Tuy nhiên, kể cả khi đã kết nối được và bắt tay vào hành động rồi, thì số 1% ý tưởng còn có thể thất bại vì một nút chặn đầu tiên, đó là sự đầu tư. Doanh nhân miền Bắc thường rút lui ngay từ nút chặng này so với doanh nhân miền Nam.
Tất cả nằm ở ý chí, nhiều khi bạn phải dám bỏ ra một khoản chi phí, như đánh cược với số phận. Khi đã bỏ tiền ra, trong não bạn sẽ nảy một mối lo sợ mất khoản tiền đó, nên thúc đẩy bạn hành động tới cùng, để tạo ra khoản thu về gấp nhiều lần khoản đầu tư. Có như vậy, bạn mới hành động quyết liệt để giành thắng lợi. Còn khi bạn vẫn chưa chịu “xuống tiền”, bạn dễ do dự, hành động nửa vời. Phàm đã cái gì nửa vời thì chỉ làm đời bạn tiêu tan.
Kịch bản thất bại thường như sau:
1. Một vị doanh nhân, nảy ra ý tưởng sẽ tạo một cái máy xay lá, cỏ, cành khô, sấy rồi ép thành những viên năng lượng hữu cơ, dùng trong đốt lò thay cho than đá, dầu, xăng. Vấn đề là anh cần một chuyên gia nghiên cứu để tiếp tục phát triển ý tưởng, một kỹ sư để chế tạo máy thử nghiệm. Sau một thời gian tìm kiếm, anh đã có được liên lạc của hai người này. Anh mời họ đến công ty mình để đề nghị hợp tác. Họ sẵn sàng làm việc cho anh để ý tưởng được hiện thực hóa, chỉ yêu cầu công việc của họ cần được trả lương.
Người doanh nhân lại chưa dám tin tưởng 100% vào sự thành công của ý tưởng, nên anh không muốn rằng mình sẽ phải nuôi trả lương 2 người trong vài năm, mà rất có thể sẽ không tạo ra được cái máy như ý muốn, nên đưa ra đề nghị rằng, anh không trả lương cho hai người kia, mà ký kết một hợp tác làm ăn, khi cái máy được hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng, làm ra lợi nhuận, thì họ sẽ ăn chia phần trăm theo tỷ lệ thỏa thuận.
Vị doanh nhân dù thuyết phục hay đến đâu, vẽ ra viễn cảnh lợi nhuận khủng thế nào, vẫn không lôi kéo được hai người kia làm việc cho mình. Và kết quả là anh phải dừng lại ngay từ nút chặn đầu tiên. Ý tưởng của anh mãi chỉ là ý tưởng.
2. Một vị doanh nhân người Mỹ, cần một chuyên gia tài chính xây dựng một công cụ quản trị rủi ro thật hữu hiệu, thật sát với doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm sạch của mình, bèn tìm kiếm một người danh tiếng nhất. Trong buổi đầu tiên tiếp xúc với chuyên gia, ông đưa ra vấn đề cần giải quyết và hỏi:
- Anh cần bao nhiêu thời gian và tiền để tạo công cụ cho chúng tôi?
- 3 tháng và 30.000 đô la.
- Tôi cho anh 1,5 tháng và 60.000 đô la, anh làm được chứ? – Vị doanh nhân thách đố.
- Tôi làm được, với điều kiện anh đặt cọc cho tôi 30.000 đô la ngay sau khi ký hợp đồng! – Chuyên gia nói sau mấy giây suy nghĩ.
- Tôi sẽ trả anh cả 60.000 đô la ngay sau khi ký hợp đồng! – Vị doanh nhân Mỹ nói trong sự ngạc nhiên của người chuyên gia.
Kết quả, chỉ chưa đầy 1,5 tháng, người chuyên gia kia đã tạo nên công cụ quản trị rủi ro tuyệt vời cho doanh nghiệp. Khi bàn giao sản phẩm, chuyên gia hỏi vị doanh nhân:
- Ông có nghĩ mình dại khi trao hết số tiền trong hợp đồng cho đối tác khi sản phẩm chưa hề có?
- Tôi không nghĩ thế. – Vị doanh nhân mỉm cười – Bởi thứ nhất, ông là một chuyên gia danh tiếng mà cả nước Mỹ biết tới, ông sẽ không vì 60.000 đô la mà hủy hoại danh tiếng của mình. Thứ hai, khi ông nhận tiền rồi, tự ông sẽ hối thúc bản thân phải làm nhanh nhất và tốt nhất có thể. Bởi ông rất ấn tượng với việc làm của tôi. Trước đây, chưa từng có ai làm như thế với ông phải không? Hơn nữa, với riêng tôi, tôi tự đặt mình vào thế cưỡi lên lưng hổ, không thể không lao về phía trước.
Vậy đó, tư duy của người Mỹ không khác mấy với người Việt, ông cha ta đã đúc rút qua câu “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Tuy nhiên, từ biết đến hành động lại là sự khác biệt lớn giữa ta và Mỹ.