Theo các chuyên gia, xét nghiệm D-dimer thời điểm hiện tại không có ý nghĩa gì để đánh giá tác dụng gây huyết khối và giảm tiểu cầu ở người đã tiêm vắc-xin. Việc “đổ xô” đi xét nghiệm D-dimer hay các chỉ số đông máu khác là vừa tốn thời gian, vừa tốn tiền vô ích.
Không cần thiết xét nghiệm
AstraZeneca thừa nhận vắc-xin Covid-19 có thể gây cục máu đông. Theo công bố dữ liệu an toàn của nhà sản xuất, hội chứng huyết khối kèm giảm tiểu cầu nghiêm trọng và rất hiếm gặp đã ghi nhận ở một số trường hợp sau khi lưu hành.
Các trường hợp này gồm huyết khối tĩnh mạch, kể cả huyết khối xoang tĩnh mạch não, huyết khối tĩnh mạch tạng, cũng như huyết khối động mạch. Đồng thời, cũng đã khuyến cáo thận trọng khi sử dụng vắc-xin và nếu sau tiêm chủng có xuất hiện cục máu đông thì sẽ không chỉ định tiêm chủng cho những lần tiếp theo.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đây là tác dụng phụ mà Việt Nam khi tổ chức tiêm vắc-xin Covid-19 của Astra Zeneca cũng đã được cảnh báo.
Theo ông Khuê, đông máu cũng là tác dụng phụ Việt Nam đã cảnh báo đến người dân khi tổ chức tiêm vắc-xin Covid-19. Bộ Y tế đã xây dựng quy trình tiêm chủng chặt chẽ. Người dân phải đo huyết áp, khám sàng lọc cũng như theo dõi chặt chẽ trước, trong, sau tiêm.
PGS Khuê cho biết, hầu hết mọi người đã tiêm vắc-xin Covid-19 AstraZeneca được vài năm (giai đoạn 2021 - 2022) nên không cần quá lo ngại bị tác dụng phụ dẫn đến đông máu. Bộ Y tế cũng khuyến cáo cảnh giác, theo dõi, phát hiện sớm và xử trí kịp thời những biến cố đông máu hiếm gặp ở người sau tiêm, như cần nhập viện khi nhức đầu dữ dội; đau bụng, đau lưng; buồn nôn và nôn; thay đổi thị lực..
Thực tế, những ngày vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện một số quảng cáo kêu gọi người dân đi xét nghiệm máu D-dimer để phát hiện xem có bị hình thành cục máu đông không.
Hình ảnh một người nhận là bác sĩ, đăng lên trang cá nhân với nội dung: “Hoang mang vì đã tiêm vắc-xin AstraZeneca? Hãy đi xét nghiệm D-Dimer để xem có bị hình thành cục máu đông hay không. Nếu có thì uống thuốc tan cục máu. Vậy thôi. Không phải chỉ người tiêm
vắc-xin mà những người từng nhiễm Covid-19 đều có khả năng bị cục máu đông. Đến phòng khám, bác sĩ sẽ chỉ định cho xét nghiệm D-Dimer tìm tình trạng có cục máu đông”.
Ngay khi thông tin này được đăng tải, nhiều chuyên gia cho rằng, việc thực hiện một xét nghiệm khi không có biểu hiện lâm sàng là điều không cần thiết. Thậm chí, thông tin này còn khiến người dân hoang mang, đổ xô đi xét nghiệm gây tốn kém.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga đã chỉ ra lý do vì sao người dân không cần xét nghiệm D-dimer hay bất xứ xét nghiệm đông máu nào. “Mũi tiêm vắc-xin của bạn gần nhất cách đây có lẽ cũng 2 năm rồi. Nếu không có biến cố về cục máu đông nào ngay lúc đó, thì bây giờ cũng không còn bất cứ dấu hiệu nào của cục máu đông nào nữa”, bác sĩ Hoàng cho biết.
Theo bác sĩ Hoàng, xét nghiệm D-dimer thời điểm hiện tại không có ý nghĩa gì để đánh giá tác dụng gây huyết khối và giảm tiểu cầu ở người đã tiêm vắc-xin. Việc đổ xô đi xét nghiệm D-dimer hay các chỉ số đông máu khác, là vừa tốn thời gian, vừa tốn tiền vô ích.
Kết quả dương tính giả cao
Vắc-xin AstraZeneca do Trường Đại học Oxford của Anh nghiên cứu và phát triển từ tháng 4/2020 với các thử nghiệm lâm sàng tại Anh, Brazil, Nam Phi trên người tình nguyện khỏe mạnh và sau đó mở rộng trên nhân viên y tế là những người có nguy cơ phơi nhiễm với CoV trên 18 tuổi. Vắc-xin AstraZeneca sử dụng vector virus (hay còn gọi là virus trung gian) để tạo ra miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2.
Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South Wales (Australia), thông tin về mối liên quan giữa vắc-xin AstraZeneca (Vaxzevria) và chứng đông máu không phải là mới. Năm ngoái, y văn đã đề cập đến mối liên quan này. Theo thông tin từ Cục Quản lí dược phẩm của Australia, cứ 100.000 người tiêm vắc-xin
AstraZeneca thì có 2 - 3 người bị chứng đông máu. Thường, chứng đông máu phát sinh trong 4 - 42 ngày sau khi tiêm phòng. Một thực tế khác là xác suất mà một người nhiễm SARS-Cov-2 (chưa tiêm vắc-xin) mắc chứng đông máu cao gấp 10 lần so với xác suất đông máu ở những người tiêm vắc-xin AstraZeneca.
“Nói cách khác, nguy cơ đông máu rất hiếm và nó xảy ra trong vòng 1,5 tháng sau khi chích. Nó liên quan đến Covid-19 hơn là liên quan đến vắc-xin. Xét nghiệm D-dimer là một xét nghiệm từ máu với mục tiêu là phát hiện chứng đông máu. Cơ chế của xét nghiệm
D-dimer là đo lường nồng độ protein có tên là D-dimer trong cơ thể. D-dimer là protein có chức năng làm tan cục đông máu. Một kết quả xét nghiệm dương tính có nghĩa là nồng độ D-dimer cao hơn bình thường. Một kết quả dương tính không có nghĩa là cá nhân đó bị chứng đông máu, bởi vì không có một xét nghiệm y khoa nào là chính xác tuyệt đối cả”, chuyên gia này giải thích.
GS Tuấn dẫn chứng, theo nhiều nghiên cứu trước đây, xét nghiệm D-dimer có độ nhạy khá cao (~95%), nhưng độ đặc hiệu thấp (có khi chỉ ~40%), tuỳ vào quần thể nghiên cứu. Nếu độ đặc hiệu là 40%, thì điều này có nghĩa là cứ 100 người có kết quả dương tính thì 60 người không bị đông máu (tức dương tính giả).
Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Việt Nam đã đặt mua 30 triệu liều vắc-xin của AstraZeneca, kèm theo các đợt viện trợ. Đến giữa năm 2023, nước ta tiêm hơn 266,5 triệu liều. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao nhất thế giới. Vắc-xin Covid-19 có hiệu quả trong phòng bệnh và các biến chứng do nCoV gây ra, giảm tỷ lệ mắc bệnh nặng và tử vong.
Các nghiên cứu độc lập cho thấy, vắc-xin AstraZeneca rất hiệu quả trong việc chống lại đại dịch, cứu sống hơn 6 triệu người trên toàn thế giới trong năm đầu tiên của việc triển khai. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố vắc-xin an toàn và hiệu quả cho tất cả các cá nhân từ 18 tuổi trở lên và tác dụng phụ (liên quan vụ kiện) là “rất hiếm hoi”.