Pá Hu ước vọng ngày mai

Pá Hu ước vọng ngày mai

(GD&TĐ) - Bản Pá Hu nằm vắt vẻo trên núi cao. Tên bản trùng với tên xã nhưng từ trung tâm UBND xã Pá Hu (Trạm Tấu- Yên Bái) lên đến bản Pá Hu, người ta phải qua dòng suối Nậm Tung, qua cầu treo, con đường rừng hẹp và khó đi, chỉ có một cách duy nhất là đi bộ và “thưởng thức” đặc sản sương mù dày đặc những ngày mùa đông. Đến đầu bản, những căn nhà gỗ lụp xụp nằm quanh ngọn núi, ánh đèn dầu leo lét mỗi đêm trong cái giá lạnh đến thấu xương…

Bản có nhiều “cái không”

Đó là lời thổ lộ của anh Mùa A Vàng trưởng bản khi trò chuyện với chúng tôi về cuộc sống và điều kiện của bản Pá Hu hiện nay. Anh trưởng bản cho biết, cùng với bản Tà Tàu và Háng Gàng, Pá Hu là một trong ba bản khó khăn nhất của xã Pá Hu, nơi định cư của 111 hộ người Mông từ lâu đời. Đường đến Pá Hu khó khăn lắm, thời tiết ở đây lại hay mưa nên đường thường xuyên lầy thục. Điều đó làm cho việc đi lại của bà con dân bản hết sức khó khăn. Nhưng đường đi lên bản dù khổ đến mấy cũng thua những khó khăn của Pá Hu hiện nay. Theo anh Mùa A Vàng, Pá Hu hôm nay nhiều “cái không” quá, mà cứ nhiều không như thế thì bản mãi vẫn cứ nghèo. Không điện, không đài, không sách báo. Điều này có thể đủ minh chứng để giải thích vì sao trình độ dân trí của Pá Hu nhiều năm dài ở vào loại thấp, sự lạc hậu ở phong tục tập quán của người dân nơi đây hiện diện rất rõ qua lối sống và cách làm kinh tế.

Pá Hu ước vọng ngày mai ảnh 1
Được sự quan tâm của Nhà nước trẻ em Pá Hu tích cực xuống núi học chữ

 Pá Hu nghèo lắm, cả bản có tới 85 hộ nghèo. Canh tác chủ yếu là cây ngô, cây sắn trên nương đồi, lúa nước ít, không năng suất nên những ngày giáp hạt, thiếu ăn với người dân Pá Hu là chuyện bình thường. Cuộc sống khó khăn nhưng do hiểu biết về hôn nhân và gia đình còn hạn chế nên tỷ lệ hộ gia đình sinh con thứ ba nhiều, tỷ lệ trai gái tảo hôn cũng không ít. Đó là những nguyên nhân làm cho cuộc sống ở Pá Hu vốn đã khó khăn lại càng nhọc nhằn hơn. Giá như có điện, có đường và nhiều phương tiện thông tin đại chúng khác có lẽ đời sống kinh tế, văn hóa ở Pá Hu sẽ sáng láng hơn. Đó là mong mỏi của trưởng bản Mùa A Vàng cũng như 111 hộ dân người Mông nơi đây. 

Gian nan chuyện học

Nhiều năm trước đây, chuyện học đối với bọn trẻ ở Pá Hu thật là khó khăn. Không phải là chúng không muốn đi học mà thật ra là “cái khó bó cái khôn”. Cái áo còn chưa ấm, bụng chưa no thì em nào dám nghĩ đến chuyện đến trường học chữ. Nhưng bỏ học sao được, xã và nhà trường đã tìm mọi cách vận động học trò khi các em theo cha mẹ lên nương rẫy trồng ngô trồng lúa kiếm cái ăn. 

Thầy giáo Giàng A Chu (Dân tộc Mông), người của Pá Hu và từng gắn bó với Pá Hu gần 20 năm kể lại rằng trước đây để học trò xuống núi học chữ khó lắm. Một phần vì nhà xa trường, một phần vì đói nghèo và trình độ dân trí thấp. Qua lời kể, chúng tôi thầm hiểu được vì sao khi con chữ không về tới bản thì có lẽ đói nghèo, đẻ nhiều và nhiều cái không như cái vòng luẩn quẩn bám chặt lấy bản Mông này trong nhiều năm dài. 

Pá Hu ước vọng ngày mai ảnh 2
Con chữ Pá Hu vẫn mong nhận được sự chung tay của xã hội

Không để học sinh trong độ tuổi thất học, Đảng ủy xã cùng nhà trường và các thầy cô giáo ráo riết tuyên truyền và vận động đến từng hộ dân về việc học chữ của con em. Lúc đầu thấy khó nhưng sau nghe ra, các hộ gia đình đều cho con em mình xuống núi học chữ. Xã có trường bán trú nên họ cũng đỡ lo về con đường xa và chỗ ăn ở của bọn trẻ. 

Tuy đi học nhưng nhiều cái khó còn níu chân bọn trẻ. Đến lớp, vừa học chữ, các em còn phụ giúp cha mẹ địu theo em nhỏ đi để trông và dỗ em. Ngồi trên bàn học trước đây đâu chỉ có học sinh mà còn lác đác những em bé với đôi mắt ngơ ngác. Rồi khi tan học, các em phải vội vã trở về để lên nương rẫy giúp cha mẹ. Biết bao cái khó cho việc nâng cao chất lượng giáo dục ở bản Mông xa xôi này. Những năm trước đây, để xuống trường học, bọn trẻ phải vượt qua gần chục cây số đường rừng nên sĩ số lác đác trong mỗi buổi học là chuyện bình thường. Hơn nữa, thầy cô bám bản chỉ được vài năm rồi lại chuyển xuống vùng thấp nên nhiều cái khó cho con chữ ở đây được ươm mầm và trưởng thành.

Không để cho Pá Hu chờ đợi lâu, Đảng và Nhà nước đã dành chế độ ưu tiên cho các xã, thôn bản trong diện hưởng dự án 135, 30a của Chính phủ nên “luồng gió ấm” đã đến với Pá Hu và học sinh nơi đây. Điểm trường tương đối kiên cố được dựng ngay tại trung tâm bản Pá Hu. Cùng với đó là chế độ ưu tiên và hỗ trợ cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn về ăn ở, sinh hoạt tại trường. Vậy là, khoảng cách đến trường đã rút ngắn đáng kể, áo thêm ấm và bát cơm thêm đầy với trẻ em Pá Hu. Chúng tôi thầm nghĩ, nếu cứ để cho Pá Hu tự mình gượng dậy thì có lẽ cũng phải chờ mất thời gian khá dài nữa và con chữ nơi đây khó lòng có thể khởi sắc. Và như vậy, trình độ dân trí nơi đây khó mà nâng lên được. Nhưng giờ Pá Hu đã khác trước nhiều.

Theo các thầy cô giáo ở Pá Hu thì từ khi có chế độ cho điểm trường tại bản thì học sinh chăm chỉ đến trường hơn, tích cực học hơn và tỷ lệ chuyên cần luôn duy trì trên 97%. Cùng với hai điểm trường khác của xã là Háng Gàng, Tà Tàu dẫn đầu huyện Trạm Tấu về tỷ lệ chuyên cần. 

Ở Pá Hu tuy mây mù quanh năm bao phủ nhưng từ xa nhiều người biết và tìm đến. Đó là những chuyến đi mang nghĩa tình của những đoàn tình nguyện hè, tình nguyện mùa đông đến với người dân và bọn trẻ nơi đây. Nhiều tấm áo ấm, đồ dùng học tập, vở ghi được các đoàn tình nguyện trao tặng cho học sinh bản Pá Hu. Bọn trẻ vui lắm và có thêm nhiều niềm tin để học khi được động viên và giúp đỡ. 

Pá Hu hôm nay đã có sự chuyển mình. Tín hiệu ấy được nhận diện qua những đồi ngô, đồi lúa xanh tốt. Trình độ dân trí cũng được nâng lên qua sự quyết tâm của dân bản về việc giảm tỷ lệ sinh. Học sinh của bản thì không bị thất học như trước nữa mà ngày ngày xuống núi học chữ, mong trở thành cán bộ tốt cho dân cho bản. 

Pá Hu những ngày cuối năm rét thấu xương, mây mù cuộn lên quanh sườn núi nhưng lòng người Pá Hu dấy lên niềm quyết tâm và hy vọng vào một ngày mai tươi sáng. Chia tay Pá Hu xuống núi, chúng tôi thầm nghĩ ước vọng ngày mai của Pá Hu sẽ theo con chữ mà thành hiện thực. 

Nguyễn Thế Lượng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ