Pá Mỳ ngày trở lại!

GD&TĐ - Pá Mỳ, nơi những cung đường chỉ vừa lốp xe đi, vắt vẻo trên những đỉnh núi cao, lúc nào cũng như thể sẵn sàng cướp đi mạng sống của những con người vẫn hằng ngày miệt mài gieo chữ trên đỉnh mây…

Trung tâm xã Pá Mỳ ngự trên đỉnh đồi cao, xung quanh được bao bọc bởi những ngọn núi “chọc trời”.
Trung tâm xã Pá Mỳ ngự trên đỉnh đồi cao, xung quanh được bao bọc bởi những ngọn núi “chọc trời”.

Xa xôi, cách trở

Ngót nghét gần một thập niên tôi mới có dịp trở lại xã Pá Mỳ, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Pá Mỳ chẳng khác xưa nhiều lắm, bởi ở đó vẫn là những cung đường vắt vẻo chẳng ai nghĩ tới. 

Xã Pá Mỳ cách trung tâm thành phố chừng 200km. Có đi mới hiểu được phần nào nỗi khổ của những GV cắm bản nơi đây. Mỗi năm họ chỉ có một hay hai lần ít ỏi về trung tâm huyện, trung tâm thành phố để gặp chồng/vợ, con và gia đình có lẽ cũng bởi đường đi. 

Cô Bùi Thị Mái, GV cắm bản Pá Mỳ 3, cụm 2 thuộc xã Pá Mỳ vừa đi sửa xe mô tô để chuẩn bị bước vào đợt áp thấp nhiệt đới sắp tới. Cô Mái kể: “Em thấy xe có vấn đề, sợ sắp tới trời mưa to, đường trơn trượt, em không lên bản dạy học cho các con được nên chủ động đi sửa. Tháo hộp số ra, anh thợ sửa bất ngờ và cứ thắc mắc mãi là vì sao trong hộp số của xe chỉ mòn mỗi 2 số, đó là số 1 và số 2. Những số còn lại thì hầu như còn mới toanh. Khổ, làm sao mọi người biết được. Đường sá ở đây nó thế, có bao giờ chúng em đi đến số 3, số 4 đâu”.

Cô Hoa (tên nhân vật đã thay đổi) sinh năm 1986, cũng là GV cắm bản ở Pá Mỳ. Nhưng bản của cô còn xa hơn điểm bản Pá Mỳ 3 cụm 2. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, năm 2009, cô Hoa cùng bạn bè hăm hở xung phong lên Mường Nhé nhận công tác.
Cô Hoa kể: “Lúc đó chỉ biết Mường Nhé là huyện khó khăn nhất  nên em xung phong vào. Tuổi trẻ, hăng hái lắm, bọn em nghĩ khó khăn đến mấy thì cũng vượt qua được thôi, chứ có nghĩ khó khăn như thế này đâu”.

Mỗi trang giáo án qua đi, tương lai con trẻ ở miền đất biên viễn này thêm tươi sáng cũng đồng nghĩa với việc cơ hội tìm kiếm hạnh phúc riêng mình bị tuột mất. Mái đầu đã điểm bạc, cô Hoa chợt nhận ra là mình cần một “tổ ấm” và cần tìm kiếm cho mình cơ hội dù là rất nhỏ.
“Em cũng xứng đáng có được một gia đình riêng cho mình. Giờ tuổi cũng cao rồi. Lúc nắng, lúc mưa, khi ốm đau chẳng lẽ cứ tự mình chăm sóc cho mình mãi? Vừa rồi em cũng nộp đơn xin chuyển trường để về huyện gần nhà. Dù gì thì mỗi khi trái nắng trở trời còn có bố mẹ và anh chị em chăm sóc!”, cô Hoa rơm rớm nước mắt tâm sự.

Nói thế chứ nào cô Hoa đã đi được ngay. Đã không ít lần cô nghĩ đến việc phải chuyển trường, song mỗi lần nhìn lại những lá đơn nguệch ngoạc mà bà con dân bản gửi lên xin giữ cô ở lại, nghĩ về bọn trẻ còn thơ ngây nơi vùng cao này đang rất cần mình, cô chẳng đành lòng bước đi.

Cô giáo là mẹ

Pá Mỳ ngày trở lại! ảnh 1

Nhá nhem tối, cả đoàn công tác mới đến được trung tâm xã Pá Mỳ. Cả điểm trung tâm dường như chỉ có trụ sở xã, các điểm trường học và trạm y tế được xây dựng kiên cố. Nhà dân và cả khu nhà ở của GV chủ yếu là nhà gỗ và nhà xây tạm bợ, bố trí rải rác ở các sườn đồi thoai thoải. 

Vừa từ trường trở về, cô Lò Thị Toàn - GV Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Pá Mỳ tranh thủ tắm gội cho 2 đứa con nhỏ, vừa nấu cơm tối, ăn vội để lại lên trường quản lý, đôn đốc HS học bài. Chồng của cô Toàn là thầy Tuyển cũng vội vã mang theo mấy chục cái áo đồng phục của HS cả hai vợ chồng về giặt cho mau khô để tuần tới phát cho các em mặc trong lễ chào cờ đầu tuần.

“Ở đây là thế đấy anh ạ! Mỗi ngày, GV chúng em có khi dành thời gian cho con mình còn ít hơn cho HS. Sáng nào cũng phải dậy sớm, tranh thủ chạy lên khu nội trú đôn đốc các em dậy, vệ sinh cá nhân, ăn sáng. Các cháu ăn xong mới yên tâm về nhà cho con ăn rồi đưa lên lớp. Buổi trưa lại phải trực, quản thúc HS ngủ trưa, không để các cháu ra sông, suối tắm rất nguy hiểm. Khi nào các cháu ngủ trưa xong mới về nấu cơm, ăn cơm để chiều lên lớp. Nếu các cháu mà không ngủ trưa, chiều lên lớp lại ngủ gật thì không được”, thầy Tuyển chia sẻ.

Ở Pá Mỳ, mỗi tuần HS mặc áo đồng phục vào ngày thứ 2. Kết thúc ngày học, GV chủ nhiệm lớp lại “gom”, mang về giặt, phơi và bảo quản. Vì nếu không làm như vậy, chiếc áo đang từ màu trắng sẽ nhanh chóng chuyển sang màu “cháo lòng” chỉ sau 2 ngày HS sử dụng, vì các em còn nhỏ, chưa có ý thức bảo vệ.

“Nhiều cháu gia đình đông con, bố mẹ lại lên nương xa đến nửa tháng mới trở về nhà nên họ đưa con ra trung tâm xã, cách nhà đến cả chục cây số để học cùng anh chị. Do còn quá nhỏ nên anh chị không thể chăm sóc các em được. Các cháu cũng chưa tự lập được nên thầy cô ngoài dạy chữ còn kiêm luôn vai trò làm bố, làm mẹ. Tuy vất vả nhưng chúng em cũng chẳng nề hà gì vì nghĩ cũng thương các cháu”, cô Lò Thị Toàn bộc bạch.

Khó khăn chồng chất

Cô Bùi Thị Mái bên các học trò nhiều lứa tuổi. Ảnh: TG
Cô Bùi Thị Mái bên các học trò nhiều lứa tuổi.              Ảnh: TG

Trường THCS Pá Mỳ ngự trên một đỉnh núi cao chót vót, song vẫn lọt thỏm như dưới lòng chảo bởi nó được bao bọc bởi những ngọn núi cao ngút tầm mây. Sương sớm đặc quánh ôm trọn cả “lòng chảo” Pá Mỳ. Cách xa chừng 5 mét đã không thấy mặt người. 

Thầy Nguyễn Quang Tuyến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ở đây khoảng 10 - 11 giờ mới thấy Mặt trời, lúc đó mới đi thăm điểm trường được. Chẳng cần phải trời mưa, sáng nào mà sương dày như thế này thì  phải đợi tan sương, ráo đường mới đi được. Không thì chỉ có cách đi bộ thôi!

Đúng là nguy hiểm thật, vì giữa trưa, trời nắng chang chang song cũng phải mất đến cả tiếng đồng hồ nghiến răng, nín thở ngồi sau xe máy của các “tay lái lụa” ở trường mới tới được điểm bản gần nhất. Từ trung tâm xã Pá Mỳ đến điểm bản chỉ chừng hơn chục cây số, song đường chẳng ra đường. Nó chỉ là những lối mòn ven theo các sườn núi cao chót vót, giữa một bên là núi cao, bên kia là vực thẳm. Lối mòn toàn vết “sống trâu” trên đỉnh núi và các khúc cua tay áo vừa gấp khúc, vừa dốc. Độ dốc các khúc cua có thể lên tới hơn 20 độ nên nếu buổi sáng có sương hoặc trời mưa muốn đi bộ cũng khó chứ đừng nói gì đến chuyện đi xe. 

Mỗi khi nghe tiếng động cơ xe máy gầm rú bên kia dãy núi, thầy Lò Văn Thuận lại lựa tìm chỗ rộng có thể tránh nhau được để chủ động dừng lại, nghiêng người về phía taluy dương nhường đường vì lối mòn này chỉ có 1 vết vừa bánh xe đi, bên kia là vực sâu.

Điểm bản Pá Mỳ 3, cụm 2 có duy nhất 1 lớp học mầm non do cô Bùi Thị Mái phụ trách. Đó là lớp học ghép, có 20 trẻ từ 3 - 5 tuổi. Hôm nay chỉ có 11 cháu đi học. Cô Mái bảo mấy hôm nay chuyển mùa, HS ốm nhiều quá. Lo cho sức khỏe của các cháu, cô Mái vội vã lên bản, leo hết quả đồi này, ngọn núi nọ để tìm học sinh vì nhà dân được phân bố rải rác, 2 - 3 hộ/một ngọn đồi. 

“Các cháu ốm nhiều quá. Buổi sáng em đến tận giường, lay dậy nhưng các cháu bị sốt, cứ nằm li bì. Phụ huynh xin cô giáo cho con nghỉ để đưa ra xã khám bệnh”, cô Bùi Thị Mái chia sẻ.

Ngoài sân trường còn 11 HS đang vui đùa với mấy cái lốp xe máy cũ cô giáo đan và treo lên làm đu quay. 1 cái cầu bấp bênh được cô dựng lên bằng 2 khúc tre già và 1 tấm ván xin của dân rồi tự chế làm đồ chơi.
Em Giàng Thị Mua (3 tuổi) cứ nép sau lưng chị gái (2 chị em cùng học một lớp) khóc nức nở vì tưởng đoàn công tác là bác sĩ đến tiêm. Mua trong tình trạng sốt cao, song bố mẹ phải đi gặt lúa trên nương, nửa tháng nữa mới trở về nhà nên hai chị em ở lại bản tự chăm nhau. Cô Mái dỗ mãi Mua cũng chẳng chịu nín. 

Ôm Mua trong lòng, cô Mái tâm sự: Trẻ ở đây là vậy, đứa trước chăm đứa sau. Có em bị ốm, cô giáo lại đưa đi khám. Vừa dạy vừa chăm học sinh, tuy vất vả nhưng bù lại chúng em được trò tin tưởng, coi như người thân trong gia đình. Vậy thôi cũng đủ để vượt qua lúc yếu lòng hay khó khăn trước mắt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ