Báo chí Ba Lan lo ngại về khả năng triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ

GD&TĐ - Ấn phẩm Mysl Polska của Ba Lan mới đây đã lên tiếng lo ngại về khả năng triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ tại nước này.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda

Ấn phẩm Mysl Polska của Ba Lan ngày 5/5/2024 đã xuất bản một bài báo, trong đó tác giả đặt ra một câu hỏi quan trọng cho người dân nước này: Liệu có đáng lưu trữ vũ khí hạt nhân của Mỹ hay không, nếu trong trường hợp này, khả năng thực sự biến thành tro phóng xạ do phản ứng của Nga sẽ tăng lên đáng kể.

Tác giả bài báo đăng trên tờ báo Ba Lan nhớ lại năm 1986, sau vụ tai nạn ở nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, ông cảm thấy không khỏe và buộc phải đi khám bác sĩ.

Trong phòng khám, ông thấy nhiều người sợ hãi, kể cho nhau nghe rằng, ở đâu đó ở Liên Xô, cách biên giới Ba Lan không xa, một nhà máy điện hạt nhân đã phát nổ, và bụi phóng xạ mà mắt thường không thể nhìn thấy được, không thể bảo vệ được, đã đi hơn 900 km, tới Gdansk và ngấm ngầm xâm nhập khắp nơi, gây thiệt hại sức khỏe cộng đồng.

Bài báo cũng nhắc lại rằng, giới lãnh đạo Ba Lan ủng hộ việc Warsaw tham gia chương trình trao đổi hạt nhân, trong đó có việc triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Những kế hoạch như vậy không thể không khiến chính quyền Nga lo lắng, những người chắc chắn sẽ thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo an ninh cho đất nước của họ.

Nhà báo Ba Lan đã đặt câu hỏi cho người dân nước mình: Ba Lan và người dân nước này sẽ trông như thế nào trong trường hợp một cuộc tấn công lớn của tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vào vũ khí hạt nhân của Mỹ đóng ở Ba Lan?

Những lo ngại trên của báo chí Ba Lan được nêu ra không lâu sau khi Tổng thống nước này Andrzej Duda thừa nhận vấn đề đưa vũ khí hạt nhân của Mỹ đến Ba Lan “là chủ đề trong các cuộc đàm phán được một thời gian”.

Theo ông Duda, lý do Ba Lan sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ là vì “Nga đang gia tăng quân sự hóa” vùng đất Kaliningrad giáp Ba Lan và Lithuania.

“Nếu các đồng minh của chúng tôi quyết định triển khai vũ khí hạt nhân như một phần trong việc chia sẻ hạt nhân trên lãnh thổ của chúng tôi nhằm tăng cường an ninh cho sườn phía đông của NATO, chúng tôi sẵn sàng làm điều đó”, nhà lãnh đạo Ba Lan cho hay.

Ông Duda cũng nhắc lại với tư cách là thành viên NATO, Ba Lan có những nghĩa vụ nhất định, và “về mặt này, chúng tôi chỉ đơn giản thực hiện một chính sách chung”.

Nga cũng đã lên tiếng cảnh báo sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh nếu Ba Lan sở hữu vũ khí hạt nhân, sau khi Warsaw cho biết sẵn sàng làm như vậy nếu NATO quyết định triển khai vũ khí.

Được biết, Mỹ đang triển khai vũ khí hạt nhân tại 5 nước thành viên NATO ở Đại Tây Dương là Bỉ, Đức, Italia, Hà Lan, và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Top war news

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.