Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi PGS.TS Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) xoay quanh biện pháp phòng, chống bạo lực học đường.
Bị mạng xã hội chi phối
- Ông có đánh giá như thế nào thực trạng BLHĐ ở Việt Nam?
Để đánh giá hiệu quả của chính sách mang tính quốc gia đối với vấn nạn bạo lực học đường thì phải xem xét trên những số liệu về tình trạng này trước và sau khi áp dụng các giải pháp, chính sách.
Sau khi áp dụng giải pháp chính sách thì yếu tố nào thực sự được kiểm soát, các chỉ số nào giảm? Ví dụ như số lượng, tính chất nghiêm trọng của các vụ việc?...
Ở nước ta, từ trước đến nay, phải thẳng thắn nhìn nhận việc đánh giá tình trạng bạo lực học đường mới chỉ qua số liệu của một số bộ ngành, dựa trên báo cáo từ cấp dưới, hoặc các vụ việc mà truyền thông, mạng xã hội nêu.
Điều đó chưa phản ánh đúng thực tế của tình trạng bạo lực học đường. Số vụ bạo lực học đường, tính chất nghiêm trọng có thể nhiều hơn hoặc ít hơn những gì mà dư luận hình dung qua các thông tin trên truyền thông và mạng xã hội.
Vì vậy, chúng ta cũng không thể chắc chắn được là tình trạng bạo lực học đường hiện nay tồi tệ hơn hay tốt hơn trước đây 5 năm. Cộng đồng có thể cảm nhận bạo lực học đường hiện nay nhiều hơn, nghiêm trọng hơn chỉ vì các vụ việc được truyền thông đưa tin liên tục, một vụ việc được nhiều đơn vị đưa tin, đưa tin nhiều kỳ, nhắc lại nhiều lần, dẫn đến số lượng kết quả tìm kiếm trên mạng về các vụ bạo lực học đường tăng lên đáng kể.
Có thể nói chúng ta chưa định kỳ khảo sát về bạo lực học đường cũng như chưa có một cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia đầy đủ, nhất quán và khoa học về vấn nạn này.
- Ông có thể nói rõ hơn về khía cạnh bạo lực học đường có thể bị thổi lên qua mạng xã hội?
Trước đây, khi chưa có sự bùng nổ của mạng xã hội, của thông tin số, có thể nhiều vụ việc bạo lực học đường dư luận không biết đến, được nhìn nhận là “điều bình thường” nên không được phản ánh rộng khắp.
Còn hiện nay, khi người dân ý thức hơn về quyền trẻ em, quan tâm hơn đến kỷ luật tích cực, họ phản ứng mạnh mẽ hơn về những sự việc bị phát hiện, đưa lên truyền thông, mạng xã hội... Khi nhiều sự việc bạo hành trở thành tâm điểm gây chú ý dư luận, rất nhiều bình luận viên công chúng có thể đưa ra quan điểm cá nhân trên các trang mạng xã hội, khiến cộng đồng hoang mang và nghĩ rằng có thể còn có nhiều vụ việc hơn nữa.
Và một khi các vụ việc bạo lực học đường trở thành “món ăn” thông tin gây sự chú ý của nhiều người, sẽ có nhiều bài viết, thông tin không chính xác, hoặc được chế biến theo hướng bạo lực học đường để thỏa mãn niềm tin tiêu cực và nỗi sợ hãi của cộng đồng.
Rồi khi niềm tin của cộng đồng về nhà trường, GV trở nên tiêu cực, nhiều hành động giữa GV với HS, HS với HS có thể được diễn giải dưới góc độ bạo lực.
Ví dụ, ảnh chụp một cái đập vai thân thiện giữa hai HS có thể trở thành minh chứng của một vụ đánh nhau; hình ảnh cô giáo cầm thước để chỉ bài giảng có thể sẽ được diễn giải là GV đe dọa HS…
|
Ngành Giáo dục không thể “đơn độc”
- Theo ông, phải làm thế nào để có thể nhìn nhận chính xác mức độ của tình trạng bạo lực học đường ở Việt Nam?
Cần phải có những nghiên cứu và đánh giá thường xuyên về mức độ và tình trạng của bạo lực học đường. Cũng cần phải có một hệ thống khảo sát định kỳ các chỉ báo liên quan đến bạo lực học đường sau khi áp dụng một biện pháp, chính sách phòng chống bạo lực học đường. Từ đó mới có thể đánh giá tác dụng, hiệu quả của chính sách.
Tuy nhiên, bạo lực học đường đang diễn ra rất phức tạp dưới ảnh hưởng của mạng xã hội. Bạo lực học đường không đơn giản chỉ là đếm số vụ việc xuất hiện trên thực tế mà còn phải kể đến rất nhiều vụ việc bắt nạt trực tuyến nữa.
Cũng còn rất nhiều mầm mống bạo lực học đường là những xích mích nhỏ, có khả năng bùng phát thành những vụ việc nghiêm trọng chưa được quan tâm giải quyết. Thời gian gần đây chúng ta mới chỉ quan tâm, giải quyết bạo lực học đường ở các vụ việc đã xảy ra, xử lý hậu quả của BLHĐ, chứ chưa đẩy mạnh được phòng, chống.
- Thưa ông, ngành giáo dục liệu có “đơn độc” trong việc đưa ra các giải pháp, hành động phòng chống bạo lực học đường hay không, khi mà trách nhiệm đang được dư luận chỉ thẳng vào GV, nhà trường và quản lý các cấp?
Trách nhiệm phòng, chống bạo lực học đường trước hết là của nhà trường, của ngành GD. Có rất nhiều chương trình GD cần triển khai, nhằm hạn chế tình trạng bạo lực học đường.
Trong đó, GD kỹ năng, giá trị sống cho HS là nền tảng quan trọng để phòng, chống bạo lực học đường. Hay chương trình quản lý hành vi của HS dành cho GV; chương trình giúp GV tăng nhận thức về biểu hiện tổn thương sức khỏe tinh thần của HS, cũng góp phần sớm nhận ra những HS bị tổn thương, nhằm ngăn chặn bạo lực học đường.
Rồi phải có các chương trình đánh giá nguy cơ và sàng lọc toàn trường để phân loại xử lý bạo lực tiềm tàng. Những HS rơi vào các vụ việc bạo lực học đường nghiêm trọng thường là các em có vấn đề về tâm lý, do bị ức chế quá mức, không kiểm soát được cảm xúc, nếu được phát hiện sớm, được hỗ trợ, sẽ không dẫn đến những vụ việc bạo lực học đường.
Tuy nhiên, phòng chống, ngăn chặn bạo lực học đường không chỉ là trách nhiệm của ngành GD, một mình ngành GD không thể làm được. Cần phải có chương trình GD hành vi làm cha mẹ không bạo lực ở gia đình, đó là nền tảng rất quan trọng góp phần phòng chống bạo lực học đường.
Hoặc chương trình an toàn trong khu dân cư, phố (thôn, xóm), phường (xã)... thuộc sự quản lý của các cơ quan, ngành chức năng khác ngoài ngành GD, đó là những nền tảng không thể thiếu trong phòng chống bạo lực học đường.
- Xin cảm ơn ông!