Nước cho trường học: Vào rừng tìm nước (Kỳ 1)

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đến mùa khô, các trường học vùng cao, đặc biệt trường có học sinh bán trú lại vất vả đi tìm nước phục vụ ăn uống, sinh hoạt, vệ sinh.

Trường Tiểu học - THCS Trần Hưng Đạo xin nước từ nhà dân, UBND phường về trữ tại bể chứa. Ảnh: Dung Nguyễn
Trường Tiểu học - THCS Trần Hưng Đạo xin nước từ nhà dân, UBND phường về trữ tại bể chứa. Ảnh: Dung Nguyễn

Nhiều trường học cắt cử giáo viên lên tận đầu nguồn để khơi thông khe suối, xử lý đường ống dẫn nước về trường tích trữ. Có trường dù được hỗ trợ giếng khoan nhưng vẫn phải chắt chiu, tiết kiệm để chủ động nguồn nước.

Vừa dạy học vừa canh nước

Bước vào mùa nắng nóng cũng là lúc nhiều trường học đối diện với… cơn khát. Không chỉ trường vùng cao, mà cả trường ở trung tâm thành phố, thậm chí trường giữa vùng sông nước cũng thiếu nước sạch. Những ngày này, ngoài dạy, học, thầy trò còn có nhiệm vụ đi canh nước, xin nước. Chắt chiu từng giọt nước là câu nói nằm lòng của học sinh nơi đây.

Tại Trường PTDTBT Tiểu học Keng Đu 2 (xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), giáo viên, học sinh bán trú đang sử dụng hoàn toàn nước khe, suối “vì không còn nguồn nước nào khác”. Năm học này, trường có hơn 130 em bán trú, từ lớp 3 - 5 ở bản Huồi Tông, Quyết Thắng, Hạt Tà Vén và Khe Linh về điểm chính để học Chương trình GDPT 2018. Việc tổ chức bán trú cho học trò từ năm 2021 đến nay ổn định, nhưng vấn đề nước sinh hoạt vẫn là nỗi lo canh cánh của nhà trường.

Theo thầy Phan Đăng Vinh - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Keng Đu, ban đầu để phục vụ học sinh bán trú, nhà trường xin đặt ống dẫn nước từ 3 hộ dân ở cạnh trường. Nhưng các gia đình này cũng lấy nước từ khe suối, nên không thể chủ động. Sau đó, nhờ kêu gọi nhà hảo tâm ủng hộ, Trường PTDTBT Tiểu học Keng Đu có đường dẫn nước riêng từ khe suối trong rừng.

“Việc lấy nước từ khe suối phải… nhờ trời. Mùa mưa, nguồn nước dồi dào thì nguy cơ sạt lở, thay đổi dòng chảy. Chưa kể tác động từ ngoại cảnh như trâu bò dẫm hư hỏng đường ống. Những lần như vậy, nhà trường phải bỏ kinh phí đi xử lý, nối, thay thế các đoạn ống dẫn nước không còn sử dụng được. Vào mùa khô, nước chảy nhỏ, giáo viên phải thay phiên nhau trực canh nước dẫn vào bể”, thầy Phan Đăng Vinh nói.

Cũng theo thầy Vinh, xã Keng Đu có 4 trường học, gồm 1 trường THCS, 2 trường tiểu học và 1 trường mầm non. Năm vừa qua, một chương trình hỗ trợ giếng khoan cho trường học vùng biên giới được triển khai với sự phối hợp của chính quyền địa phương và đồn biên phòng. Kết quả, trong khi 3 trường học gần trung tâm xã lần lượt khoan giếng thành công, có nước, thì duy nhất Trường PTDTBT Tiểu học Keng Đu 2 không như mong đợi.

“Cõng” nước về trường

Năm nào cũng vậy, vào những tháng cao điểm mùa khô, thầy trò điểm trường làng Rắc, Trường Tiểu học – THCS xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy (Kon Tum) lại chật vật đi xin nước của dân về sử dụng. Thầy Hiệu trưởng Lê Xuân Quang cho biết, năm học 2023 - 2024 trường có 29 lớp/754 học sinh.

Nhằm đảm bảo nước cho học sinh sử dụng, vừa qua nhà trường kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ 2 giếng khoan tại điểm chính. Riêng điểm trường làng Rắc gồm 2 lớp với 58 học sinh có một giếng đào nhưng mùa khô là cạn trơ đáy. Do đó, giáo viên thay phiên nhau đến nhà dân xin nước rồi chở về phục vụ sinh hoạt.

“Nhà dân cách điểm trường hơn 100m, nguồn kinh phí của đơn vị hạn chế nên không thể đầu tư đường ống dẫn nước về. Do đó, tạm thời mỗi tuần 2 - 3 lần, giáo viên mang can đi chở nước về sử dụng. Đơn vị cũng báo cáo, đề xuất lên UBND xã Ya Xiêr, phòng GD&ĐT để có phương án đảm bảo nguồn nước cho thầy trò dùng trong những năm học tới”, thầy Quang tâm sự.

Tương tự, Trường Tiểu học - THCS Trần Hưng Đạo (TP Kon Tum, Kon Tum) những ngày qua phải xin nước của nhà thờ để học sinh sử dụng. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hoàn cho hay, trường có 2 điểm với hơn 1 nghìn học sinh. Cứ vào mùa khô, nhà trường lại rơi vào cảnh thiếu nước, đặc biệt 2 năm gần đây tình trạng này diễn ra nặng nề hơn.

Không thể đào hay khoan giếng, điểm trường thôn Đức Hưng sử dụng nguồn nước cộng đồng của làng. Ảnh: Dung Nguyễn.

Không thể đào hay khoan giếng, điểm trường thôn Đức Hưng sử dụng nguồn nước cộng đồng của làng. Ảnh: Dung Nguyễn.

Tại điểm THCS có 2 giếng khoan, 1 giếng đào, tuy nhiên hiện cả 3 đều cạn nước, nhà trường phải xin nước giếng của 1 nhà thờ ở gần đó cho học sinh dùng. Song đường ống dài 500m sử dụng lâu ngày đã hư hỏng nhiều đoạn. Do không có kinh phí thay đường ống dẫn nước mới nên hư ở đâu trường “vá” ở đó. Nhà trường cũng phân công người đi bơm nước liên tục để đảm bảo đủ nước cho giáo viên, học sinh sử dụng.

Còn ở điểm trường tiểu học có 1 giếng đào, cung cấp nước sinh hoạt cho giáo viên và 427 học sinh. Dù vậy, nhà trường chỉ bơm khoảng 5 phút thì giếng đã cạn nước. Hằng ngày giáo viên phải kéo ống đi xin nước của những hộ dân lân cận, bơm về bể chứa dự trữ. Song do khô hạn chung, nên giếng của người dân cũng còn rất ít nước.

Dù được UBND phường Trần Hưng Đạo hỗ trợ 4m3 nước/tuần, thế nhưng vẫn không đủ. Thiếu nước nên giáo viên thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn học sinh sử dụng tiết kiệm. Nhà trường có 3 khu vệ sinh phải đóng cửa 1 khu nhằm giảm bớt lượng nước tiêu thụ, cây cối không dám tưới.

“Những năm trước, bên cạnh việc nạo vét giếng, xin nước dân, nhà trường phải mua thêm 9m3 nước/tuần, với giá khoảng 100.000 đồng/m3 mới đủ cho điểm tiểu học sử dụng. Năm nay, nếu tình trạng nắng nóng kéo dài như hiện tại, nhà trường tiếp tục phải mua, nhưng nguồn kinh phí của đơn vị hạn chế nên rất khó khăn”, cô Hoàn nói.

Trường Tiểu học - THCS Trần Hưng Đạo đã làm tờ trình gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn xin cấp nước sử dụng cho học sinh điểm tiểu học. Dự kiến khoảng 70m3/tháng. Nếu được hỗ trợ về lâu về dài, giáo viên, học sinh sẽ được đảm bảo nguồn nước sử dụng mùa khô hạn.

Giáo viên điểm trường làng Rắc, Trường Tiểu học - THCS xã Ya Xiêr tranh thủ chở từng bình nước về cho học sinh sử dụng. Ảnh: Dung Nguyễn.

Giáo viên điểm trường làng Rắc, Trường Tiểu học - THCS xã Ya Xiêr tranh thủ chở từng bình nước về cho học sinh sử dụng. Ảnh: Dung Nguyễn.

Trường PTDTBT Tiểu học Keng Đu 2 (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) mua ống nhựa để dẫn nước từ khe suối trên rừng về trường. Ảnh: NTCC

Trường PTDTBT Tiểu học Keng Đu 2 (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) mua ống nhựa để dẫn nước từ khe suối trên rừng về trường. Ảnh: NTCC

Chắt chiu từng giọt

Không có giếng nên nhiều năm qua, điểm trường thôn Đức Hưng - Trường Tiểu học Cù Chính Lan (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, Gia Lai) sử dụng nguồn nước dùng chung của làng. Tuy nhiên, từ sau Tết đến nay, nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng nước tăng cao nên nguồn nước chung cạn dần.

Thầy Tạ Quang Diệu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cù Chính Lan cho hay: “Không đủ nước sử dụng nên nhà trường phải đóng cửa nhà vệ sinh tự hoại chuyển qua dùng khu vệ sinh cũ. Giáo viên và học sinh chắt chiu từng giọt nước để đảm bảo sinh hoạt. Vào ngày cao điểm, nếu thiếu nước sinh hoạt nhà trường sẽ mua nước bình cho học sinh sử dụng”.

Cũng theo thầy Diệu, điểm trường thôn Đức Hưng có 2 lớp với 38 học sinh. Nơi đây chủ yếu đất pha cát nên không thể khoan giếng. Do đó, những năm qua, nhà trường sử dụng nguồn nước dùng chung do Công ty TNHH MTV 72 (Binh đoàn 15 - Bộ Quốc phòng) hỗ trợ và mua nước bình để uống.

Vào mùa khô, nước khe suối cạn, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Keng Đu 2 phải vào rừng kiểm tra, lắp đặt lại đường ống nước. Ảnh: NTCC

Vào mùa khô, nước khe suối cạn, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Keng Đu 2 phải vào rừng kiểm tra, lắp đặt lại đường ống nước. Ảnh: NTCC

Tìm được khe suối có đủ nước vào mùa khô là niềm vui của thầy cô trường vùng cao Nghệ An. Ảnh: NTCC.

Tìm được khe suối có đủ nước vào mùa khô là niềm vui của thầy cô trường vùng cao Nghệ An. Ảnh: NTCC.

Theo kế hoạch, năm học 2024 - 2025, nhà trường sẽ sáp nhập điểm trường thôn Đức Hưng, chuyển toàn bộ học sinh về trường chính học tập. “Khi về trường chính, các em được học tập trong môi trường giáo dục đầy đủ hơn. Đặc biệt đảm bảo nguồn nước sạch sử dụng vào mùa khô hạn”, thầy Diệu nói.

Trường PTDTBT THCS Mường Lống, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) có gần 200 học sinh ăn ở, sinh hoạt tập trung tại trường từ thứ 2 đến thứ 6. Mường Lống là xã có 100% bà con người Mông, sinh sống ở các bản làng cao trên 1.500m so với mực nước biển. Do địa hình đặc thù nên tình trạng hạn hán, thiếu nước diễn ra thường xuyên vào mùa khô.

Đối với trường bán trú, việc đảm bảo nước sinh hoạt cho học sinh càng vất vả. Thầy Lô Khăm Phu - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Mường Lống nhớ lại, những năm trước đây, nguồn nước duy nhất của trường lấy từ khe suối trong hang, cách xa nửa cây số.

Nhưng không chỉ trường học, mà bà con dân bản cũng bắt đường ống để dẫn nước về sử dụng sinh hoạt. Nước khe suối phụ thuộc vào thời tiết, thông thường chỉ đủ sử dụng từ đầu năm học đến Tết Nguyên đán. Còn từ khi bắt đầu mùa khô hạn, nhà trường phải huy động học sinh bán trú mang theo can nhựa 10 - 20 lít đi tìm nước, cõng về trường sử dụng.

“Thời gian đó, nhà trường và học sinh bán trú khá vất vả, “khát khao” nước sạch. Đến tháng 4/2023, một đơn vị thiện nguyện kết nối với chính quyền địa phương đã hỗ trợ nhà trường khoan giếng. Sau khi khoan xuống gần 80m thì chạm mạch nước ngầm. Từ khi có giếng khoan, đã giải quyết được nhu cầu cấp thiết nguồn nước vào mùa khô cho nhà trường và học sinh bán trú”, thầy Lô Khăm Phu cho hay.

Theo Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Mường Lống, đối với nước giếng khoan, nhà trường phải cử giáo viên trực bơm thường xuyên vào các bể chứa để tích trữ. Đồng thời tiếp tục duy trì đường ống dẫn nước từ khe suối để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho học sinh bán trú. Vì nước khan hiếm, quý giá nên thầy trò đều phải sử dụng chắt chiu, không lãng phí.

“Bên thi công khoan tới mũi thứ 3, nhưng sau nhiều nỗ lực vẫn không thành. Do địa chất, mũi khoan gặp đá sỏi, không thể khoan xuống sâu tìm nước. Vì thế cho đến giờ, giáo viên và học sinh nhà trường vẫn phải tìm mọi cách dẫn nước khe suối về để sử dụng, chứ chưa nghĩ đến vấn đề sạch hay đảm bảo vệ sinh”, thầy Phan Đăng Vinh - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Keng Đu chia sẻ.


Bài 2: Băn khoăn chất lượng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ