Theo các chuyên gia, lựa chọn này thuộc về cá nhân nhưng để phát triển bền vững cần có kiến thức.
Không có công thức chung
Từng đi làm, khởi nghiệp nhưng do thiếu kiến thức nên ông Vương Hồng Hưng - Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Nutricare đã nhận thất bại. Cuối cùng, ông quyết định đi học đại học để có kiến thức chuyên môn và năng lực nghề nghiệp. Từ câu chuyện của mình, ông Hưng mong học sinh lớp 12 rút ra bài học để có lựa chọn đúng đắn.
“Muốn thành công, đi xa và phát triển bền vững phải có kiến thức. Theo đó, học tập, học lên cao sau tốt nghiệp THPT sẽ cho các em những lời giải này. Nếu không, các em chỉ là lao động phổ thông”, ông Vương Hồng Hưng chia sẻ.
Hiện, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT không có ý định học lên mà quyết định đi làm công nhân hoặc xuất khẩu lao động, TS Dương Thành Huân – Phó Trưởng ban Công tác chính trị và Công tác sinh viên (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) nhìn nhận.
Quyết định này giúp các em giải quyết bài toán “có việc làm, thu nhập”, nhưng về lâu dài, khả năng thăng tiến thấp, dễ bị đào thải khi sức trẻ và sức khỏe sa sút, dẫn đến thất nghiệp khi tuổi cao, ảnh hưởng đến vấn đề an sinh. Do đó, các bạn trẻ nên cân nhắc kỹ để đưa ra quyết định: Đi làm hay đi học sau tốt nghiệp THPT.
Cho rằng, không có công thức đúng hay sai cho câu trả lời đi làm hay đi học sau tốt nghiệp THPT, bởi điều này phụ thuộc vào hoàn cảnh mỗi người. Tuy nhiên, theo quan điểm của thầy Lê Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Long Biên, Hà Nội), để đi làm (khởi nghiệp) cần kiến thức chuyên môn, năng lực, phẩm chất, kỹ năng... Muốn vậy, các em nên tiếp tục học tập, rèn luyện. Nếu vì hoàn cảnh không thể tiếp tục đi học sau tốt nghiệp THPT có thể lựa chọn hình thức vừa làm, vừa học.
Nên tiếp tục theo học ở trình độ cao hơn để có kiến thức, kỹ năng khi lập thân, lập nghiệp, là lời khuyên của ông Đỗ Tiến Hùng – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên. Trường hợp chưa đủ điều kiện để học tiếp sau khi tốt nghiệp THPT, các em có thể đi làm một thời gian để tích lũy kinh nghiệm, tài chính; sau đó tiếp tục học để theo đuổi đam mê của mình.
Cán bộ Học viện Nông nghiệp Việt Nam tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh. Ảnh: TG. |
Nên học tiếp sau tốt nghiệp THPT
Không khuyến khích học sinh, sinh viên khởi nghiệp, đi làm kiếm tiền ngay sau khi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, TS Đàm Quang Thắng – Chủ tịch Hội đồng cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia, Tổng Giám đốc Công ty Agricare Việt Nam & Bizcare cho rằng, nếu có tư duy khởi nghiệp, các em cần vạch ra con đường để đi. Con đường đó dài hay ngắn phụ thuộc vào mục tiêu bản thân đặt ra và nguồn lực tích lũy được.
“Không một chuyên gia nào có thể trả lời thay các bạn là đi học hay đi làm sau tốt nghiệp THPT. Lựa chọn này không có khái niệm đúng, sai mà phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện và sự phù hợp của mỗi học sinh”, TS Đàm Quang Thắng nhìn nhận và phân tích, sẽ có bạn lựa chọn đi làm sớm, tạm dừng việc học. Nhưng không học trước sẽ học sau. Nghĩa là khi có đủ điều kiện, các bạn vẫn phải học, đấy là nguyên tắc.
“Nhiều bạn trẻ là học trò của tôi. Các bạn thành công ngoài xã hội, kiếm được nhiều tiền, thậm chí trở thành người nổi tiếng ở trên mạng xã hội, nhưng rồi vẫn quay lại học đại học”, TS Đàm Quang Thắng viện dẫn; đồng thời nhấn mạnh, muốn vận hành xã hội, giúp người khác hoặc chia sẻ những gì mình đã làm thì phải có kiến thức. Môi trường đại học sẽ giúp các em có được kho tàng này.
Đại học không chỉ là nơi cung cấp tấm bằng cử nhân, kỹ sư… mà học tập trong môi trường này sẽ lĩnh hội nhiều điều bổ ích, từ kiến thức, năng lực, kỹ năng đến kinh nghiệm và những bài học thực tiễn. Điều đó giúp ích rất nhiều trong công việc sau này; trên hết là giảm thiểu rủi ro cho những ai muốn khởi nghiệp.
Tuy nhiên, đại học không phải là con đường học tập duy nhất. Bằng đại học không đảm bảo cho bất kỳ ai có cuộc sống dễ chịu hơn nếu bản thân không cố gắng, nỗ lực học tập và tích lũy tri thức. Theo TS Lê Đắc Sơn – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Đại Nam (Hà Nội), vào đại học là lợi thế cạnh tranh lớn. Trường đại học mang đến cơ hội và điều kiện tốt nhất để tiếp cận tri thức một cách cơ bản, bắt nhịp được cuộc sống hiện đại.
Bằng đại học là giấy “thông hành” quan trọng giúp các bạn trẻ đến với cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế… Trường đại học dạy cách tư duy, phát triển tri thức để giải quyết công việc ở mức độ cao phục vụ việc kiếm sống, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội một cách bền vững.
“Sau khi tốt nghiệp THPT, nhiều học sinh băn khoăn, không biết nên tiếp tục học đại học, hay đi làm ngay hoặc khởi nghiệp. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của chuyên gia và những người khởi nghiệp thành công, các bạn trẻ nên học đại học để trang bị cho mình kiến thức chuyên môn và kỹ năng cần thiết trước khi bắt đầu hành trình khởi nghiệp hay lập thân, lập nghiệp”, TS Dương Thành Huân nhìn nhận.