Patriot sắp thay đổi cục diện?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Việc kíp trắc thủ Ukraine hoàn thành sớm khóa huấn luyện vận hành hệ thống Patriot tại Mỹ đang mang lại rất nhiều hy vọng cho Kiev.

Hệ thống Patriot PAC 3.
Hệ thống Patriot PAC 3.

Trong tuyên bố hôm 30/3, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Pat Ryder cho biết: "65 binh sĩ phòng không Ukraine đã hoàn tất đợt huấn luyện tại căn cứ Sill ở bang Oklahoma và trở về châu Âu.

Quá trình đào tạo ở Mỹ diễn ra nhanh hơn dự kiến".

Mặc dù hoàn thành huấn luyện tại Mỹ nhưng các binh sĩ Ukraine sẽ tiếp tục khóa học tăng cường ở châu Âu, sử dụng hai hệ thống Patriot được Mỹ, Đức và Hà Lan cung cấp.

Giới chức Mỹ chưa công bố thời gian chuyển các tổ hợp này đến Ukraine, nhưng dự kiến chúng có thể tham chiến trong vài tuần tới.

"Tổ hợp đánh chặn Patriot sẽ bổ sung đáng kể cho lưới phòng không đa tầng tại Ukraine, nhằm tạo lá chắn bảo vệ nước này trước những cuộc tấn công dữ dội của Nga", phát ngôn viên Pat Ryder khẳng định.

Trong thời gian huấn luyện tại Mỹ, binh sĩ Ukraine được học lý thuyết, kết hợp thực hành với thiết bị mô phỏng và tổ hợp thực tế, tập trung vào vận hành và bảo dưỡng các khẩu đội Patriot.

Tổ hợp Patriot do Mỹ phát triển và được biên chế từ năm 1981. Biến thể mới nhất của Patriot PAC 3, có khả năng tiêu diệt các mối đe dọa trên không như tiêm kích, máy bay không người lái (UAV), trực thăng, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo...

Patriot được kỳ vọng là vũ khí có thể thay đổi đáng kể cục diện trên bầu trời Ukraine, nhờ năng lực chiến đấu vượt trội so với các hệ thống phòng không mà Washington từng chuyển cho Kiev.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, với hàng loạt vấn đề vũ khí này gặp phải khi thực chiến trên khắp các chiến trường cho thấy, giữa kỳ vọng và khả năng hoàn thành nhiệm vụ trong thực tế là một khoảng cách.

Ví dụ, radar đa chức năng Patriot AN/MPQ-53 có khả năng tìm kiếm khá thấp. Tính năng này không chỉ có ở hệ thống Patriot mà còn ở radar dẫn đường và chiếu sáng mục tiêu cũng như radar đa chức năng của hệ thống phòng thủ tên lửa S-300.

Trong các hệ thống của Nga, thiếu sót này được bù đắp bằng cách cung cấp cho các sư đoàn tên lửa phòng không S-300 và S-400 các đầu dò tầm thấp loại 5N66M hoặc đầu dò tầm cao loại 96L6E.

Ngoài ra, các tổ hợp tên lửa phòng không nhận chỉ thị mục tiêu không tìm kiếm từ các sở chỉ huy hệ thống được trang bị radar phát hiện (RLO 64N6, S-300) hoặc tổ hợp radar (RLK 91N6E, S-400).

Do đó, nếu được triển khai gần Kiev, hệ thống tên lửa Patriot sẽ phải được cung cấp thêm khả năng tìm kiếm và nhắm mục tiêu.

Việc lấy dữ liệu từ Boeing E-3 Sentry, một tùy chọn được một số chuyên gia đề cập, sẽ không đặc biệt hữu ích vì điều đó có nghĩa là một số lượng nhất định máy bay E-3 sẽ phải được tái sắp xếp tới các sân bay Ukraine. Trong khi đó, không có khả năng Mỹ và các đồng minh sẽ đồng ý với điều này.

Ngoài ra, vị chuyên gia nguyên lãnh đạo Cơ quan Phòng thủ tên lửa Israel, Uzi Rubin còn cho rằng, các tổ hợp Patriot không phù hợp để đánh chặn tầm thấp, trong khi mối nguy hiểm từ vũ khí Nga hiện Ukraine đang gặp phải chủ yếu đến từ tầm thấp.

Với mục tiêu bay bay thấp phải cần các tổ hợp phòng không tầm thấp có khả năng cơ động kiểu như Pantsir-S1 của Nga.

Sự kết hợp hỏa lực giữa pháo 30mm, tên lửa phòng không tầm ngắn và hệ thống cảm biến quang-điện tử giúp chúng phản ứng tức thì khi với các mục tiêu bay tiếp cận. Hiệu quả của vũ khí phòng không dạng này đã được chứng minh tại Syria.

Ông Rubin nhấn mạnh, đây chính là nguyên nhân khiến hệ thống phòng thủ của Saudi Arabia với hàng loạt tổ hợp Patriot triển khai vẫn không thể ngăn chặn được cuộc tấn công của phiến quân tại Yemen bằng tên lửa hành trình và UAV vào nhà máy dầu Aramco hồi năm 2019.

Thực tế đang khiến Mỹ phải đổ tiền phát triển vũ khí laser và một số loại vũ khí tối tân khác để có thể thay thế Patriot.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ