PGS. TS Bạch Khánh Hòa: "Yêu điều gì hãy làm hết mình"

PGS. TS Bạch Khánh Hòa: "Yêu điều gì hãy làm hết mình"

(GD&TĐ) - Tính đến nay đã có 34 năm công tác nhưng lòng say mê nghề nghiệp chưa bao giờ giảm sút ở PGS. TS Bạch Khánh Hòa (Viện Huyết học - Truyền máu TƯ). Hàng ngày chị có mặt ở viện từ 7 giờ sáng, kiểm tra lại công việc ngày hôm qua, xem danh sách  công việc ngày hôm nay, sau đó,  một ngày làm việc mới bắt đầu.

PV: Nghiên cứu khoa học là công việc vất vả, vậy chị vượt qua những khó khăn ấy như thế nào?

PGS. TS Bạch Khánh Hòa: Làm khoa học với nam hay nữ đều khó khăn và  vất vả nhưng với nữ giới, do phụ thuộc vào nhiều yếu tố (sức khỏe, chăm sóc gia đình, con cái) nên sẽ khó hơn. Tuy nhiên, theo tôi những hạn chế trên đều có thể khắc phục nếu mình thực sự yêu nghề, muốn gắn bó với nghề. 

Với bản thân tôi, may mắn được sinh ra trong gia đình có nhiều thành viên làm nghiên cứu khoa học nên công việc được hỗ trợ, gia đình động viên, vì vậy những khó khăn giảm đi rất nhiều.

PGS. TS Bạch Khánh Hòa có nhiều công trình nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế giúp hàng ngàn bệnh nhân thoát khỏi tử thần
PGS. TS Bạch Khánh Hòa có nhiều công trình nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế giúp hàng ngàn bệnh nhân thoát khỏi tử thần

Chị được biết đến với thành công của những  đề tài nghiên cứu về sự biến đổi của tế bào khi nhiễm dioxin, lý do nào khiến chị quan tâm đến vấn đề trên?

Quan điểm của tôi, nghề y là nghề phục vụ bệnh nhân nên tôi sẽ làm những gì bệnh nhân đang có nhu cầu. Trong quá trình công tác ở Viện Huyết học- Truyền máu, chứng kiến những khó khăn do bệnh tật đem lại của bệnh nhân là cựu chiến binh, con cái và cháu của họ, tôi thấy mình cần tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của các dị tật họ mắc phải. Công trình đầu tiên tôi thực hiện vào năm 1980, nghiên cứu về Rối loạn di truyền tế bào ở cựu chiến binh chiến trường B và con cái họ, về thai dị tật và những hậu quả sau chiến tranh chống Mỹ. Những kết quả nghiên cứu của đề tài giúp tôi nghiên cứu, sản xuất bộ sinh phẩm định lượng alpha. Năm 2001, tôi tiếp tục tham gia đề tài “Nghiên cứu các biến đổi về di truyền, miễn dịch, sinh hóa, huyết học và tồn lưu dioxin trên các đối tượng bị phơi nhiễm có nguy cơ cao”. Kết quả nghiên cứu đã góp phần minh chứng hậu quả  lâu dài của chất dioxin do quân đội Mỹ gây ra cho người dân, môi trường sinh thái ở Việt Nam. 

Kết quả nghiên cứu trên là bằng chứng về tác hại của chất dioxin giúp Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam sử dụng trong những lần đấu tranh đòi quyền lợi cho các nạn nhân. 

Theo chị, phụ nữ cần hỗ trợ  gì để có thể cống hiến nhiều hơn trong khoa học?

Thực ra phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học bây giờ có nhiều thuận lợi so với thời chúng tôi còn trẻ do được hỗ trợ từ phương tiện, máy móc, gia đình cũng có cái nhìn khác về khoa học và nữ giới làm khoa học. Do vậy, chỉ cần có lòng yêu nghề sẽ giúp mỗi người vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, có đủ niềm tin và sức mạnh để gắn với với công việc mình yêu thích.

Thành công trong nghiên cứu khoa học, chị làm gì để chia sẻ, tiếp lửa cho thế hệ nữ sinh viên lòng yêu nghề, đam mê nghiên cứu khoa học?

Nghiên cứu khoa học không có sự kết thúc bởi  mỗi lúc, mỗi thời điểm lại có cái cần phải bổ sung thêm hay những yêu cầu mới nên từ khi bắt đầu đi làm đến giờ, hơn 30 năm những công trình đó đến nay  vẫn phải tiếp tục. Mỗi thời điểm làm thêm cái mới hơn, sâu hơn để đáp ứng cho công tác điều trị nên mỗi đề tài đều là sự kế thừa và phát triển. Do vậy, trong nghiên cứu khoa học, tất cả thành công là công sức của tập thể vì một cá nhân không đủ sức khỏe, trí tuệ, kinh nghiệm để thực hiện đề tài. Tuy nhiên,  tôi có thuận lợi  là  người đầu tiên làm nên được ghi nhận và có giải thưởng.

Với sinh viên, khi giảng dạy, tôi luôn nói với các em: “Nghề của mình phải có cái tâm, khi mình có tâm thì sẽ làm được mọi điều. Cái tâm sẽ giúp mình yêu nghề, sống chết với nghề, không  vì một khó khăn nào mà từ chối”. Hay nói cách khác, trong nghề y, nếu ta coi cái đau của bệnh nhân như của người thân thì chúng ta sẽ làm được rất nhiều việc và khi chúng ta có tâm, để tình yêu vào đó, thật sự tôn trọng người bệnh thì sẽ có động lực để  nghiên cứu, làm sao đưa họ thoát khỏi bẹnh hiểm nghèo. Với tôi,  hạnh phúc của một bác sĩ không phải là cái gì to tát mà  chính là làm sao người  bệnh có nụ cười tươi.

 Xin cám ơn PGS. TS.

L.Giang (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.