Người con đất Tổ gieo chữ ở Pá Mỳ

GD&TĐ - Giữa núi rừng Tây Bắc trùng điệp có một người con sinh ra nơi đất Tổ dành hết tâm huyết thanh xuân cho con em đồng bào vùng cao tại xã Pá Mỳ, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Mỗi khi buồn tủi, cô Thơm lại rủ học sinh đi lao động vệ sinh nhà trường cho thời gian trôi qua mau.
Mỗi khi buồn tủi, cô Thơm lại rủ học sinh đi lao động vệ sinh nhà trường cho thời gian trôi qua mau.

Cô Đặng Thị Thơm vươn lên từ hoàn cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ, truyền nghị lực sống cho các thế hệ học trò để vượt qua khó khăn!

Biết mẹ đẻ qua lời kể…

Cô Thơm là giáo viên của Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Pá Mỳ, xã Pá Mỳ, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ở Pá Mỳ, thậm chí là ngành Giáo dục huyện Mường Nhé, có lẽ ai ai cũng đều biết đến hoàn cảnh hết sức đặc biệt của cô Thơm.

Cô sinh ra nơi “đất Tổ” Hùng Vương – Phú Thọ. Tuổi thơ của cô trôi qua trong sự thiếu vắng bàn tay dịu dàng chăm sóc của mẹ, thiếu cả hơi ấm của người cha.

Nấn ná mãi thì tôi mới được nghe chính cô Thơm trải lòng, đưa tôi cùng trở về thời thơ ấu ngày nào mà cô đã trải qua. Tuổi thơ của cô Thơm không được may mắn như bao bạn bè. Bởi ngay từ khi mới hơn 1 tuổi, mẹ đẻ của cô đã từ rã cõi trần để sang với thế giới “người hiền”. Cô chỉ biết đến mẹ mình qua những lời kể của người lớn.

“Hồi đấy em chưa được 2 tuổi, quả thật là trong đầu em chẳng còn nhớ được chút nào về hình ảnh của mẹ. Thấy bố bảo, lúc đó là năm 1990, mẹ em có khối u trong não. Sau phẫu thuật thì bị đứt chỉ, chảy máu trong mà gia đình không biết. Đến khi biết, đưa mẹ vào viện thì đã không kịp rồi!”, cô Thơm rơm rớm kể lại.

Sau sự mất mát quá lớn ấy, mấy bố con lại đùm bọc, nương tựa vào nhau trong cảnh “gà trống nuôi con”. Rồi bố đẻ của Thơm đi thêm “bước nữa” với mong muốn có bàn tay tần tảo của người phụ nữ, phụ giúp việc chở che 3 anh chị em của Thơm khi còn bé bỏng.

“Niềm vui ngắn chẳng tày gang”, 14 năm sau, đang trong lúc lao động, bố đẻ của Thơm không may bị tai nạn dẫn đến tử vong. Cô Thơm lại thêm một lần đau thắt tâm can.

“Năm 2004 là lúc bố em mất. Khi đó em cũng đã lớn, đang học lớp 11 rồi nên em còn nhớ rất rõ những kỷ niệm về bố. Những lúc nhớ bố, nhớ mẹ em chỉ muốn ngồi lại một mình và khóc. Những lúc như thế, em tự nhủ rằng: “Trong cuộc sống còn rất nhiều người thiếu may mắn hơn mình. Người ta còn vượt qua được, chẳng lẽ mình lại mềm yếu và cứ đau khổ về quá khứ mãi sao được”. Nói rồi em tự lau nước mắt và cố gắng sống mạnh mẽ hơn”, cô Thơm kể lại.

“Thật ra lúc nào em cũng nhớ đến bố mẹ của mình. Nhất là những lúc ốm đau, những lúc mệt mỏi hay gặp chuyện buồn thì muốn có bố, mẹ để làm chỗ dựa tinh thần, để được bảo ban, dạy dỗ. Những lúc vui, có thành tích trong giảng dạy cũng chỉ muốn khoe với bố mẹ, để bố mẹ được vui và tự hào vì con đang sống có ích. Thế nhưng… không có được như thế. Bởi vậy, tuy rất nhớ nhưng em rất sợ mỗi khi có ai nhắc đến chuyện buồn của cá nhân em. Mỗi lần phải nhắc lại, em rất đau lòng và nỗi nhớ lại trỗi dậy”, cô Thơm rơm rớm nước mắt chia sẻ.

Cô giáo Đặng Thị Thơm trong một buổi lên lớp.
Cô giáo Đặng Thị Thơm trong một buổi lên lớp.

Khát khao sớm có con để được vui vầy…

Cô Thơm sinh ra và lớn lên ở vùng “đất Tổ”. Có lẽ chính mảnh đất thiêng liêng và hoàn cảnh đã tạo cho cô nghị lực sống phi thường.

“Từ bé đến giờ, em luôn coi mẹ kế của em như mẹ đẻ. Mẹ em cũng chăm sóc, dạy dỗ chúng em như con đẻ. Sau khi đi học xong Đại học Hùng Vương, bạn bè rủ em lên Tây Bắc. Trong 4 năm từ 2011 - 2015 em cũng xin vào nhiều trường ở các tỉnh Lai Châu và Phú Thọ công tác. Cũng bởi có cơ duyên với Mường Nhé nên em đã vào đây từ cuối năm 2015. Ở với các cháu con em đồng bào dân tộc thiểu số trong này đã 5 năm, thấy thương các cháu có hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi. Cá nhân cũng chỉ muốn gắn bó với các cháu mãi thôi!”, cô Thơm chia sẻ.

“Cô Thơm là một trường hợp khá đặc biệt của nhà trường. Hoàn cảnh thì khó khăn, vất vả song tôi thấy cô Thơm luôn nỗ lực để vượt qua. Cô ấy luôn hăng hái, trách nhiệm với công việc được giao. Từ năm vào công tác đến giờ, năm học nào cô Thơm cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và được các cấp khen thưởng. Qua tâm sự, được biết vợ chồng cô ấy cưới nhau đã 2 năm nay song chưa có cháu để vỗ về. Chúng tôi cũng mong muốn niềm ao ước của cô chú ấy sớm thành hiện thực để cô yên tâm bám bản, bám trường”, thầy giáo Nguyễn Quang Tuyến, Hiệu trưởng Trường THCS Pá Mỳ cho biết.

Năm 2018, cô Thơm đem lòng yêu thương một thanh niên khôi ngô, tuấn tú cùng quê. Hai vợ chồng “rồng rắn” nhau lên Pá Mỳ sinh sống và lập nghiệp. Từ ngày cưới đến nay, hai vợ chồng luôn đau đáu với mong muốn sẽ sớm có được đứa con đầu lòng để vỗ về, chăm sóc và dạy dỗ. Thế nhưng điều mong muốn đó mãi vẫn chưa trở thành hiện thực.

Mỗi năm, cứ đợi dịp hè thì vợ chồng cô Thơm lại thấp thỏm về quê để thăm khám và tìm hướng chạy chữa. Gia đình hai bên cũng quan tâm, lo lắng nên mỗi khi nghe thấy ở đâu có thầy “cao tay” chữa chứng hiếm muộn thì lập tức tìm đến để nối dài thêm hy vọng.

Hiểu được những thiệt thòi, nỗ lực của người vợ trẻ, anh Đặng Khương Duy (chồng cô Thơm) luôn dành những tình cảm chân thành, nồng ấm nhất cho cô Thơm.

“Chồng em chiều em lắm. Chúng em ở nhà tập thể của trường nên mỗi khi rảnh rỗi là anh ấy lo toan hết công việc ở nhà. Mỗi khi rời lớp học về thì em chỉ việc ăn cơm và nghỉ ngơi thôi. Chúng em luôn động viên nhau sẽ cố gắng yêu thương nhau để làm ăn. Sau này có con rồi thì cùng nhau chăm sóc và dạy dỗ”, cô giáo Đặng Thị Thơm chia sẻ.

Cô Thơm ngẫm thấy trong cuộc sống này vẫn còn rất nhiều người thiếu may mắn hơn cô, song họ vẫn mạnh mẽ vượt qua. Vì thế, vợ chồng cô luôn tay trong tay nuôi hy vọng mới. Họ vẫn miệt mài cố gắng và mong đợi điều kỳ diệu sẽ xảy ra tại chính nơi địa đầu của Tổ quốc này!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ