngành Giáo dục nhận được sự hưởng ứng, cổ vũ hết sức nhiệt tình của báo chí nói riêng và của cả xã hội nói chung.