Hội nghị này sẽ tập trung vào một loạt vấn đề cấp bách liên quan đến Syria và cuộc xung đột Palestine-Israel.
Ngoài ra, ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của hội nghị trên sẽ là giải quyết các cuộc khủng hoảng ở Libya, Sudan và Yemen, cũng như tăng cường quan hệ kinh tế và phối hợp các nỗ lực chống khủng bố.
Việc Syria trở lại Liên đoàn Ả rập gần như chắc chắn sẽ trở thành chủ đề ưu tiên của hội nghị thượng đỉnh với sự tham dự của Tổng thống Syria Bashar Assad lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ.
Liên đoàn Ả rập đã đình chỉ Damascus vào tháng 11/2011 do cuộc nội chiến ở Syria, nhưng đầu tháng này, họ đã chào đón nước này trở lại.
Truyền thông Syria đưa tin Tổng thống Assad sẽ gặp “một số nhà lãnh đạo trong các cuộc gặp song phương” tại hội nghị thượng đỉnh Jeddah.
Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả rập lần thứ 32. |
Những người tham gia dự kiến cũng sẽ ưu tiên thảo luận về sự leo thang mới nhất ở Gaza, nơi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã phát động Chiến dịch Lá chắn và Mũi tên vào ngày 9/5.
Các đơn vị IDF đã tấn công các vị trí của nhóm cực đoan Jihad Hồi giáo để đáp trả các cuộc pháo kích lớn trước đó vào Israel. Ngày 13/5, Israel và các phe Palestine có trụ sở tại Gaza đã đồng ý ngừng bắn trong một quyết định do Cairo làm trung gian.
Ngay sau đó, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry nói rằng "hành động gây hấn" đang diễn ra của Israel đối với người Palestine đe dọa an ninh khu vực. Trong khi đó người đồng cấp Jordan Ayman al-Safadi kêu gọi nối lại "các cuộc đàm phán nghiêm túc và toàn diện" liên quan đến Palestine.
Ngoài ra, Hội nghị thượng đỉnh Jeddah sẽ thảo luận về các cách giải quyết bế tắc ở Sudan, nơi có hơn 600 người chết và 5.000 người khác bị thương trong các cuộc đụng độ giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF).
Điều quan trọng là hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập năm 2023 diễn ra trong bối cảnh Ả Rập Xê út và Iran bình thường hóa quan hệ. Hai nước này đã đồng ý khôi phục quan hệ vào ngày 10/3. Đây là điều mà các chuyên gia cho rằng đã góp phần đáng kể vào việc Syria quay trở lại thể chế liên Ả Rập.
Hiện tại, Liên đoàn Ả Rập bao gồm 22 quốc gia thành viên, bao gồm Algeria, Bahrain, Comoros, Djibouti, Ai Cập, Iraq, Jordan, Kuwait, Lebanon, Libya, Mauritania, Maroc, Oman, Palestine, Qatar, Saudi Arabia, Somalia, Sudan, Syria, Tunisia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Yemen.