Patriot đánh chặn được Kinzhal?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Trung tâm Stratcom của Ukraine cho rằng, hệ thống Patriot là vũ khí duy nhất có thể giúp nước này đối phó với tên lửa siêu thanh Kinzhal.

Hệ thống đánh chặn Patriot.
Hệ thống đánh chặn Patriot.

Tuyên bố được Trung tâm Stratcom thuộc Bộ Văn hóa và Chính sách Thông tin Ukraine đưa ra ngay sau cuộc tấn công của Nga hôm 9/3 vào Ukraine bằng loạt vũ khí tối tân, trong đó có nhiều tên lửa siêu thanh Kinzhal.

"Hệ thống đánh chặn Patriot của Mỹ có khả năng đối phó với tên lửa đạn đạo siêu thanh Kinzhal. Đó là lý do tại sao vũ khí này phải đến Ukraine càng sớm càng tốt", Trung tâm Stratcom tuyên bố.

Một số lãnh đạo của trung tâm này nhấn mạnh Patriot là hệ thống duy nhất có thể bảo vệ đất nước khỏi Kinzhal và các tên lửa siêu vượt âm khác của quân đội Nga.

Đánh giá về tuyên bố của Ukraine, tạp chí quân sự hàng đầu của Mỹ là Defense News cho rằng, dù Patriot hiện là quân bài chủ lực của phòng thủ Mỹ và nhiều nước châu Âu nhưng đối phó với vũ khí nhanh và quỹ đạo bay phức tạp như Kinzhal là điều không thể.

Đây chính là lý do khiến Mỹ luôn đau đầu tìm cách đối phó với tên lửa siêu thanh Nga nhưng vẫn chưa có lời giải trong khi châu Âu phải bắt tay thực hiện dự án Phòng thủ Đánh chặn Siêu thanh (EU HYDEF).

Chương trình bao gồm việc phát triển một hệ thống đánh chặn nội khí quyển cho các mối đe dọa từ năm 2035.

Mục tiêu của chương trình này là đưa ra một biện pháp đối phó có thể tích hợp vào hệ thống phòng không hiện nay với khả năng cảnh báo sớm, theo dõi và đánh chặn các mối đe dọa trên không ở hiện tại và tương lai, bao gồm tên lửa đạn đạo và siêu thanh.

Tạp chí Mỹ tiết lộ, nhà thầu Diehl Defense (Đức) sẽ là hãng chính phụ trách kỹ thuật của dự án, còn Sener Aerospacial Sociedad Anonima (Tây Ban Nha) sẽ điều phối các hoạt động của dự án.

Cả hai công ty trên hợp tác chặt chẽ với hệ thống tên lửa đất đối không IRIS-T, nhấn mạnh mối quan hệ làm ăn mạnh mẽ giữa hai hãng quốc phòng.

Diehl sẽ chịu trách nhiệm về kỹ thuật và thiết kế của hệ thống đánh chặn, thiết kế giai đoạn sau và mô phỏng hệ thống, dẫn đường giai đoạn sau, điều hướng và kiểm soát, đầu tìm kiếm và điện tử tín hiệu.

Đồng thời, Sener sẽ dẫn dắt công việc về dẫn đường, các hệ thống dẫn đường và kiểm soát (GNC), cùng với công nghệ liên lạc, thiết bị kích hoạt và kiểm soát khí động học.

Dự án sẽ dẫn tới xây dựng khái niệm, giảm nguy cơ và đưa ra được một hệ thống đánh chặn nội khí quyển hiệu quả, có khả năng hoạt động ở mọi cấp bay khác nhau, trong đó có một hệ thống kiểm soát khí động học cải tiến nhằm mang lại tính cơ động cao.

Hãng Sener còn cho biết thêm, dự án EU HYDEF sẽ có sự tham gia của 13 công ty và tổ chức thuộc 7 quốc gia châu Âu, đó là Tây Ban Nha, Đức, Bỉ, Na Uy, Cộng hòa Séc, Ba Lan và Thụy Điển.

Sener cũng cho biết, dự án EU HYDEF còn liên quan tới một dự án của Pháp nhằm phát triển một hệ thống hoàn thiện sử dụng theo dõi từ vũ trụ để ứng phó với các tên lửa siêu thanh.

Đầu năm 2022, Nga trở thành quốc gia đầu tiên sử dụng vũ khí siêu thanh trong chiến đấu trên thực địa khi họ phóng một tên lửa siêu thanh Kinzhal từ trên không vào một cơ sở cất trữ vũ khí của Ukraine dưới lòng đất. Kể từ đó đến nay, Kinzhal đã được Nga sử dụng thêm nhiều lần.

Báo Mỹ nhấn mạnh: "Rất khó tính toán đường đi của một tên lửa vận tốc cao và linh hoạt như tên lửa Kinzhal. Vì vậy, đối phó với vũ khí siêu thanh Nga là chuyện của tương lai và nó quá sức với tất cả các phiên bản hiện tại của Patriot".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ