Quyền lợi của người lao động lại có nguy cơ bị... bỏ rơi

GD&TĐ - Đã hơn 5 năm phải sống trong cảnh “bị bỏ rơi”, người lao động tại công ty cổ phần Luyện Cán Thép Gia Sàng tưởng chừng quyền lợi của mình sẽ được bảo đảm khi hàng loạt các cơ quan chức từ cấp Trung ương đến địa phương đã cùng nhau vào cuộc nhằm tìm ra giải pháp, tháo gỡ khó khăn, hàng loạt các cuộc họp liên ngành đã được triệu tập với sự tham gia của hầu hết các cấp ban ngành từ trung ương đến địa phương. Thế nhưng cho đến nay, diễn biến vụ việc đã diễn ra không như mong đợi.......

Nhà máy luyện cán thép Gia Sàng thời điểm "đắp chiếu" do làm ăn thua lỗ. Ảnh: theo Báo Xây dựng.
Nhà máy luyện cán thép Gia Sàng thời điểm "đắp chiếu" do làm ăn thua lỗ. Ảnh: theo Báo Xây dựng.

Quyền lợi của người lao động chưa được quan tâm

Công ty cổ phần luyện cán thép Gia Sàng (GSS) tiền thân là Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng Thái Nguyên trực thuộc Cty Gang thép Thái Nguyên được cổ phần hóa năm 2007 với tổng số lao động khi đó khoảng trên 1.000 người. Do quá trình sản xuất kinh doanh bị thua lỗ, có nguy cơ phá sản nên quyền lợi của người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tháng 6.2016, Ban lãnh đạo GSS đã phối hợp với các cơ quan ban ngành hữu quan đưa ra nhiều giải pháp phục hồi sản xuất. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh Thái Nguyên, GSS đã có nhà đầu tư vào để khôi phục sản xuất là Cty cổ phần thương mại Thái Hưng và đã có nguồn tài chính khoảng 57 tỉ đồng từ việc bán đấu giá tài sản.

Tuy nhiên, quyền lợi của NLĐ tại đây có nguy cơ không được xem xét, giải quyết vì dưới thời Ban lãnh đạo (cũ) đã khiến cho GSS trở thành con nợ của nhiều chủ nợ, trong đó khoản nợ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - chi nhánh Thái Nguyên lên tới gần 57 tỉ đồng (tính cả khoản nợ gốc và lãi).

Công ty CP Luyện Cán thép Gia Sàng ra lò mẻ thép cán đầu tiên sau 4 năm ngừng sản xuất. Ảnh: theo Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên
Công ty CP Luyện Cán thép Gia Sàng ra lò mẻ thép cán đầu tiên sau 4 năm ngừng sản xuất. Ảnh: theo Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên

Trước tình trạng nêu trên, thực hiện văn bản số 2875/UBND-TCD ngày 15.8.2016 của UBND Thái Nguyên về việc tham mưu trả lời đơn của đại diện tập thể NLĐ tại GSS, ngày 29.8.2016, Sở LĐTBXH tỉnh Thái Nguyên đã chủ trì tổ chức buổi làm việc với tập thể NLĐ tại GSS với sự tham gia của các ngành chức năng, gồm: Đại diện UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh, lãnh đạo Sở LĐTBXH, Sở Công Thương, đại diện Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - chi nhánh Thái Nguyên, cơ quan bảo hiểm và LĐLĐ tỉnh, đại diện cơ quan Thi hành án….

Tại buổi làm việc, đại diện Ban lãnh đạo và cán bộ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - chi nhánh Thái Nguyên đã cam kết cắt giảm lãi suất để cho GSS giải quyết quyền lợi của NLĐ.

Cụ thể, ngân hàng chỉ thu hồi 38 tỉ đồng (gồm nợ gốc là trên 33 tỉ đồng và 5 tỉ tiền lãi). Số tiền còn lại hơn 17 tỉ đồng sẽ trả lại cho GSS để giải quyết ngay quyền lợi cho Người lao động (NLĐ), trong đó bao gồm các khoản bắt buộc chi trả như: Trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp mất việc làm, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...các khoản phải thu của BHXH để người lao động được cấp lại Thẻ BHYT khi khám chữa bệnh.

Các cấp, ban ngành vào cuộc

Mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tới các cơ quan, ban ngành của tỉnh Thái Nguyên đề nghị xem xét và hỗ trợ Công ty trong việc giải quyết quyền lợi cho người lao động. (Bằng Công văn số: 4953/VPCP – V.I do Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình ký).

Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Công Thương tiến hành rà soát, báo cáo kết quả thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 5129/VPCP – V.I ngày 06 tháng 7 năm 2015 và số 354/VPCP – V.I ngày 15 tháng 01 năm 2015 của Văn phòng Chính phủ đề xuất việc giải quyết theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10 tháng 6 năm 2017.

Như vậy, kể từ khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cấp ban ngành từ trung ương đến địa phương đã liên tục vào cuộc, lên tiếng nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động; điều này được thể hiện tại các văn bản:

Văn bản số: 3120/UBND-CNN ngày 26/07/2017, văn bản số: 3262/UBND-KGVX ngày 04/08/2017, công văn số: 508/UBND–KGVX ngày 17/02/2017 và Công văn số: 3711/UBND-KGVX ngày 04/10/2016 của UBND tỉnh Thái Nguyên; Công văn số: 55/CĐCT-CSPL Công đoàn Công Thương Việt Nam ngày 23/02/2017 và Công văn số 257/TLĐ của Tổng LĐLĐVN trình Thủ tướng Chính phủ vào ngày 03/03/2017...

Bên cạnh đó, đại diện của UBND tỉnh Thái Nguyên cũng liên tiếp mở ra các cuộc họp liên ngành với đầy đủ các thành phần nhằm đưa ra các giải pháp cùng một nội dung là mong muốn giải quyết quyền lợi chính đáng của người lao động Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng càng sớm càng tốt.

Luyện cán thép Gia Sàng đã sản xuất trở lại, nhưng quyền lợi của người lao động do nhà máy đình trệ sản xuất nhiều năm vẫn chưa được giải quyết. Ảnh minh họa, theo Báo Xây dựng.
Luyện cán thép Gia Sàng đã sản xuất trở lại, nhưng quyền lợi của người lao động do nhà máy đình trệ sản xuất nhiều năm vẫn chưa được giải quyết. Ảnh minh họa, theo Báo Xây dựng. 

Cũng trên tinh thần đó, 2 cuộc họp liên ngành được tổ chức nhằm lấy ý kiến và đề xuất hướng giải quyết quyền lợi cho người lao động tại Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng được tổ chức tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên tổ chức vào các ngày 22/03/2017 và ngày 11/08/2017.

Kết luận tại cuộc họp liên ngành ngày 11/08/2017, các đại biểu tham dự đã thống nhất với các nội dung như:

Về phía Công ty: Yêu cầu công ty làm rõ chi tiết các khoản nợ người lao động, bao gồm:

Nợ lương: Yêu cầu công ty phải tổng hợp số tiền và danh sách lao động đơn vị còn nợ lương tính đến ngày 31/07/2016, trong danh sách phải nêu rõ họ và tên, vị trí công việc đã làm, thời điểm bắt đầu tham gia công tác, hệ số lương theo HĐLĐ, thời gian nợ lương trên cơ sở HĐLĐ.

Nợ chấm dứt HĐLĐ: Yêu cầu đơn vị phải tổng hợp số tiền nợ người lao động, có danh sách cụ thể (họ tên, ngày tháng năm sinh, ngày tháng bắt đầu tham gia công tác, ngày chấm dứt HĐLĐ, tiền lương trước khi chấm dứt HĐLĐ, số năm được hưởng trợ cấp thôi việc, số tiền đơn vị còn nợ)

Nợ BHXH: Yêu cầu công ty cung cấp số liệu nợ BHXH có xác nhận của BHXH về số nợ tính đến 2016.

Nợ tiền thanh toán công nhân lao động bị tai nạn rủi ro: Yêu cầu Công ty lập danh sách và chi tiết các khoản nợ người lao động.

Nợ người lao động ứng tiền chốt sổ BHXH: Yêu cầu đơn vị tổng hợp số tiền và danh sách lao động đơn vị còn nợ, trong dánh sách phải ghi rõ: họ tên, ngày tháng năm sinh, ngày tháng tham gia công tác, mức đóng BHXH của người lao động, số tháng ứng đóng, số tiền ứng đóng/tháng, số tiền nợ người lao động.

Nợ người lao động đã ứng ra để mua BHYT: Yêu cầu Công ty lập danh sách người lao động tự ứng tiền mua BHYT theo từng nămvà chi tiết số tiền nợ từng người.

Yêu cầu Công ty thông báo chi tiết và niêm yết công khai các khoản nợ người lao động. Các khoản nợ người lao động chỉ được thanh toán khi các thông tin đã được cung cấp đầy đủ và được thông qua hội nghị người lao động.

Yêu cầu công ty hoàn thiện hồ sơ thanh toán nợ và tổ chức hội nghị người lao động hoàn thành trước 20/08/2017. Giám đốc Công ty, Chủ tịch HĐQT hoàn toàn chịu trách nhiệm trước người lao động, trước pháp luật về tính chính xác và tổ chức chi trả các khoản nợ tới người lao động.

Thứ tự ưu tiên thanh toán: Trong các khoản nợ người lao động nói trên, hồ sơ chứng từ nợ người lao động hoàn thành trước thanh toán trước, khoản nợ nào xong sau thanh toán sau. Khi thanh toán các khoản nợ người lao động, nếu còn tiền Công ty được sử dụng để thanh toán các khoản nợ còn lại.

Đề nghị cơ quan thi hành án , Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Thái Nguyên hoàn thiện các thủ tục để Công ty sớm có tiền trả cho người lao động.

Hội nghị thống nhất báo cáo UBND tỉnh có văn bản đề nghị các ngành: Bộ Tư pháp, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét khoản tiền còn lại của GSS hiện vẫn đang bị Cơ quan Thi hành án dân sự quản lý là: 17.429.820.360 đ sẽ giải quyết chế độ người lao động của Công ty cổ phần Luyện Cán thép Gia Sàng sau khi Công ty đã hoàn thiện hồ sơ về các khoản nợ của người lao động.

Để thực hiện chủ trương trên, Ban lãnh đạo và tập thể GSS đã nỗ lực thực hiện rà soát, tổng hợp báo cáo và thậm trí niêm yết công khai các khoản nợ người lao động và tổ chức hội nghị người lao động theo đúng tinh thần chỉ đạo của Hội nghị.

Tuy nhiên, việc ưu tiên đặt vấn đề giải quyết quyền lợi cho người lao động lên trên hết bằng việc phân phối theo thứ tự ưu tiên thanh toán khoản tiền 17.429.820.360đ đã trở nên thực sự bế tắc khi Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Thái Nguyên đòi hỏi phải chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên; Chi cục Thi hành án đòi hỏi phải có văn bản chỉ đạo của Bộ tư pháp, Tổng cục Thi hành án...

Người lao động tiếp tục bị bỏ rơi

Tưởng rằng khi có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ban ngành từ Trung ương đến địa phương quyền lợi của người lao động sẽ được bảo đảm một cách trọn vẹn. Thế nhưng mới đây, Chi cục thi hành án dân sự Thành phố Thái Nguyên đã ra văn bản số 750/CCTHADS ngày 07/12/2017 gửi Công ty Cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng về việc xử lý khoản tiền hơn 17 tỉ hiện đang nằm trong tài khoản phong toả của Chi cục THADS TP Thái Nguyên đã khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi .?

Nội dung công văn của Chi cục thi hành án dân sự Thành phố Thái Nguyên đã thể hiện sự đùn đầy và vô cảm trước quyền lợi của người lao động với các ý kiến như sau:

"Đến nay Chi cục THADS TP Thái Nguyên đã chi trả xong các khoản thanh toán nợ cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – CN Thái Nguyên; khoản án phí nộp ngân sách Nhà nước theo Quyết định của Tòa án và các khoản chi phí kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định với tổng số tiền: 39.475.259.640 đ; số tiền còn lại là 17.352.640.360 đ hiện đang gửi trong tài khoản của Chi cục THADS TP Thái Nguyên theo quy định, trong đó:

Khoản tiền 8.367.148.622đ là khoản lãi chậm thi hành án theo quy định phải trả cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - CN Thái Nguyên đang chờ văn bản trả lời của Ngân hàng về việc Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng đề nghị hỗ trợ khoản tiền lãi chậm thi hành án để trả nợ chế độ và quyền lợi cho người lao động. Nếu ngân hàng Công thương Việt Nam - CN Thái Nguyên đồng ý hỗ trợ cho Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng số tiền lãi chậm thi hành án, khi có văn bản đề nghị cơ quan THADS báo cáo Tổng cục Thi hành án dân sự xin ý kiến chỉ đạo.

Số tiền còn lại 8.985.491.738đ Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng đề nghị cơ quan THADS trả cho Công ty Gia Sàng tự giải quyết. Tuy nhiên hiện nay Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng đang phải thi hành nhiều khoản nợ... Mặt khác, vợ chồng bà Oanh có nhiều đơn khiếu nại, tố cáo vụ việc do Thanh tra Bộ tư pháp giải quyết nhưng cho đến nay chưa có kết luận liên quan đến khoản tiền này... do đó, Chi cục Thi hành án cần phải chờ kết luận giải quyết khiếu nại tố cáo của Thanh tra bộ, sau đó xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên về việc xử lý khoản tiền trên". 

Theo quy định của Luật Thi hành án (Điều 47): Số tiền thi hành án, sau khi trừ đi các chi phí thi hành án thì số tiền còn lại phải trả cho người phải thi hành án. Đặc biệt, trong trường hợp của GSS thì người phải thi hành án là tập thể người lao động đang ngày đêm mòn mỏi chờ đợi được giải quyết phần nào quyền và lợi ích hợp pháp của mình nhưng lại có nguy cơ “mất trắng” trước sự vô cảm nêu trên của Cơ quan Thi hành án.

Lấy lý do Công ty CP Luyện Cán thép Gia Sàng đang phải thi hành nhiều khoản nợ, trong đó phải thi hành cho Ngân hàng TMCP Đông Á trên 10 tỷ đồng (tài sản thế chấp của vợ chồng bà Oanh, ông Hộ để phục vụ sản xuất kinh doanh của Công ty Gia Sàng) mà từ chối tiến hành chi trả số tiền 8.985.491.538đ cho Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng để tiến hành giải quyết quyền lợi của người lao động là hết sức phi lý, không minh bạch, tính cả tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của NLĐ.

Rõ ràng, mặc dù các cuộc họp liên ngành vẫn diễn ra xong cũng chỉ thấy sự đùn đẩy trách nhiệm giữa Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - CN Thái Nguyên và Chi cục THADS TP Thái Nguyên. Tuy nhiên, trước sức ép của tập thể Ban lãnh đạo và người lao động tại GSS yêu cầu hoàn trả số tiền còn lại sau khi thi hành án thì Chi cục THADS TP Thái Nguyên lại ra văn bản số: 750/CCTHADS có nhiều dấu hiệu trái pháp luật để cố tình trì hoãn việc chi trả này là không thể chấp nhận được.

Mặt khác, khi khoản tiền còn lại của GSS đang bị phong tỏa bởi Cơ quan Thi hành án để chờ sự chỉ đạo của cấp trên thì về phía cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên cũng lập tức ra Thông báo về kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo đó khác khoản nợ và lãi lên tới 8.959.377.525 đ (trong đó: Nợ BHXH, BHYT,BHTN là 5.938.604.705 đ; lãi chậm đóng là 3.020.772.820 đ). Nếu doanh nghiệp không trả cho cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên thì sẽ tiến hành thanh tra, xử phạt hành chính và đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Ban lãnh đạo GSS.

Như vậy, theo quy định của Luật thi hành án và kết luận của các cuộc họp liên ngành dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên thì thứ tự ưu tiên thanh toán trước hết là để giải quyết quyền lợi cho người lao động. Không thể viện dẫn công ty có nhiều khoản nợ mà điển hình là khoản nợ tài sản thế chấp của bà Oanh, ông Hộ (mà bản chất GSS không liên quan, không có trách nhiệm phải thực hiện Bản án theo như cách hiểu và viện dẫn của Chi cục THADS) để giữ tiền của doanh nghiệp và người lao động như cách làm hiện nay của Chi cục THADS TP Thái Nguyên.

Mặt khác, đối với khoản tiền 8.367.148.622đ khoản tiền lãi chậm thi hành án lại bắt doanh nghiệp, người lao động phải có đơn đề nghị Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam ra văn bản đề nghị Chi cục THADS TP Thái Nguyên báo cáo Tổng cục THADS xin ý kiến chỉ đạo là điều khiến dư luận bức xúc.

Trong khi đó, ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam lại có thể dễ dàng thu hồi lại được hơn 33 tỉ tiền gốc và 5 tỉ tiền lãi trong khi bản thân việc áp dụng Quyết định thi hành án số: 70/QĐ-CCTH ngày 05/03/2014 của Chi cục THADS TP Thái Nguyên lại chưa phù hợp với quy định của Điều 47 Luật thi hành án dân sự khi đặt việc giải quyết quyền lợi của các chủ nợ của doanh nghiệp lên trên quyền lợi của người lao động là việc làm trái quy định của pháp luật, nhưng cơ quan thi hành án vẫn cố tình bỏ mặc quyền lợi chính đáng của người lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ