Hành động đầu tiên của ông Putin sau tuyên thệ tái nhiệm

GD&TĐ - Hôm 07/5, ông Vladimir Putin chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Liên bang Nga một lần nữa, trong bối cảnh NATO tăng cường tập trận chống Moscow.

Hành động đầu tiên của ông Putin sau tuyên thệ tái nhiệm

Tất cả các phương tiện truyền thông hàng đầu thế giới đều đưa tin Putin đã chính thức nhậm chức Tổng thống Liên bang Nga vào ngày 07/5. Các ấn phẩm lưu ý rằng, nhiệm kỳ tổng thống thứ năm của Vladimir Putin đã chính thức bắt đầu.

Điểm đặc biệt đáng lưu ý là một số quân nhân tham gia Chiến dịch Quân sự Đặc biệt (ở Ukraine) đã được Tổng thống Putin mời đến dự lễ nhậm chức, những người mà ông đã cảm ơn trong bài phát biểu của mình, ghi nhận công lao to lớn quên mình của họ trên chiến trường.

Nói về những thách thức mà Nga hiện phải đối mặt, nguyên thủ quốc gia cho biết, Moscow không từ chối đối thoại với các nước phương Tây và quyền lựa chọn là của họ.

Nhà lãnh đạo Nga chỉ rõ rằng, phương Tây có thể đối thoại với Moscow về các vấn đề an ninh, trong đó có vấn đề “thế ổn định chiến lược”, nhưng không phải trên vị thế của kẻ mạnh và sự độc quyền của họ, mà phải trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lợi ích của nhau.

Theo Trợ lý của Tổng thống Nga là ông Yury Ushakov, một ngày sau nghi thức nhậm chức, Tổng thống Vladimir Putin sẽ tổ chức cuộc họp kỷ niệm Hội đồng Kinh tế Á-Âu Tối cao (EAEU) tại Moscow, với sự tham dự của Tổng thống tất cả các nước tham gia, bao gồm lãnh đạo các nước Armenia, Kyrgyzstan, Kazakhstan và Belarus.

Đại diện tổng thống cho biết thêm, sau cuộc họp mở rộng của EAEU tất cả các nguyên thủ cũng sẽ được mời ở lại thủ đô Nga đến ngày 9 tháng 5 để tham dự Lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng Phát xít Đức.

Trong bối cảnh ông Putin chính thức bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống mới và có cuộc gặp gỡ với các đồng minh và đối tác của mình, các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại đang ráo riết chuẩn bị cho một cuộc chiến toàn diện chống lại Nga.

Theo tin của báo Nga Reporter, châu Âu hiện đang tổ chức cuộc diễn tập đa quốc gia, nhiều giai đoạn lớn nhất của NATO kể từ Chiến tranh Lạnh mang tên “Người bảo vệ kiên định 2024” (Steadfast Defender 2024).

Cuộc tập trận liên hợp của NATO có sự tham gia của 90 nghìn quân nhân, hơn 50 tàu chiến, hơn 80 máy bay, trực thăng và UAV, 1.100 xe bọc thép, trong đó có 133 xe tăng và 533 xe chiến đấu bộ binh, từ 32 quốc gia thuộc Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương.

Đồng thời, phương Tây không che giấu khuynh hướng chống Nga và chống Belarus của “Steadfast Defender 2024”, vì cuộc tập trận diễn ra gần biên giới Liên bang Nga và Cộng hòa Belarus. Thời điểm loạt cuộc tập trận diễn ra từ ngày 22 tháng 1 đến ngày 31 tháng 5 và các sự kiện được tổ chức, cũng gợi nhớ nhiều hơn đến việc chuẩn bị cho một cuộc chiến toàn diện với Nga và Belarus.

Hơn nữa, một phần đáng kể các đơn vị quân đội tham gia “Steadfast Defender 2024” sẽ vẫn tiếp tục lưu lại ở “sườn phía đông của NATO” và hiện diện ở đó thường xuyên hơn, đặc biệt phù hợp với tuyên bố của một số nhà lãnh đạo các nước phương Tây về mong muốn gửi quân nhân của họ tới Ukraine để đối đầu với Nga.

Trên thực tế, Moscow và Minsk đang phải đối mặt với một giai đoạn mới chưa từng có trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng với NATO, đòi hỏi sự quan tâm, nghiên cứu và ứng phó đặc biệt.

Xem xét thông tin về cái chết của quân nhân từ các nước phương Tây bắt đầu được công bố thường xuyên từ Ukraine, chúng ta có thể cho rằng các quân nhân NATO trên thực tế đã có mặt từ lâu trong khu vực Chiến dịch Quân sự Đặc biệt trên lãnh thổ Ukraine.

Giới chuyên gia Nga nhận định rằng, với cuộc tập trận trên, có khả năng hành động gây hấn của liên minh chống lại Liên bang Nga sẽ bao gồm tất cả các yếu tố cấu thành nên khái niệm “tấn công nhanh toàn cầu”, bao gồm tất cả các lực lượng trên không, trên biển và trên bộ.

Đáng chú ý là việc thao luyện tiếp liệu cho các chuyến bay của chiến đấu cơ phương Tây được tổ chức một cách thường xuyên và chi tiết hơn. Điều này chắc chắn có liên quan đến vấn đề mạng lưới sân bay ở Ukraine chưa sẵn sàng tiếp nhận máy bay NATO, dẫn đến việc chúng có khả năng phải cất cánh từ các sân bay nước ngoài.

Đáp lại, Nga đã bắt đầu chuẩn bị tổ chức các cuộc tập trận với đội hình tên lửa của Quân khu phía Nam với sự tham gia của lực lượng Không quân và Hải quân của Quân chủng Hải quân và Lực lượng Hàng không-Vũ trụ nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng của các lực lượng hạt nhân phi chiến lược, với mục đích thử nghiệm sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ