'Phá băng' quan hệ

GD&TĐ - Cách đây 11 năm, khi cuộc xung đột vũ trang dẫn đến nội chiến kéo dài dai dẳng tại Syria, nước này đã bị đóng băng tư cách thành viên trong AL.

Ảnh minh hoạ/INT
Ảnh minh hoạ/INT

Hôm 18/5, Tổng thống Syria Bashar Al-Assad đã đến Ả-rập Xê-út tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập (AL), đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo này tới Ả-rập Xê-út kể từ sau cuộc xung đột ở Syria vào năm 2011.

Việc Syria trở lại AL được coi là một sự kiện mang tính biểu tượng và phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ về cách nhìn nhận của các quốc gia trong khu vực về chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad.

Cách đây 11 năm, khi cuộc xung đột vũ trang dẫn đến nội chiến kéo dài dai dẳng tại Syria, nước này đã bị đóng băng tư cách thành viên trong AL. Trong bối cảnh đó, Ả-rập Xê-út tích cực ủng hộ các nhóm vũ trang đối lập cố gắng lật đổ Tổng thống Assad. Nước này thậm chí còn tài trợ vũ khí, tiền bạc cho các nhóm chiến binh.

Còn Qatar, ngay từ những ngày đầu tiên, đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho phe đối lập tại Syria. Jordan, nước láng giềng phía Nam Syria, cũng ủng hộ quân nổi dậy chống lại Tổng thống Assad nhưng chính sách của nước này chủ yếu đến từ những lo ngại về an ninh biên giới.

Nhưng hiện nay, các thành viên AL mong muốn đạt thỏa thuận trực tiếp với Tổng thống Assad. Vì vậy, liên minh gồm 22 thành viên này đã nhất trí khôi phục tư cách của Syria và chính thức mời ông Assad tham dự Hội nghị ngày 19/5 vừa qua.

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang dẫn đầu khu vực trong việc thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Syria. Mới đây, trong thảm họa động đất xảy ra tại Syria hồi tháng 2, UAE đã chuyển 6.000 tấn lương thực, thuốc men và vật tư y tế; đồng thời gửi đội tìm kiếm và cứu hộ đến Syria để xác định vị trí của những người sống sót.

Tại Hội nghị 19/5 vừa qua, Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed đã mời Tổng thống Assad tham dự Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) do nước này đăng cai tổ chức vào cuối năm nay.

Ả-rập Xê-út cũng đóng vai trò thúc đẩy cho sự trở lại lần này của Syria. Mặc dù một số quốc gia Ả Rập như Qatar, Morocco chưa bình thường hóa quan hệ với Syria nhưng với tư cách là nhà lãnh đạo trong AL, Ả-rập Xê-út đã thuyết phục các thành viên khác không gây khó dễ cho chuyến thăm lần này của Syria.

Cái bắt tay của Tổng thống Assad và Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman trong Hội nghị hôm 19/5 chứa đựng sự nồng nhiệt nhưng cũng đầy tham vọng của các quốc gia Ả Rập.

Trên thực tế, Syria có thể không mang lại nhiều cơ hội tài chính hoặc kinh tế cho khu vực. Cần lưu ý rằng Mỹ và phương Tây vẫn giữ vững lập trường không bình thường hóa quan hệ, không dỡ bỏ trừng phạt và không tham gia tái thiết Syria.

Mọi hoạt động thương mại của Syria với các nước trong khu vực hay ngược lại vẫn bị kìm cặp bởi “Đạo luật Caesar” của Mỹ. Đạo luật này cho phép Mỹ trừng phạt các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào các lĩnh vực năng lượng, xây dựng hoặc kỹ thuật của Syria cũng như hỗ trợ tài chính cho chính quyền Tổng thống Assad. Vì vậy, dù các quốc gia muốn bình thường hóa quan hệ với Syria, họ cũng khó có thể hợp tác kinh tế hay đầu tư vào nước này, nếu vẫn muốn làm ăn với Mỹ.

Tuy nhiên, việc “phá băng” quan hệ với Syria mang lại ý nghĩa lớn hơn về mặt an ninh khu vực. Ngoài ra, Syria trở lại AL sẽ giúp khu vực này tăng cường đoàn kết, đẩy nhanh quá trình phát triển và tái thiết thế giới Ả Rập.

Với vị trí trung tâm địa lý, Syria sẽ góp phần giúp khu vực giải quyết những vấn đề cấp bách chung như buôn bán ma tuý, an ninh biên giới, khủng hoảng người di cư...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.