Truyện ngắn: Quyết định bất ngờ

GD&TĐ - Ngày bà mất, tự dưng cây hoa ban ở góc vườn nở hoa trắng muốt, một cánh nổi rõ gân, đặc trưng của giống hoa này.

Minh họa: ITN
Minh họa: ITN

Ngày bà mất, tự dưng cây hoa ban ở góc vườn nở hoa trắng muốt, một cánh nổi rõ gân, đặc trưng của giống hoa này.

Thật kì lạ, bao nhiêu năm nay rồi, từ khi nó còn bé xíu, cây ban này có bao giờ ra hoa đâu. Chẳng ai nhận ra sự xuất hiện của bông hoa bé nhỏ lẻ loi trong tán lá xanh um tùm, duy chỉ nó thấy. Nó thì thầm với mẹ:

- Mẹ ơi, cây ban nở hoa đấy.

- Ban nào mà nở hoa? Con nói xàm gì vậy.

- Thật đấy, con thấy một cái hoa trắng.

- Hoa của cây gì gần đó thì có.

Mẹ gạt phăng lời nó. Chẳng ai thèm quan tâm đến nó – một thằng nhóc hơn mười tuổi, người ta còn bận tụng kinh, tiếp khách, thực hiện những nghi lễ để đưa nội về ngôi nhà mới, an nghỉ. Nó buồn. Phải chi có nội, nội sẽ tin lời nó ngay, sẽ lọm khọm chống gậy theo chân nó ra vườn “đâu, đâu nào, cho bà xem với nào”.

Nó sẽ tíu tít chỉ, vung tay vung chân giải thích cho nội hiểu rằng đây là một hiện tượng cực kì hiếm, vì ban trắng chỉ nở hoa ở những nơi khí hậu ôn đới, nghĩa là mát mẻ, còn cái xứ này nóng như thiêu thì cây không cho hoa đâu nhé. Nội sẽ cười móm mém bảo cái thằng này gì cũng biết ha, nó lại được dịp làm anh hùng trong mắt nội, kể cho nội hàng tá chuyện hay ho mà nó thu thập được ở lớp và trên Internet…

Giờ thì buồn thiu, còn nội nữa đâu mà kể. Trong nhà nầy ai cũng nghĩ nó là con nít nên chẳng ai thèm nghe nó. Hằng ngày, ba mẹ bận tối mặt với công việc; tối, ba rảnh thì xem tin tức, đọc báo, còn mẹ, lúc nào rảnh cũng thấy cắm cúi lau dọn nhà cửa, không thì lúi húi với khu vườn nhỏ.

Trong nhà, chỉ có nội là người bạn thân thiết nhất của nó. Nội hay kể chuyện, những chuyện nghe lạ ơi là lạ. Nội bảo những chuyện ấy xảy ra ở thời của nội, từ hồi xưa lơ xưa lắc rồi. Trong những câu chuyện của nội bao giờ cũng có việc chạy giặc, đói ăn.

Nội kể hồi đó, cái năm giặc dội bom tàn phá quê hương, nội đặt ba và bác Sáu vào thúng, quẩy quang gánh gánh hai đứa con nhỏ, dắt díu bốn đứa lớn hơn, chạy giặc. Đi tới đâu thì xin nước uống, xin đồ ăn tới đó. Thấy thân đàn bà một mình dắt díu bầy con tội nghiệp nên ai cũng giúp.

Hồi xưa, người ta sống tình nghĩa lắm con, thấy ai hoạn nạn cũng cưu mang, đùm bọc chứ không phải như giờ mạnh ai nấy sống. Nhờ vậy mà mấy mẹ con mới vượt qua đoạn đường dài, tới được cái vùng đất này. Vùng này là cái eo của đất nước. Tuy nắng, tuy gió, tuy khó trồng trọt nhưng ít bom đạn hơn. Nội thấy ổn mới đặt con xuống thúng, tìm kế sinh nhai.

Nó nghe nội kể thì chỉ thấy thú vị chứ chưa cảm nhận được nỗi khổ ở trỏng được. Nghe việc ăn cơm trộn khoai sao thấy ngon ngon chứ đâu cảm thấy ngán lên tận óc như ba, như mấy bác đâu. Bao giờ kể về hồi xưa nội cũng bắt đầu “hồi đó khổ lắm…”.

Minh họa/INT.

Minh họa/INT.

Nó thấy mắt nội khi đó hay nhìn xa xăm, ẩn chứa một nỗi buồn vô hạn, nội như trở thành con người khác, không còn vui vẻ hay cười như ngày thường nữa. Nhất là những khi nội ngồi tần ngần vuốt ve cái áo bộ đội màu xanh lá cây đã bạc màu, đôi chỗ sờn rách.

Nó biết thừa có những gì trong cái rương bọc vải xám bạc màu cũ rích đó, một cái áo bộ đội, một cái bi đông nước bóng loáng, vài cái huân chương. Chỉ vậy thôi à, mà cứ thấy lâu lâu nội giở ra, vuốt ve, ngắm nhìn, có khi còn ôm chặt vào lòng âu yếm lắm.

Nó méc mẹ, cái rương cũ mà nội cứ để hoài chẳng chịu bỏ đi. Mẹ trợn mắt, đe: Chết á, cái rương báu vật của nội á, đừng có mà đụng vào, có gì là không sống yên được đâu. Nó tiu nghỉu. Báu vật gì trời. Thứ gì cũng cũ kĩ, chẳng có gì hấp dẫn.

Sau này, khi nó đã lớn, khi nội đã đi xa khá lâu, một lần vô tình nó bắt gặp ba mở cái rương cũ ra, phủi bụi từng món đồ và nó thấy ba khóc. Lúc đó nó ngạc nhiên tột độ, cớ sao ba lại khóc, từ nhỏ tới giờ chưa bao giờ nó thấy ba khóc. Ba chẳng giấu giếm nước mắt dù thấy nó xuất hiện. Ông bảo nó ngồi xuống và dặn dò:

- Đây là những kỉ vật còn lại của ông nội con. Hồi còn sống, bà quý những thứ này lắm, có khi ôm ngủ nữa. Sau này ba mất, con hãy gìn giữ báu vật gia đình mình cho cẩn thận, hàng năm, tới giỗ ông, giỗ bà nhớ đem ra để lên bàn thờ thắp nhang.

Đầu nó như vừa có thứ ánh sáng chiếu rọi. Thì ra là vậy. Nó có nghe loáng thoáng vài lần bà có nhắc đến việc ông nội hy sinh trong một trận đánh ác liệt.

- Mộ ông ở đâu sao chẳng bao giờ con thấy nhà mình ra thăm ạ?

- Có thăm chứ con, mà xa quá nên lâu lâu ba mới đưa bà đi được.

Mắt ba nhìn xa xăm, ba kể cho nó nghe về cái lần ba để dành đủ tiền để đưa bà đi thăm ông. Mộ ông ở xa lắm, trong Nghĩa trang liệt sĩ A1 trên Quốc lộ 279. Nhiều lần ba đã đề nghị bà đưa ông về nghĩa trang tỉnh cho gần để tiện thăm viếng nhưng bà bảo rằng để ông yên nghỉ bên đồng đội, bên chiến trường năm xưa chứ đưa về đây ông sẽ cô đơn lắm.

Hằng năm, cứ tới ngày 7/5, bà lại làm giỗ cho ông. Năm nào kinh tế dư dả bà lại bắt xe đò đằng đẵng đường dài để lên thắp nhang cho ông cùng đồng đội. Bà thấy yên tâm vì dù bà không lên được nhưng ông cùng đồng đội vẫn được nhân dân lau mộ sạch sẽ, thay hoa và trái cây, nhang khói chu đáo.

Minh họa/INT.

Minh họa/INT.

- Cái cây hoa ban nơi góc vườn được bứng trong nghĩa trang vào lần đầu tiên bà và ba lên viếng ông. Tự dưng nó mọc ở trước mộ ông nên bà đã xin ban quản lý nghĩa trang bứng về trồng trong vườn nhà. Sau này, dù đất có tăng giá cỡ nào, con cũng đừng vì tiền mà bán đi mảnh vườn, chặt đi cây hoa ban ấy. Nó không ra hoa thật nhưng nó là kỷ niệm của bà để lại cho con cháu.

Mắt ba lại sa lệ. Nó cũng rơm rớm theo. Bây giờ thì nó đã hiểu ra báu vật của bà và gia đình là gì rồi. Bao năm nay nó luôn tự hào mình hiểu biết nhiều, kiến thức rộng, bên tây bên ta biết đủ thứ chuyện, vậy mà hóa ra lại chẳng biết gì, chuyện trong gia đình mù tịt.

Nó vùi đầu vào tìm hiểu về Chiến thắng Điện Biên Phủ, tìm hiểu về Nghĩa trang liệt sĩ A1 định bụng sẽ vác ba lô lên đường thăm ông vào dịp gần nhất. Khổ nỗi, chương trình học năm cuối đại học quá căng thẳng, đang cao điểm làm luận án tốt nghiệp.

Những đêm gần như thức trắng, áp lực học hành khiến nó gầy rạc đi. Khi bảo vệ đồ án xong, chỉ còn chờ ngày nhận bằng tốt nghiệp, nó mới thở phào nhẹ nhõm. Lúc này cũng đã đầu tháng Năm, thời tiết oi nồng chờ cơn mưa đầu mùa. Không trở về nhà gặp ba mẹ, cũng không xin phép, nó lặng lẽ gấp vài bộ quần áo, đeo ba lô lên đường...

Bao năm lăn lộn trọ học, thành phố đã biến cậu học trò mọt sách ngày nào thành một chàng trai trưởng thành đúng nghĩa. Nó tìm thông tin từ Google, tự đặt xe, tự hỏi đường tới Nghĩa trang liệt sĩ A1. Nghĩa trang rộng lớn và khang trang.

Từng hàng mộ đá xếp ngay ngắn, thẳng tắp, ngôi mộ nào cũng giống y nhau. Nó đưa thông tin về ông nội hỏi người quản trang. Ông ân cần dẫn nó tới tận nơi. Nhìn tấm ảnh trên bia, nó nhận ra ngay ông nội. Ông đang cười, mắt híp cả lại để lộ hàm răng đều tăm tắp.

Những nét trên khuôn mặt ấy rất giống với ba nó, với các bác. Cái đôi chân mày rậm và cái trán cao ấy thì chẳng thể lẫn vào đâu được. Tự dưng trong lòng nó dâng lên một niềm xúc động mãnh liệt. Nước mắt tự tuôn trào. Nó khóc òa như đứa trẻ gọi “Nội ơi!”.

Người quản trang cúi đầu quay bước, không dám chứng kiến thêm nữa. Ông còn nghe tiếng nức nở của cậu thanh niên vọng theo: “Nội ơi, con có lỗi khi bao năm nay không lên thăm nội”.

Bao nhiêu năm nay, người quản trang từng chứng kiến nhiều cảnh xúc động hơn nữa, có những người vợ già yếu vẫn lên thăm chồng, ngồi lặng hàng giờ để lau đi lau lại mộ chồng, tâm sự với chồng những chuyện xa xưa.

Có những người mẹ già ngồi xe lăn để con cháu đẩy lên thăm con, chỉ lặng im vuốt ve hoài di ảnh… Nhưng xưa giờ chưa bao giờ ông thấy một chàng thanh niên trẻ măng nào tìm đến mộ ông mình để khóc.

Người ta hay bảo thanh niên thời giờ họ chỉ quan tâm đến cuộc sống tương lai ra sao, quan tâm đến công việc, những chuyện thuộc về quá khứ, dẫu quá khứ đó có hào hùng tới đâu họ cũng chẳng để ý đâu. Cũng phải, thói thường người ta chỉ quan tâm đến ngày mai, ai lại đi lần giở quá khứ ra ôn, nhất là quá khứ đó quá xa lạ với họ.

Sinh ra, lớn lên trong thời bình, làm sao chúng biết được cái khốc liệt của bom đạn, cái dữ dội của chiến tranh, và làm sao chúng hiểu được tinh thần bất khuất kiên cường của những người lính chiến. Có lẽ, ông sẽ mãi mãi nghĩ về thế hệ trẻ ngày nay như vậy nếu như cậu thanh niên kia không tới nghĩa trang ngày hôm nay.

Nhưng, từ ngày hôm nay có lẽ ông phải nghĩ khác đi rồi. Thì ra, vẫn còn những người trẻ tuổi mãi ghi nhớ quá khứ hào hùng của dân tộc. Bằng chứng là cậu thanh niên ấy, khuôn mặt hốc hác vì bụi đường vẫn lê lết lau sạch từng ngôi mộ, thắp nhang với vẻ thành tâm nhất. Công việc ấy kết thúc vào lúc tối khuya, người quản trang già nhìn đồng hồ, kim ngắn đã chỉ con số mười.

Khi cậu trai xong công việc và trở ra cổng, người quản trang già gọi giật lại:

- Này cháu, tối nay cháu ngủ ở đâu?

Cậu cười rất hiền, gãi cái đầu rối xù:

- Dạ, con ở xa tới nên định tìm một nhà nghỉ nào ở lại ạ. Ông có biết nhà nghỉ nào gần đây không ạ?

Người quản trang già ngoắt tay cười xòa:

- Thôi, giờ này thì còn đi đâu nữa. Vào đây. Tắm rửa đi rồi ăn chút cơm nguội. Ở đây không có giường nệm nhưng có ghế bố, ngủ qua đêm cũng ổn đấy.

Thế là cậu thanh niên ở lại. Tối đó, một già một trẻ thủ thỉ cùng nhau cả đêm. Khi cậu thanh niên đã thiếp đi vì mệt, ông quản trang già ngước nhìn trời đêm, rất nhiều vì sao đang nhấp nháy trên cao. Giờ ông mới biết tên cậu trai trẻ là Công - Nguyễn Thành Công.

Cậu bảo tên đó bà nội đặt cho cậu để nhắc nhớ về ông nội, cuộc chiến mà ông tham gia đã thành công thật rồi. Nhìn khuôn mặt đang say ngủ toát lên vẻ thanh thản, hiền lành, ông thầm nghĩ rồi cuộc đời của cậu thanh niên này sẽ có nhiều thay đổi sau chuyến đi này.

Quả thật vậy, đúng như dự đoán của người quản trang già. Sau khi rời nghĩa trang, Công lang thang lên thăm di tích Điện Biên Phủ. Chiến trường đỏ lửa năm xưa nay được quy hoạch thành quần thể di tích lịch sử.

Chứng kiến những lô cốt còn sót lại, lắng nghe cô hướng dẫn viên thuyết minh về chiến dịch năm xưa, lòng cậu dâng trào những đợt sóng cảm xúc mạnh mẽ, xúc động xen lẫn tự hào.

Thì ra, để có cuộc sống yên bình hôm nay, bao nhiêu máu xương của cha ông đã đổ xuống. Điều kỳ diệu của dân tộc này là vừa dứt khói lửa, con người lại bắt tay xây dựng cuộc sống mới. Từ trong bom đạn, từ đống đổ nát sau chiến tranh, giờ nơi này đã mang diện mạo mới, một thành phố trẻ đầy sức sống.

***

Minh họa/INT.

Minh họa/INT.

Khi nó thông báo với ba mẹ rằng đã nộp đơn tham gia nghĩa vụ quân sự, cả ba và mẹ đều rất ngạc nhiên. Mẹ khẽ nhăn mày:

- Con đã suy nghĩ kỹ chưa. Môi trường quân đội rất khắc nghiệt đấy, không như ở ngoài đâu.

- Dạ, con suy nghĩ kỹ rồi mẹ ạ.

Ba im lặng khẽ nhìn nó. Ông phát hiện ra thằng con trai không còn là thằng bé yếu đuối hay khóc lóc méc bà nội ngày nào nữa, nó đã thành một người đàn ông thật rồi. Đôi mắt nó rắn rỏi, cương nghị, cái kiểu tóc rẽ một bên làm cho khuôn mặt trông chững chạc hơn.

- Anh thấy sao?

- Anh chẳng thấy sao cả. Nếu con nó muốn cứ để nó đi. Được rèn luyện trong môi trường quân đội cũng tốt.

- Ý em là còn công việc của con thì sao? Có công ty nào đồng ý cho con nghỉ phép mấy năm đâu? Với lại, chẳng phải con nói công ty sẽ cho con đi đào tạo nước ngoài vào năm sau sao?

- Mẹ đừng lo. Sau khi con đi nghĩa vụ về, con sẽ xin được việc mới thôi. Không có cơ hội này thì mình có cơ hội khác, lo gì, năng lực con có mà.

Người mẹ thở dài nhìn thằng con trai đang quyết tâm bảo vệ quyết định của mình. Nhìn cái trán cao ương bướng ấy, đôi mắt tràn đầy nhiệt huyết ấy, bà biết không thể nào thay đổi được điều gì nữa nên lặng im.

Còn nó, cậu trai trẻ ấy, khẽ mím chặt môi thì thầm cùng nội: “Nội ơi, con sẽ tiếp nối truyền thống của gia đình mình, con sẽ làm tròn trách nhiệm của một người trai để không làm nội trên cao phải hổ thẹn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.