Phá sản Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng: Cần công lý lên tiếng

GD&TĐ - Sau hơn 5 tháng kể từ ngày Thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên vẫn không ra Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản theo đúng quy định của pháp luật.

Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng Bùi Quang Sáng làm việc với báo GD&TĐ
Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng Bùi Quang Sáng làm việc với báo GD&TĐ

Việc phá sản “cánh chim đầu đàn” ngành thép Việt Nam - Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng đã từ lâu được dự báo trước kể từ sau khi doanh nghiệp này chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần hóa, do sản xuất- kinh doanh thua lỗ liên tiếp nhiều năm liền. Thêm vào đó, chính người có chân trong HĐQT đã ngang nhiên lấy cắp vật tư ra ngoài đã đẩy một nhà máy lớn của ngành thép Việt Nam từ chỗ sản xuất có lãi, nhưng sau 5 năm cổ phần hóa đã nợ nần chồng chất, công nhân mất việc làm, quyền lợi người lao động bị tước đoạt trắng trợn.

Được biết, người lao động, đại diện của công đoàn đã nhiều năm liên tục đòi nợ nhưng Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng vẫn không chịu trả do không có tiền, tất cả các tài sản đã bị ngân hàng và các tổ chức tài chính phong tỏa.

Đơn kêu cứu của Công đoàn Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng.
 Đơn kêu cứu của Công đoàn Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng.

Trước thực tế trên, ngày 17/9/2018 Công đoàn Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng và một số cá nhân đại diện cho các nhóm người lao động đang còn có chế độ, quyền lợi tại doanh nghiệp đã đồng gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng.

Đại diện Ban lãnh đạo Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng cho biết: Theo đề nghị của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi đã hoàn tất hồ sơ gửi cho Tòa theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 28 Luật Phá sản 2014,  gồm: Báo cáo tài chính của công ty 03 năm gần nhất; Bản giải trình nguyên nhân dấn đến tình trạng mất khả năng thanh toán- báo cáo kết quả thực hiện các biện pháp khôi phục doanh nghiệp mà vẫn không khắc phục được tình trạng mất khả năng thanh toán; Bảng kê chi tiết tài sản, địa điểm có tài sản của Công ty Gia Sàng; Danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ, trong đó ghi rõ tên, địa chỉ của chủ nợ, người mắc nợ, khoản nợ, khoản cho vay có bảo đảm, không có bảo đảm, có bảo đảm một phần đến hạn hoặc chưa đến hạn; Giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc thành lập công ty; Kết quả thẩm định giá, định giá giá trị tài sản còn lại của kho.”

Tuy nhiên, sau hơn 5 tháng kể từ ngày Thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên vẫn không ra Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản theo đúng quy định của pháp luật.

Thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên.
 Thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên.

Trao đổi với PV Báo GD&TĐ, ông Bùi Quang Sáng, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng cho biết: Việc chờ đợi như trên đã làm chúng tôi hết sức khó khăn trong khi các khoản nợ không biết đến ngày nào mới được thanh toán, nhiều lao động sắp đến tuổi nghỉ chế độ cũng không chốt được sổ BHXH; nhiều lao động muốn chốt sổ để chuyển đi làm việc nơi khác phải tự bỏ tiền ra nộp và đặc biệt là khoản tiền hơn 17 tỷ đồng đang được giữ tại cơ quan thi hành án có nguy cơ không được trả lại doanh nghiệp mà sử dụng vào mục đích khác là hiện hữu.

Ban Chấp hành công đoàn Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng đã ghi nhận sự việc Ban lãnh đạo công ty đề nghị các thành viên HĐQT có phương án khôi phục hoạt động sản xuất- kinh doanh công ty và phương án trả nợ cho người lao động nhưng các thành viên trong HĐQT cũng không có phương án nào hoặc không trả lời.

Vẫn theo Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng Bùi Quang Sáng: Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên không thể lấy lý do là Công ty Gia Sàng chưa chuyển đủ hồ sơ tài liệu để không mở thủ tục phá sản, vì theo quy định, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản mà không liên quan đến hồ sơ công ty cung cấp có chính xác hay không, bởi trong quá trình mở thủ tục phá sản, quản tài viên sẽ có trách nhiệm kiểm tra tính chính xác số liệu mà doanh nghiệp bị yêu cầu tuyên bố phá sản đưa ra.

Cụ thể, khoản 1, Điều 42 Luật Phá sản ban hành năm 2014 nêu rõ: “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thẩm phán phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, trừ trường hợp quy định tại Điều 105 của Luật này”.

“Việc không có câu trả lời rõ ràng từ phía tòa án khiến chúng tôi mất dần niềm tin vào công lý khi không thấy một tổ chức nào đứng ra bảo vệ”- Ông Bùi Quang Sáng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ