Trong tuyên bố hôm 28/2, Giám đốc điều hành tập đoàn quốc phòng Đức Rheinmetall, ông Armin Papperger cho biết, chính phủ nước này đã đặt mua hai hệ thống phòng không Skynex với giá 212 triệu USD để bảo vệ Berlin nhưng đã chuyển chúng cho phòng không Ukraine.
"Chuyển Skynex cho Ukraine sẽ làm suy yếu khả năng bảo vệ vùng trời tại thủ đô Berlin. Bởi quyết định này đã mất đi một lớp phòng thủ, nhất là khi cần tối thiểu 4 tổ hợp Skynex để tạo lưới phòng không thành phố. Những hệ thống đó đáng lẽ sẽ được dùng để bảo vệ thủ đô", ông Armin Papperger nói.
Theo giới thiệu của lãnh đạo Rheinmetall, Skynex là tổ hợp phòng không tầm ngắn ứng dụng thiết kế module cho phép tích hợp nhiều hệ thống cảm biến và vũ khí khác nhau. Một tổ hợp Skynex hoàn chỉnh gồm hệ thống quản lý tác chiến Skymaster, radar cảnh giới tầm trung X-TAR3D và 4 bệ pháo tự động.
Skynex chuyển cho Ukraine với cấu hình đặt trên khung gầm xe tải, sử dụng pháo tự động Oerlikon Mk3 cỡ nòng 35 mm với tốc độ bắn khoảng 1.000 phát/phút. Pháo có tầm bắn tối đa 3,5 km với vật thể bay và khoảng 5 km với khí tài mặt đất, trang bị đạn có thể lập trình để tấn công nhiều loại mục tiêu khác nhau.
Những mục tiêu nằm trong khả năng đánh chặn của Skynex máy bay, tên lửa hành trình, phi cơ không người lái và đạn pháo, phù hợp nhiệm vụ bảo vệ các địa điểm trọng yếu như cơ sở hạ tầng quân sự, cảng biển và nhà máy hạt nhân.
Nếu khả năng đánh chặn của Skynex như Rheinmetall tuyên bố thì đây rõ ràng là tin không thể vui hơn với phòng không Ukraine trong nhiệm vụ ngăn chặn những cuộc mưa tên lửa hành trình từ lực lượng Không quân và Hải quân Nga kể từ khi xung đột nổ ra cách đây hơn một năm.
Dù nhà sản xuất Đức rất tự tin vào khả năng chiến đấu của những vũ khí được gửi cho Ukraine nhưng điều bất ngờ là chính lực lượng phòng không Kiev lại không dám tin vào điều này bởi khả năng đặc biệt của tên lửa hành trình Nga.
Tờ Army Recognition dẫn lời một sĩ quan thuộc Lữ đoàn phòng không số 138 của Quân đội Ukraine cho biết, dù đã được tiếp nhận nhiều vũ khí tối tân từ phương Tây nhưng lực lượng phòng không nước này đang phải vật lộn để đối phó với mối đe dọa từ tên lửa hành trình Nga.
Khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, lực lượng tên lửa Nga thường chỉ bắn trực tiếp tên lửa hành trình vào các mục tiêu đã được chỉ định trước trên lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên gần đây, phòng không Ukraine gặp khó khăn trong việc theo dõi và đánh chặn các tên lửa thông minh của Nga khi chúng thường xuyên thay đổi tốc độ và trần bay.
Chuyên gia của Army Recognition cho biết, tên lửa hành trình của Nga có khả năng đặc biệt trong việc thay đổi tốc độ, độ cao và hướng bay. Kể từ khi được khai hỏa, một số tên lửa Nga có thể thay đổi biến số trên tới 80 lần.
Chính vì vậy, tên lửa hành trình của Nga là mối đe dọa đối với bất kỳ hệ thống phòng không tiên tiến nào trên thế giới. Ngoài những đặc điểm kể trên, nhiều nguồn tin chứng thực quân đội Nga cũng đang sử dụng chiến thuật mồi nhử để đánh lừa lưới lửa phòng không Ukraine.
Một số nguồn tin quân sự phương Tây còn lưu ý rằng, có vẻ như Nga đã sử dụng tên lửa Kh-55 với đầu đạn trơ (không nổ) như một mồi nhử. Cụ thể, Nga có thể phóng tên lửa Kh-55 được triển khai trên máy bay chiến lược như Tu-95MS để khiến lực lượng phòng không Ukraine phản ứng.
Thực tế này cho phép quân Nga xác định chính xác vị trí và kích hoạt tiêm kích Su-35S khai hỏa tên lửa chống bức xạ Kh-31P vào mục tiêu. Hiện nay Nga vẫn còn một số lượng lớn Kh-55 trong kho để có thể triển khai biến thể không mang đầu đạn nhằm làm cạn kiệt kho vũ khí phòng không Ukraine.
Cùng với Kh-55, trong kho tên lửa hành trình của Nga còn có số lượng lớn vũ khí được đánh giá tối tân hơn và đáng sợ hơn rất nhiều đó là Kalibr phóng từ chiến hạm và Kh-101 phóng từ máy bay chiến lược.