Video VKS dùng vũ khí tương tự JDAM-ER tại điểm nóng

GD&TĐ -Không quân Nga (VKS) đã sử dụng vũ khí lai giữa bom và tên lửa Grom-E1 để tấn công lực lượng Ukraine tại điểm nóng Bakhmut.

Tên lửa Grom.
Tên lửa Grom.

Thông tin về sự xuất hiện của Grom-E1 được hãng Southfront dẫn nguồn tin quân sự Ukraine hôm 13/3 cho biết, binh sĩ Ukraine đã thu giữ một số mảnh vỡ của tên lửa hành trình Grom-E1 được lực lượng VKS sử dụng để tấn công mục tiêu của Kiev.

Grom được Tập đoàn tên lửa chiến thuật Nga (KTRV) phát triển dựa trên nguyên mẫu tên lửa Kh-38.

Tuy nhiên, Grom-E1 đã được thiết kế gần giống với tên lửa hành trình với động cơ phản lực, trong khi phiên bản Grom-E2 cấu tạo gần giống với bom lượn.

Để chứng minh tuyên bố của mình về việc Nga đã sử dụng Grom, Ukraine đã cho công bố đoạn video ghi lại hình ảnh về phần thân và cánh của Grom được tìm thấy.

Theo nhận định của Southfront, việc lực lượng VKS sử dụng loại vũ khí đặc biệt này được coi là một động thái đáp trả sau khi Không quân Ukraine bắt đầu sử dụng bom lượn JDAM-ER do Mỹ viện trợ tại Bakhmut.

Grom-E1 được trang bị một đầu đạn nặng 315kg cùng thiết bị dẫn đường dựa trên hệ thống định vị vệ tinh GLONASS, cho phép nó tấn công mục tiêu với độ sai lệch không quá 5m.

Tầm bắn của tên lửa Grom-E1 được KTRV tiết lộ là 120km còn bom lượn Grom-E2 là 65km.

Tên lửa Grom-E1 có thể được sử dụng trên nhiều loại máy bay chiến đấu khác nhau của Nga, bao gồm cả tiêm kích thế hệ thứ 5 Su-57.

Với thiết kế tương đối gọn gàng giúp vũ khí này có thể được tích hợp trong khoang vũ khí của Su-57.

Tên lửa Grom-E1 cùng bom lượn Grom-E2 sẽ là một trong những vũ khí chính của máy bay tàng hình của Nga trong tương lai.

Việc Nga bắt đầu sử dụng Grom và tăng cường độ dùng tên lửa siêu thanh Kinzhal trong các cuộc không kích vào lực lượng Ukraine cho thấy Moskva đang thay đổi chiến thuật trong các cuộc không kích của mình.

"Trong nửa năm qua, Nga có xu hướng giảm tần suất các cuộc tập kích, nhưng sử dụng nhiều loại tên lửa cùng lúc trong mỗi đợt tấn công, nhằm khiến hệ thống phòng không Ukraine khó đánh chặn hiệu quả tất cả", Justin Bronk, nhà nghiên cứu về Không quân và công nghệ tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) nói.

Các nhà phân tích cho rằng Nga quyết định thay đổi phương thức tập kích khi nhận thấy hệ thống phòng thủ của Ukraine ngày càng được củng cố nhờ nguồn vũ khí phương Tây. Đồng thời, đây cũng là cách để họ phát huy tối đa hiệu quả của mỗi đợt tấn công.

"Moskva điều chỉnh các cuộc tập kích tên lửa để tăng thêm thách thức với hệ thống phòng không đối phương, bằng cách sử dụng kết hợp tên lửa hành trình cận âm, tên lửa siêu vượt âm Kinzhal và có thể cả các mồi bẫy và biện pháp khác", Douglas Barrie, thành viên cấp cao về hàng không vũ trụ quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), nói.

Nga lần đầu sử dụng tên lửa Kinzhal ở Ukraine hồi tháng 3/2022 và sau đó thỉnh thoảng phóng mẫu tên lửa siêu thanh này để tập kích các mục tiêu có giá trị cao tại Ukraine.

Kinzhal có khả năng bay nhanh gần gấp 10 lần tốc độ âm thanh và đặc biệt khó phát hiện vì có thể phóng từ chiến đấu cơ MiG-31K.

Điều này giúp Kinzhal có tầm bắn xa hơn và khả năng tấn công từ nhiều hướng, cũng như khả năng cơ động khi đến gần mục tiêu.

"Đây là loại tên lửa khó đánh chặn hơn nhiều và khiến đối phương gần như không có thời gian cảnh báo hay phản ứng. Nhưng Kinzhal cũng rất đắt đỏ và Nga chỉ có thể sản xuất với số lượng hạn chế", Bronk giải thích.

Phần còn lại của quả Grom.

Có thể Nga thay đổi chiến thuật tập kích khiến lưới phòng không Ukraine chao đảo nhưng giới quan sát cho rằng các cuộc tấn công như vậy sẽ không thể diễn ra thường xuyên hoặc mang tính quyết định xung đột, bởi phương Tây tin Moskva đang dần cạn nguồn cung tên lửa.

"Nga có thể đã cố tình phóng loại tên lửa mà hệ thống phòng không Ukraine không thể đánh chặn để đạt kết quả về truyền thông, dù nguồn cung tên lửa này dần cạn kiệt", Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) viết trong đánh giá về xung đột Ukraine.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ