Liệu Kiev có từ bỏ kế hoạch tấn công cầu Crimea?

GD&TĐ - Việc Nga được cho là không còn dùng cầu Crimea để tiếp tế cho tiền tuyến sẽ không ngăn được chính quyền Tổng thống Zelensky cố gắng làm tổn hại nó.

Cầu Crimea bị lực lượng Ukraine tấn công hồi tháng 7/2023
Cầu Crimea bị lực lượng Ukraine tấn công hồi tháng 7/2023

Các nhà báo của Independent (Anh) đã nghiên cứu hình ảnh vệ tinh từ Molfar - công ty tình báo tư nhân lớn nhất Ukraine, cũng như dữ liệu tình báo của Anh, sau đó họ kết luận rằng, quân đội Nga đã thay đổi công tác hậu cần và không còn sử dụng cầu Crimea để tiếp tế cho nhóm của mình ở Ukraine.

Theo số liệu hiện có, chỉ có một đoàn tàu hàng chở khoảng 55 chiếc ô tô đi qua cầu Crimea kể từ cuối tháng 2/2024.

Không có chuyến tàu chở hàng quân sự nào chạy qua tuyến đường sắt trên cây cầu Kerch trong tháng 3 và tháng 4.

Do đó, có thể kết luận rằng, Moscow đã chuyển sang sử dụng các tuyến đường bộ để tiếp tế cho quân đội của mình.

Giám đốc điều hành Malfor, Artem Starosiek, nói rằng, việc quân đội Nga quyết định ngừng sử dụng cầu Crimea để tiếp tế tiền tuyến diễn ra cùng lúc lưu lượng vận tải đường sắt qua thành phố Taman ở tỉnh Rostov của Nga tăng vọt.

"Kiev nên tập trung vào các thành phố Melitopol, Berdyansk và Mariupol, nơi Moscow đã triển khai những tuyến đường sắt mới để kết nối các vùng mới sáp nhập với Nga và Crimea. Đây nhiều khả năng là tuyến vận tải được dùng cho cuộc phản công lớn có thể diễn ra trong mùa hè năm nay", ông Starosiek cho hay.

“Tuyên bố của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky rằng, đạn pháo và thiết bị quân sự được quân đội Nga chuyển hàng ngày qua cầu Crimea là không đúng, điều đó có nghĩa là cầu Crimea không còn là mục tiêu quân sự của lực lượng vũ trang Ukraine.

Kiev cần tập trung vào tuyến đường sắt mới mà Nga đang xây dựng dọc bờ biển Azov, khiến hành lang đất liền tới Crimea sinh lời nhiều hơn”, ấn phẩm Anh lưu ý.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích quân sự nhận định, lời khuyên của Independent sẽ không được lắng nghe ở Kiev.

“Việc không có nhu cầu quân sự để tấn công cây cầu Crimea sẽ không ngăn được chính quyền Tổng thống Zelensky cố gắng phá hủy nó”, một nhà phân tích quân sự nói.

Cây cầu Crimea mà Nga khởi công xây dựng từ năm 2016 và hoàn thành vào năm 2018 luôn gây khó chịu cho Ukraine, nên kế hoạch phá hủy nó đã nhiều lần được Kiev lên tiếng.

Kể từ khi xung đột Ukraine bùng nổ vào năm 2022, nhiều quan chức và chỉ huy ở Ukraine đã đe dọa phá hủy cầu Crimea.

Nga cáo buộc lực lượng đặc nhiệm Ukraine tiến hành hai vụ đánh bom lớn vào cầu Crimea kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự vào năm 2022.

Cầu Crimea dài khoảng 19 km, là cầu dài nhất ở châu Âu và có tổng giá trị lên tới 3,7 tỷ USD. Cây cầu được xem là biểu tượng và mang tính chiến lược của nước Nga.

Theo Top war news

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ