Theo số liệu của Bloomberg Economics, vào tháng 4 năm nay, kho bạc Nga đã được bổ sung 1.053 nghìn tỷ rúp (tương đương khoảng 11,5 tỷ USD) từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, gấp đôi số liệu doanh thu cùng kỳ năm ngoái.
Theo giới phân tích, đó mới chỉ là doanh thu công khai rõ ràng, còn số tiền thực tế Điện Kremlin thu về cả từ các “Hạm đội bóng tối” (hàng nghìn tàu chở dầu bí mật của Nga hoặc làm trung gian chở dầu cho Moscow) là bao nhiêu thì không thể xác định chính xác được.
Trong khi đó, vào cùng kỳ năm ngoái, Liên bang Nga chỉ thu về được khoảng 497 tỷ rúp từ việc bán tài nguyên năng lượng, con số này chỉ bằng 90% doanh thu của tháng 4 năm nay.
Bloomberg chỉ ra rằng, một trong những lý do dẫn đến mức thu nhập cao như vậy từ xuất khẩu dầu khí là do giá vàng đen trong thời gian qua đã tăng lên gần gấp rưỡi so với thời điểm 1 năm về trước.
Số liệu chính thức về thuế nhà nước trong lĩnh vực bán dầu trong giai đoạn hiện nay được tính dựa trên giá dầu Urals là 70,34 USD/thùng, trong khi đó vào tháng 4 năm ngoái, giá dầu giảm sâu xuống mức 48,67 USD, do khi đó phương Tây mới áp đặt mức giá trần đối với xuất khẩu dầu của Nga.
Ngoài ra, sự tăng trưởng doanh thu từ việc bán hydrocarbon ở một mức độ nào đó được tạo điều kiện thuận lợi từ việc đồng rúp suy yếu. Vào tháng 4 năm nay, các khoản khấu trừ thuế dựa trên tỷ lệ 91,69 rúp mỗi dollars, trong khi một năm trước, đồng tiền của Mỹ đắt hơn 20,5% so với đồng rúp.
Các chuyên gia của tạp chí tài chính kinh tế Mỹ Bloomberg Economics tính toán rằng, với doanh thu như vậy, đến cuối năm nay Moscow sẽ nhận được 126 tỷ USD doanh thu từ việc bán dầu khí ra nước ngoài. Thậm chí là con số này còn cao hơn một chút so với dự báo của chính phủ Nga.
Trong khi đó, các nhà phân tích tin rằng, mức “hòa vốn trong chi tiêu quân sự” (doanh thu đủ bù đắp cho chi phí chiến tranh) của Nga có thể đạt được với mức giá một thùng dầu Brent là 95 USD, trong khi với giá dầu ở mức 70 USD/thùng tình hình tài chính của Nga sẽ vẫn tương đối ổn định.
Theo giới phân tích, nguồn thu ngoại tệ không bị giảm sút, nền kinh tế luôn trong tình trạng ổn định là nguyên nhân chính giúp Nga vững tâm tiếp tục đầu tư mạnh vào mở rộng quy mô sản xuất của ngành công nghiệp quốc phòng, thậm chí còn vượt trội so với cả thế giới phương Tây cộng lại.
Như vậy, nếu tình hình giá dầu thế giới vẫn ở mức từ 70 USD/thùng trở lên, Tổng thống Putin vẫn có đủ khả năng duy trì cuộc chiến ở Ukraine đến khi nước Nga đạt mục tiêu.
Do đó, phương Tây không nên hy vọng các đòn trừng phạt kinh tế đối với Nga và nguồn cung vũ khí cho Lực lượng Vũ trang Ukraine sẽ giúp Kiev có thể đánh bại được Moscow.