Điều này giúp sinh viên học tập hiệu quả hơn nhưng không phụ thuộc vào công nghệ.
Khi Shannon Wong, 24 tuổi, sinh viên năm cuối Đại học Quản lý Singapore (SMU) và nhóm của cô dựng một video dự án truyền thông, họ đã không thuê diễn viên mà sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Công cụ này giúp họ tạo ra hình ảnh sống động như thật của ngôi sao nhạc pop Karina, thành viên nhóm nhạc Aespa, Hàn Quốc. Họ sử dụng hình ảnh AI của ca sĩ này để quảng cáo cho nền tảng của một công ty giải trí Hàn Quốc. Dự án này là bài tập của khoá học yêu cầu sinh viên tạo ra video tiếp thị cho các doanh nghiệp trong giới kinh doanh.
Bài tập trên đã được đại diện công ty giải trí xem qua, đánh giá là ấn tượng với vẻ ngoài và âm thanh của Karina do nhóm sử dụng AI tạo nên. Họ nói thêm kỹ năng trình bày và phong thái tự nhiên của nhân vật do AI tạo ra trong video là điểm cộng của nhóm Shannon.
PGS Saw Cheng Lim, chuyên gia về luật tại SMU, cho biết, dự án AI không vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ vì nó được sử dụng trong môi trường lớp học phi thương mại. Ngược lại, việc sử dụng công cụ AI có thể tăng sức hấp dẫn cho các chiến dịch quảng cáo truyền thông.
Còn GS Mark Chong, chuyên gia quản lý truyền thông tại SMU, đánh giá việc tích hợp AI vào chương trình học mang lại những lợi ích rõ ràng. Sinh viên làm việc “hiệu quả và năng suất hơn”.
Việc sử dụng AI trong giáo dục đại học tại Singapore đã xây dựng được chỗ đứng trong những năm gần đây và dần định hình lại cách sinh viên học, sáng tạo và vận dụng kiến thức.
Các trường đại học công lập Singapore như SMU, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), đã áp dụng công nghệ AI nhằm nâng cao phương pháp giảng dạy, thúc đẩy đổi mới và giải quyết nhu cầu học tập đa dạng của sinh viên.
Tại NUS, sinh viên được dạy các kỹ năng AI có thể hữu ích trong ngành học họ đã chọn. PGS Melvin Yap, PGĐ Giáo dục và Công nghệ tại NUS, cho biết: “Kinh nghiệm của chúng tôi trong việc sử dụng AI rất tích cực. Nó cho phép các nhà giáo dục điều chỉnh phương pháp giảng dạy tốt hơn để học tập hiệu quả hơn, đáp ứng các phong cách học tập đa dạng của học sinh”.
Tuy nhiên, còn nhiều sinh viên bày tỏ quan ngại về việc ứng dụng AI trong học tập. Yajat Gulati, 19 tuổi, sinh viên Trường Khoa học Máy tính và Dữ liệu thuộc NTU, nhận định AI có tiềm năng trở thành công cụ giáo dục nhưng nó cũng có thể bị lạm dụng. Những sinh viên lười học có thể phụ thuộc vào AI, biến nó thành công cụ làm bài tập thay hoặc gian lận trong thi cử.
Những lo ngại của sinh viên xuất phát từ mặt hạn chế của các công cụ AI. Về phía trường học, ông Tan Ooi Kiang, Phó Giám đốc phụ trách Giáo dục NTU, cho biết, nhà trường áp dụng cách tiếp cận thận trọng với AI. Giảng viên ưu tiên học tập cá nhân hoá với sinh viên nhưng hạn chế tối đa việc sử dụng AI để chấm điểm, nghiêm cấm hành vi gian lận bằng AI.
Aviel Lim, 20 tuổi, sinh viên SMU, cho biết, quá trình học tập mới là chìa khoá của việc học đại học. Nếu phụ thuộc vào AI, sinh viên sẽ không thể thực hành và phát triển các kỹ năng cá nhân. Vì vậy, trường học không nên đưa AI vào tất cả các môn học.