Ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nói về: Khuyến khích học sinh sáng tạo

Ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nói về: Khuyến khích học sinh sáng tạo

(GD&TĐ) - Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2013-2014 kết thúc để lại nhiều hiệu ứng tốt trong dư luận xã hội bởi tính nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế trong tổ chức thi cũng như cách ra đề đổi mới, phổ điểm chuẩn hợp lý... Xoay quanh vấn đề này, GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội.

Xin ông cho biết một số đánh giá về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2013-2014?

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2013-2014 đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Xã hội đánh giá cao việc ra đề các môn thi. Phổ điểm chuẩn năm nay cũng phù hợp hơn với công tác tuyển sinh. Không chỉ dừng ở tuyển sinh mà kỳ thi năm nay gắn với nhiều vấn đề khác trong giáo dục, gắn với cuộc sống, từ đó định hướng đổi mới dạy học trong nhà trường phổ thông.

Đề thi năm nay được dư luận đánh giá cao. Ý tưởng mà Hội đồng đề thi của ngành muốn gửi gắm là gì, thưa ông?

Ông Lê Ngọc Quang
Ông Lê Ngọc Quang
 

Hội đồng ra đề muốn gửi gắm thông điệp tới giáo viên, học sinh và phụ huynh về sự liên kết mật thiết giữa kiến thức trong sách vở với cuộc sống và khuyến khích sự sáng tạo, hình thành tác phong nghiên cứu khoa học trong học sinh. Cụ thể, với các bộ môn xã hội (Văn, Lịch sử, Địa lý), việc ra đề theo hướng gắn với cuộc sống, yêu cầu học sinh không chỉ học bó gọn kiến thức trong sách giáo khoa mà phải quan tâm tới cuộc sống, tránh sự vô cảm, ích kỷ trước cuộc sống.

Chẳng hạn như ở đề thi môn Văn đại trà có hai phần và nhiều câu hỏi nhỏ nhưng cái hay của đề Văn này là có sự liền mạch giữa các câu hỏi. Phần 1 hướng thí sinh đến suy nghĩ về lý tưởng sống, khát vọng được cống hiến những điều tốt đẹp nhất cho cuộc sống một cách khiêm nhường, chỉ như “một nốt trầm xao xuyến” qua đoạn trích bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải.

Phần 2, từ đoạn trích trong tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống chí” đề cập đến lời hiệu triệu của vua Quang Trung đối với tướng sĩ trong việc hiệp sức để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ vốn đã được phân định, yêu cầu thí sinh trình bày hiểu biết của mình. Và cũng từ đoạn trích, yêu cầu thí sinh liên hệ, suy nghĩ về hình ảnh người chiến sĩ đang bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ý thức về chủ quyền thiêng liêng của dân tộc, khát vọng cống hiến, khát vọng sống hết mình cho Tổ quốc ở những thời điểm lịch sử khác nhau là chủ đề đậm nét trong đề thi văn của Hà Nội. Cũng như vậy, đề thi chuyên Sử, Địa cũng có sự gắn bó với tình hình chính trị thời sự chứ không chỉ co gọn trong sách giáo khoa. Đề thi chuyên Văn có phần nghị luận xã hội rất ấn tượng khi đề cập đến Nick Vujicic, một nhân vật nổi tiếng, nhằm gợi mở cho nhận thức và hiểu biết của học sinh về xã hội và khích lệ nghị lực vượt qua khó khăn.

Đối với các môn tự nhiên, việc ra đề hướng tới mục tiêu phát huy tính sáng tạo, tư duy nghiên cứu khoa học trong học sinh. Các câu hỏi yêu cầu học sinh không học máy móc, học theo kiểu luyện gà chọi hay ra theo các dạng bài toán khó, đánh đố, mà tập trung vào định hướng phát triển tư duy, ý thức nghiên cứu khoa học ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng mà chúng ta đang tập  trung, đó là đổi mới phương pháp dạy học, tư duy sáng tạo, suy nghĩ độc lập được khuyến khích và sẽ tác động theo hướng tích cực, thay thế việc dạy và học tủ, theo lối mòn trong học sinh. Cách làm này cũng nằm trong chỉ đạo chung về đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam; xây dựng một nền giáo dục không phải là giáo dục đóng kín mà là giáo dục mở, gần gũi với cuộc sống, đáp ứng yêu cầu cuộc sống, dạy học theo phát triển tư duy, tránh nặng về thuyết trình, sao chép theo cách cũ...

Việc ra đề môn thi ngoại ngữ với yêu cầu đủ các kỹ năng nghe nói đọc viết cũng là sự mạnh dạn đổi mới nhằm phát huy hết tố chất của học sinh.

Nữ sinh Hà Nội Ảnh: Cao Từ
Nữ sinh Hà Nội  Ảnh: Cao Từ
 

Tuy nhiên, cách ra đề có nhiều đổi mới, đặc biệt là lần đầu tiên có phần nghị luận xã hội trong đề thi Văn đã khiến nhiều thí sinh còn bỡ ngỡ khi làm bài. Có phải điều này khiến cho điểm chuẩn năm nay thấp hơn so với năm trước, thưa ông?

Chất lượng thi của thí sinh năm nay không thể nói không cao như các năm trước, mà thực tế phổ điểm chuẩn rất phù hợp với công tác tuyển sinh. Điểm đầu cao ít hơn, song điểm trung bình, khá nhiều hơn và điểm kém cũng ít đi là hoàn toàn phù hợp với công tác tuyển sinh trên địa bàn. Điều này cho thấy việc phân loại học sinh đã tốt hơn. Với đề Văn, đây là lần đầu tiên ra đề theo hình thức nghị luận xã hội nên có thể học sinh còn bỡ ngỡ, chưa quen với vận dụng kiến thức gắn với cuộc sống. Các em có kiến thức cơ bản dễ đạt điểm khá. Tuy nhiên, để đạt điểm cao 9,10 thì đòi hỏi các em phải có hiểu biết về thực tiễn cuộc sống, từ đó bộc lộ được quan điểm của mình.

Như vậy, có thể thấy phổ điểm chuẩn đã hợp lý hơn. Song thực tế vẫn còn sự chênh lệch điểm chuẩn giữa các vùng, miền. Nhận định của ông về vấn đề này?

Kết quả tuyển sinh cho thấy, một số trường ở khu vực xa thành phố có điểm chuẩn còn thấp. Mục tiêu thu hẹp khoảng cách chất lượng phải được khắc phục dần dần bằng nhiều biện pháp. Thời gian qua, ngành Giáo dục Thủ đô đã tập trung quan tâm bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ, đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học, bồi dưỡng học sinh yếu kém... ở các trường còn khó khăn về chất lượng giáo dục để nâng chất lượng đồng đều giữa các khu vực.

Với việc ra đề theo hướng mở, gắn với thực tiễn cuộc sống, đòi hỏi các nhà trường phải đổi mới phương pháp dạy học như thế nào, thưa ông?

Việc ra đề theo hướng mở, phát triển tư duy, sự sáng tạo của học sinh sẽ tiếp tục được quan tâm triển khai trong các kỳ thi sau. Qua đây yêu cầu các nhà trường chủ động, tích cực đổi mới cách dạy, học theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh, gần gũi với cuộc sống, tránh học vẹt, học tủ, luyện trung tâm mà phải xây dựng tư duy nghiên cứu, phương pháp tự học cho học sinh.

Giang Kiều (Thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ