Bồi đắp niềm tự hào dân tộc

GD&TĐ - Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các trường học đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm GD thế hệ trẻ về lịch sử hào hùng của dân tộc.

Cô trò Trường THCS Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tìm hiểu về Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Vân Anh
Cô trò Trường THCS Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tìm hiểu về Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Vân Anh

Hướng về Điện Biên

Những ngày tháng 5 lịch sử, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã linh hoạt tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trường Mầm non Võ Nguyên Giáp, xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ vừa tổ chức hoạt động trải nghiệm “Em yêu quê hương Điện Biên” với sự tham gia của gần 400 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trẻ, phụ huynh và hội viên các đoàn thể trên địa bàn.

Ngoài hoạt động văn nghệ, trẻ mầm non còn được tham gia trò chơi mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: Kéo co, nhảy bao bố, gánh, vác, thồ hàng và trò chơi tái hiện những vất vả, khó khăn, gian khổ của các chú bộ đội thời chiến tranh như luyện tập thao trường, đi trên ghế thể dục, chui qua cổng, ném túi cát…

Trong khi đó, để chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Trường THCS Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tổ chức cuộc thi “Vẽ tranh thiếu niên nhi đồng về Chiến thắng Điện Biên Phủ và hình ảnh Điện Biên Phủ hôm nay”.

Cuộc thi thu hút được hàng trăm học sinh tham gia với nhiều bức tranh chất lượng, giàu sức sáng tạo. Mỗi bức tranh một ý tưởng, nội dung nhưng đều thể hiện tình cảm, lòng tri ân của đoàn viên, đội viên đến thế hệ cha ông đã không tiếc máu xương bảo vệ Tổ quốc, giành độc lập tự do cho dân tộc.

Năm nào cũng vậy, kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cán bộ, giáo viên và học sinh Trường Tiểu học và THCS Phan Đình Giót (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) lại tổ chức dọn dẹp vệ sinh khu lưu niệm anh hùng Phan Đình Giót - người đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai, dập tắt hỏa điểm lợi hại nhất của địch. Nhờ vậy, bộ đội ta thừa thắng xông lên tiêu diệt toàn bộ cứ điểm Him Lam, giành thắng lợi trong trận đánh mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thầy Nguyễn Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng cho biết, ngoài vệ sinh khu lưu niệm, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động hướng về 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Một trong những nội dung được hơn 1.300 học sinh háo hức là cuộc thi Rung chuông vàng. Các câu hỏi cuộc thi liên quan đến kiến thức lịch sử giai đoạn 1945 - 1954 và cuộc đời anh hùng Phan Đình Giót.

Học sinh Trường Tiểu học số 1 thị trấn Tuần Giáo tìm hiểu lịch sử qua các hoạt động trải nghiệm. Ảnh: Hà Thuận

Học sinh Trường Tiểu học số 1 thị trấn Tuần Giáo tìm hiểu lịch sử qua các hoạt động trải nghiệm. Ảnh: Hà Thuận

Với mong muốn học sinh hiểu về lịch sử và những dấu mốc quan trọng của dân tộc, đặc biệt hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Trường Tiểu học Trí Yên (Yên Dũng, Bắc Giang) đã tổ chức buổi sinh hoạt dưới cờ với chủ đề “Xuôi dòng sự kiện” nhằm ôn lại truyền thống, chiến tích cha ông ta đã làm nên tại Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Cô Phạm Thị Huệ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trước khi tổ chức buổi sinh hoạt, chúng tôi yêu cầu Tổng phụ trách Đội chuẩn bị tư liệu lịch sử để trao đổi, chia sẻ và giải đáp câu hỏi của học trò. Cùng đó, giáo viên chủ nhiệm tổ chức hoạt động tuyên truyền về Chiến thắng Điện Biên Phủ tại lớp bằng cách sưu tầm video, tài liệu hình ảnh để trình chiếu; từ đó các em nghiên cứu, tìm hiểu sự kiện và cùng chia sẻ hiểu biết của mình tại buổi sinh hoạt.

Có thể nói, những hoạt động này đã khơi gợi cho học sinh truyền thống dân tộc; cung cấp thêm kiến thức lịch sử và hiểu hơn ý nghĩa to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Học sinh Trường Tiểu học Tiên Điền (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) tham gia trải nghiệm hoạt động “Em là chiến sĩ Điện Biên”. Ảnh: Nguyễn Lan

Học sinh Trường Tiểu học Tiên Điền (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) tham gia trải nghiệm hoạt động “Em là chiến sĩ Điện Biên”. Ảnh: Nguyễn Lan

Thêm yêu lịch sử

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và chào mừng Năm Du lịch quốc gia Điện Biên, học sinh Trường Tiểu học số 1 thị trấn Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo) đã hưởng ứng cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Sắc màu Điện Biên” với 384 bài vẽ. Cùng đó, toàn bộ học sinh nhà trường đã thi vẽ tranh về Chiến dịch Điện Biên Phủ, di tích lịch sử, bản sắc văn hóa, người dân và hình ảnh Điện Biên hôm nay.

Theo cô Hiệu trưởng Đặng Thị Hòa, có 436 bài vẽ được lựa chọn. Mỗi bức tranh thể hiện sự sáng tạo, năng khiếu hội họa, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. “Nhà trường đã lồng ghép tuyên truyền ý nghĩa lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ vào các hoạt động giáo dục, trải nghiệm… Qua đó, nhân lên tinh thần tự hào dân tộc, quê hương đất nước, thầy cô mái trường”, cô Hòa chia sẻ.

Liên hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kiện đặc biệt, ý nghĩa quan trọng với thầy và trò ở hầu khắp trường học dịp này. Cùng một nội dung nhưng mỗi trường lại vận dụng, sáng tạo theo nhiều hình thức khác nhau, qua đó giúp học sinh trải nghiệm lịch sử, thêm hiểu và yêu môn học.

Liên hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” của cô trò Trường THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) diễn ra đầu tháng 5/2024, thu hút hàng trăm học sinh tham gia. Tại đây, các em được giáo dục về truyền thống lịch sử qua những thước phim tư liệu, hiểu ý nghĩa quan trọng của Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tại Trường Tiểu học Tân Định (quận Hoàng Mai), liên hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ thu hút đông đảo các lớp tham gia. Học sinh được xem phim tài liệu về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tham gia gameshow hấp dẫn với các phần thi: Thuyết trình, thử tài hiểu biết, năng khiếu.

Tại Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn), nhà trường phối hợp cùng Câu lạc bộ Cựu chiến binh phường Đông Kinh (TP Lạng Sơn, Lạng Sơn) tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngoài xem video lịch sử, thầy và trò được giao lưu gặp gỡ với cựu chiến binh thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chiến dịch Hồ Chí Minh.

Học sinh Trường Tiểu học Tiên Điền (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cũng có buổi học lịch sử cùng với 3 cựu binh đang sinh sống trên địa bàn. Đây là những người lính từng có mặt tại Chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm. Cựu chiến binh Đặng Ngọc Lương (98 tuổi) chia sẻ với học sinh những câu chuyện về năm tháng không quên. Đó là hồi ức những ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm đất”. Những khoảnh khắc bước qua xác đồng đội để tiến lên…

Những câu chuyện của các bác, ông khiến học sinh tò mò, xen lẫn xúc động. Dù tuổi đã cao nhưng các cựu binh không ngại trả lời nhiều câu hỏi học trò đặt ra. Khoảng cách thế hệ dường như được rút ngắn, mỗi câu trả lời của cựu binh như thước phim quay chậm giúp học sinh hiểu và thu nhận không ít kiến thức quý báu về lịch sử.

Được nghe các bác cựu chiến binh kể về chiến thắng Điện Biên Phủ, em Hoàng Diệp Chi (lớp 4A2, Trường Tiểu học Tiên Điền) thấy tự hào và thêm yêu lịch sử đất nước. Em biết ơn, trân trọng những hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sĩ để có được hòa bình hôm nay. Chúng em nguyện sẽ cố gắng học tập thật tốt, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.

“Với những trải nghiệm, khám phá thú vị, thông qua chương trình giao lưu, nhà trường kỳ vọng học sinh có thêm kiến thức bổ ích về Chiến dịch Điện Biên Phủ và những tấm gương anh hùng, từ đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, quyết tâm học tập, rèn luyện, phấn đấu trở thành những chủ nhân tương lai đất nước”, cô giáo Trần Thị Ngọc Xuyến - Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ.

Cô Lý Kim Phượng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Võ Nguyên Giáp (TP Điện Biên) chia sẻ: “Hoạt động trải nghiệm nhằm hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là cơ hội để phụ huynh, nhân dân trên địa bàn phối hợp, tham gia giáo dục trẻ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, địa phương. Qua đó, hình thành ở trẻ lòng tự hào dân tộc, khơi dậy ý thức giữ gìn, bảo vệ các giá trị văn hóa quê hương.

Thông qua các trải nghiệm, trẻ được thể hiện năng khiếu, giao lưu, phát triển kỹ năng giao tiếp, mạnh dạn, tự tin khi tham gia các hoạt động cũng như rèn kỹ năng sống. Hoạt động cũng nhằm đánh giá công tác quản lý, chỉ đạo và thực hiện chương trình giáo dục mầm non.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.