Đây là chuyên ngành rất mới, “hot” nhất vì các môn học có tính hiện đại nhưng thiết thực với con đường lập nghiệp của lớp trẻ. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi, Chủ nhiệm khoaNgôn ngữ và Truyền thông đa phương tiện xoay quanh về vấn đề này.
PV: Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông và Đại học Nguyễn Trãi vừa hợp tác để mở một chuyên ngành mới. Xin PGS.TS chia sẻ đôi chút về chuyên ngành này.
Đó là chuyên ngành: “Ngôn ngữ và Truyền thông đa phương tiện” thuộc mã ngành Quan hệ Công chúng.
PV: Thầy có thể cho biết mục đích và hướng đào tạo của chuyên ngành này?
Đây là chuyên ngành rất mới và được rất nhiều người quan tâm. Có thể gọi là “hót” nhất vì các môn học của chuyên ngành có tính hiện đại nhưng rất thiết thực với con đường lập nghiệp của lớp trẻ.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt |
PV: Xin thầy có thể nói rõ thêm.
Nói khái quát, nước ta muốn nhanh chóng phát triển cần phải có một lực lượng lao động trí thức mới. Đó là lực lượng lao động có thể sử dụng truyền thông làm phương tiện để phát huy cao độ các sản phẩm làm ra của thời đại 4.0. Cụ thể là các công việc như quảng cáo, marketing, bán hàng online, viết bài cho báo, cho truyền hình, phát thanh, viết kịch bản và đạo diễn phim, cách sản xuất các tác phẩm truyền thông…vv. Nhờ sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, mỗi bạn sinh viên có thể tổ chức bán hàng online cho nhiều đối tượng khác nhau trên địa bàn Việt Nam và ra cả nước ngoài, nối kết chặt chẽ giữa người bán và người mua hàng, nơi sản xuất và nơi tiêu thụ; nối kết giữa các doanh nghiệp và các cơ quan công chúng… đúng theo nghĩa “Quan hệ Công chúng”
PV: Vậy thầy có thể giới thiệu khái quát về khung chương trình và một số nội dung mới của chương trình giảng dạy trong nhà trường?
Khung chương trình của Khoa “Ngôn ngữ và Truyền thông đa phương tiện” được thiết kế theo bậc học đại học chung của Quốc tế. Thời gian đào tạo là 4 năm, gồm 160 tín chỉ. Trong khi đó nhiều nơi hiện nay, khung chương trình chỉ đào tạo trong 3 năm rưỡi, ứng với khoảng 140-142 tín chỉ.
PV: Độ chênh về số tín chỉ như vậy có lợi hay không có lợi cho sinh viên? Giả dụ, nếu theo khung chương trình chỉ có 142 tín chỉ thì sinh viên ra trường sẽ sớm hơn, có việc làm nhanh hơn.
Lễ tốt nghiệp và trao bằng Thạc sĩ Chuyên Ngành Quản lý kinh tế Khóa II cho sinh viên |
Nhìn bên ngoài thì đúng như vậy, nhưng bản chất khác nhau rất nhiều. Khung 160 tín chỉ phù hợp với cách thức đào tạo chung của thế giới nên khi đang học ở Việt Nam có thể chuyển ngang, nếu sv tiếp tục chuyển sang học ở nước ngoài, trong trường hợp đủ điều kiện du học. Hơn nữa, nếu chuyển tiếp lên bậc Sau Đại học thì trình độ của sinh viên cũng phù hợp với hệ đào tạo chung ở các trường Đại học công lập. Như thế, tuy học thêm một thời gian, ra trường có muộn hơn, nhưng các em sẽ trưởng thành nhiều hơn, vững vàng hơn.
PV: Vậy theo thầy, công tác đào tạo của ngành “Ngôn ngữ và Truyền thông đa phương tiện” có gì đáng lưu ý?
Chúng tôi đã có nhiểu bài tổng kết về công tác đào tạo và được công bố rộng rãi. Trước đây, chúng ta đào tạo theo hướng: “Cái gì cũng biết, cái gì cũng học, nhưng lại khó biết làm cái mình đã học”. Nói cách khác, ta thiên về đào tạo kiến thức hàn lâm viện, nặng lý thuyết, ít thực hành, nên ra trường sinh viên lập nghiệp gặp nhiều khó khăn. Khắc phục nhược điểm mang tính truyền thống đó, giờ đây, Khoa “Ngôn ngữ và Truyền thông đa phương tiện” đi theo hướng mới: Đi đều hai chân, nhưng nghiêng về thực hành. Cụ thể, mỗi môn học, giờ giảng lý thuyết chỉ từ 30 - 40%, còn sinh viên xuống cơ sở thực hành, thao tác nghề nghiệp chiếm từ 60 - 70%.
PV: Thưa thầy, đó có phải là hướng đi thiết thực nhất?
Đúng như vậy. Nhờ có các tiết học thực tế mà kiến thức lý thuyết sinh viên học được trở nên nhuần nhuyễn và có hiệu quả, không bị rơi vãi như cách đào tạo truyền thống. Trước đây, học xong 4 năm, phần lớn sinh viên nhanh quên lý thuyết, bước vào môi trường mới, có người phải “học” lại gần như từ đầu.
PV: Điều đó sẽ kéo theo đội ngũ giảng viên cũng phải “thay đổi” đúng không thầy?
Trước đây giảng dạy cho sinh viên chỉ có các thầy cô, các giáo sư, tiến sĩ nhưng bây giờ, có thêm một lực lượng mới tham gia trong quá trình đào tạo sinh viên. Đó là các nhà doanh nghiệp thành đạt, các tài năng trẻ, các nhà ngoại giao, nhà báo, nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn, nhà ngoại giao…Khi vào học, sinh viên vừa được trang bị lý thuyết nền tảng, vừa được tiếp xúc ngay với các nhà hoạt động thực tiễn từ năm học thứ nhất. Sự trải nghiêm của các em phong phú hơn rất nhiều.
PV: Với cách đào tạo như vậy, sinh viên có thể kiếm tiền được ngay từ lúc đang đi học đúng không ạ?
Thực tế tại trường cho thấy, chỉ vào học khoảng 6 tháng là các em sinh viên của Khoa có thể vận dụng kiến thức vào thực hành nghề. Nhiều em đi làm, có thu nhập nên đỡ được gánh nặng chi phí ăn chọc cho gia đình. Còn sau 4 năm học tập nghiêm túc, bài bản, ra trường họ có thể kiếm được nhiều tiền, thậm chí là rất nhiều…
PV: Phải chăng đó cũng là mục tiêu mà nhà trường hướng tới cho sinh viên ngày nay cần năng động và tính thích nghi cao?
Khi xây dựng chương trình, chúng tôi đều hướng đến mục tiêu quan trọng này. Đó là chuyên ngành phải mang tính thực tiễn cao, sinh viên có đủ năng lực, tự tin khi đi làm. Thế hệ trẻ kiếm được nhiều tiền, đất nước ắt sẽ giàu mạnh lên. Đó là mục tiêu Khoa “Ngôn ngữ và Truyền thông đa phương tiện” đang hướng đến nhằm đáp ứng nhu cầu của các em và của cả các nhà tuyển dụng trong thời đại ngày nay.
PV: Xin thầy cho biết đội ngũ giảng viên cơ hữu của Khoa hiện nay.
Tất cả những gì liên quan đến đào tạo, chúng tôi đều phải công khai, minh bạch. Khoa hiện đã có 11 cán bộ cơ hữu. Trong đó, số cán bộ đạt trình độ tiến sĩ trở lên có 7/ 11 người, số cán bộ là thạc sĩ và GV chính, nhà báo lâu năm, trình độ tương đương thạc sĩ là 3. Như vậy, toàn khoa chỉ có một người là cử nhân làm cán bộ giáo vụ và văn phòng.
Đấy là chưa kể đến đội ngũ giảng viên thuộc lực lượng phối hợp, là các doanh nhân thành đạt, các nhà ngoại giao, tài năng trẻ nổi tiếng, được xã hội chú ý. Khoa hiện có khoảng trên 20 cán bộ phụ trách đào tạo nghề chuyên nghiêp cho sinh viên, ngoài khối kiến thức đại cương, ngoại ngữ được đào tạo chung cùng các đơn vị khác.
Cảm ơn PGS.TS về cuộc trao đổi này!