Ông chủ phim trường khởi nghiệp với 12 nghìn đồng

GD&TĐ - Sở hữu phim trường ngoại cảnh thiên nhiên rộng nhất tại TPHCM, thế nhưng ít ai biết rằng ông chủ trẻ Hoàng Ngọc Huy đã từng rớt nước mắt giữa phố lạ quê người khi trong túi chỉ còn đúng 12 nghìn đồng.

Ông chủ trẻ Hoàng Ngọc Huy
Ông chủ trẻ Hoàng Ngọc Huy

Alibaba là phim trường cưới thiên nhiên lớn nhất tại miền Nam hiện nay. Thật khó có thể tưởng tượng khi giữa thành phố người đông đất chật lại xuất hiện một phim trường cưới rộng rãi với nhiều khung cảnh miền quê thú vị như vậy. Hoàng Ngọc Huy cho biết, đây là phim trường có diện tích thiên nhiên cây xanh lớn nhất tại TPHCM với tổng diện tích khoảng 10.000 mét vuông và hơn 100 mét mặt tiền bờ sông thoáng đãng và lãng mạn.

Khởi nghiệp với 12 nghìn đồng cùng cái điện thoại cũ

Sinh ra ở vùng đất miền Trung nắng gió, ngay từ nhỏ, Hoàng Ngọc Huy đã ý thức bản thân phải là chỗ dựa cho người thân trong gia đình. Chính vì vậy, chàng trai có vóc người nhỏ nhắn đã không ngần ngại cất bước dấn thân mà hành trình mưu sinh lập nghiệp từ Hải Lăng (Quảng Trị) đến Nha Trang, Đà Lạt, rồi điểm dừng hiện tại là Sài Gòn với những câu chuyện thấm đẫm mồ hôi và nước mắt.

Không giống như nhiều bạn cùng trang lứa, ngay từ nhỏ Hoàng Ngọc Huy đã làm rất nhiều việc, đầu tiên là phục vụ cho một quán ăn ở địa phương và từ đó anh nhận ra bản thân rất yêu thích về nhiếp ảnh.

Năm 14 tuổi, anh tìm cách lân la với chủ một vài tiệm chụp hình tại địa phương xin học thí công, sẵn sàng làm mọi công việc chủ giao cho, miễn sao anh có cơ hội được tiếp cận nghề nghiệp. May mắn có chủ một hiệu ảnh nhỏ thương tình, gợi ý anh tư vấn và buôn bán máy ảnh cũ, thế là Hoàng Ngọc Huy đã có thêm một khoản chi phí để làm vốn.

Được chủ khích lệ, anh cùng với một bạn trẻ khác mở tiệm về nhiếp ảnh. Thế nhưng may mắn đã không hoàn toàn mỉm cười với anh, khi lần lượt các cơn bão kéo về miền Trung gây nhiều thiệt hại, tiệm của anh tan tác không còn có cơ hội vực dậy.

Không đầu hàng số phận, 27 Tết của năm 2006, Hoàng Ngọc Huy cùng một người bạn quyết định nhảy tàu vào Nha Trang để tìm cơ hội nghề nghiệp. Tại đây thấy khó khăn, Hoàng Ngọc Huy tiếp tục vào Đà Lạt tìm cơ hội.

Những ngày cận Tết, trong khi nhà nhà êm ấm đoàn tụ bên nhau thì bản thân anh phải co ro nơi đất khách, đi ghi nhận từng dòng địa chỉ, từng số điện thoại để vừa bước sang mùng 6 Tết, anh lại gõ cửa từng nơi để xin việc nhằm học hỏi.

Hoàng Ngọc Huy nhớ lại: “Lúc đó mình đã đi gõ cửa rất nhiều nơi nhưng không phải nơi nào người ta cũng sẵn sàng đón nhận. Vả lại, cơ hội để làm việc tại các phòng lab, hiệu ảnh không nhiều nên mọi thứ cứ tiếp tục mịt mù”.

May mắn, anh được một hiệu ảnh nhỏ tại Đà Lạt tiếp nhận nhưng trước những tâm sự về dự định và ý chí lập nghiệp của chàng trai trẻ, người chủ tiệm nhiếp ảnh tại xứ sở ngàn hoa đã khuyên anh nên vào Sài Gòn để kiếm thêm cơ hội.

Không một chút ngần ngại, Hoàng Ngọc Huy gói ghém hành trang vào TPHCM, khi trong người chỉ có vài chục nghìn cùng cái điện thoại Samsung kiểu bật nắp khá cũ.

Anh nhớ lại: “Trước khi vào Sài Gòn, mình lên mạng rà soát các mối quan hệ, nhìn tới nhìn lui cũng chỉ có một đứa bạn sinh viên đồng hương nên đành nhờ nó giúp một điều duy nhất là ra đón, chứa chấp 1 ngày để đi xin việc. Bạn bè lâu lâu gặp lại, cầm số tiền mọn uống ly cà phê xong thì chỉ còn đúng 12 nghìn đồng. Ngại phải nói với bạn lắm nhưng vẫn cố gắng không để bạn biết”.

Với 12 nghìn đồng trong túi và cái điện thoại cũ, Hoàng Ngọc Huy tự ý thức được rằng, nếu không xin được ngay việc thì anh buộc phải bán chiếc điện thoại. Với số tiền nhỏ thu được, anh có thể mua cơm sống được 2 - 3 ngày, nhưng sau đó sẽ như thế nào bản thân anh cũng không hề nghĩ đến.

Quyết định xong, anh thả bộ suốt con đường Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình, TPHCM), có nhiều tiệm chuyên về ảnh cưới để xin việc. Đi tới đâu người ta cũng lắc đầu vì nhu cầu tuyển thợ không có, lại thấy anh thất thểu phương xa đến, không biết nhân thân như thế nào nên càng thêm khó khăn. Đến tiệm ảnh cuối cùng, Hoàng Ngọc Huy đánh liều xin đến 3 lần mới được ông chủ trẻ của hiệu ảnh đồng ý.

Anh nhớ lại: “Khi vừa bước vào tiệm, ngỏ lời xin được vào làm nhiếp ảnh thì ông chủ tiệm không hề nhìn lên, khoát tay nói không có nhu cầu tuyển. Thế là mình lại đi ra nhưng vừa đến cửa, mình sực nhớ đây là hiệu ảnh cuối cùng rồi nên đành vòng lại hỏi ông chủ tiệm một lần nữa là ở đây có tuyển thợ photoshop không vì mình biết photoshop. Ông ấy lại khoát tay lần nữa. Và mình lại tiếp tục đi ra. Lúc đó trong đầu mình hoang mang và lo lắng lắm nhưng cũng chính nhờ vậy mà mình quyết định trở lại một lần nữa nói với ông chủ mình chỉ cần được bao ăn ở để làm việc, chứ không đặt nặng vấn đề tiền lương. Đến lúc này thì ông chủ tiệm mới xiêu lòng, giữ mình lại hỏi han và đồng ý cho mình vào làm việc với mức lương lúc đó là một triệu hai”.

Khơi dựng phim trường lớn nhất Sài Gòn

Hoàng Ngọc Huy cho biết, thời gian ở hiệu ảnh này do không có nhiều nhân viên nên anh phải làm cùng lúc rất nhiều việc, từ tiếp khách, tư vấn đến chụp ảnh, in ấn và bàn giao sản phẩm. Công việc tuy cực nhưng mang lại cho anh nhiều trải nghiệm và học hỏi thú vị.

Có vẻ như ông trời cũng không bao giờ phụ lòng người cố gắng. Sau khi tiệm ảnh trên đường Phạm Văn Hai bị dẹp vì chủ không còn khả năng trả nợ nên bán, Hoàng Ngọc Huy liền đầu quân cho một hiệu ảnh khác và tại đây với những quan sát, học hỏi và trải nghiệm, anh hoàn toàn nắm vững quy trình, cũng như mọi sự chuẩn bị cần thiết cho lập nghiệp.

Năm 2009, Hoàng Ngọc Huy bắt đầu mở hiệu ảnh đầu tiên trên đường Lê Trọng Tấn, (Q.Tân Bình). Vì không có vốn nhiều nên anh và bạn gái cùng người thân trong gia đình thay nhau quán xuyến tất cả mọi việc. May mắn và phù hợp với nghề nghiệp, anh liên tục mở tiếp tiệm thứ 2 và thứ 3, chỉ trong vòng 6 năm.

Năm 2016, trước cơn sốt phim trường ồ ạt, Hoàng Ngọc Huy nhớ lại ước mơ và dự định từng mong muốn mở phim trường với đặc điểm là phải khác biệt, thế là anh lại bôn ba đi tìm địa điểm xây dựng và thiết kế.

Một góc phim trường Alibaba
 Một góc phim trường Alibaba

Phim trường Alibaba ra đời chỉ trong một thời gian ngắn khoảng 4 tháng và một lần nữa, hướng đi mới của anh đã mang đến nhiều thuận lợi. Anh kể: “Do nhà có studio chụp ảnh cho khách nên mình rất hiểu tâm lý và mong muốn của khách hàng. Nhiều cặp vợ chồng nghèo, không có điều kiện dư dả thì rất khó có được một bộ ảnh ưng ý, đầy đủ khung cảnh truyền thống và hiện đại, nhất là khung cảnh làng quê. Trong khi đó, các phim trường thiên nhiên hiện tại thì quá xa trung tâm thành phố, không phải ai cũng có đủ thời gian và kinh tế để đáp ứng. Vậy nên mình quyết định sẽ thành lập một phim trường ngay giữa lòng thành phố để đáp ứng cho nhu cầu chụp ảnh của mình và các nhiếp ảnh gia, bạn bè”.

Thật không dễ để thiết kế được một phim trường rộng lớn như hiện tại nên Hoàng Ngọc Huy tỉ mẩn làm từng chút một. Kỳ công đến mức có khi anh quên cả buổi cơm, sớm trưa hay chiều tối. Có một thời gian, anh gần như bỏ mọi thú vui của bản thân để tập trung gầy dựng phim trường. Anh chăm chút mỗi ngày mỗi giờ và ghi nhận từ mọi ý kiến hay đóng góp để ngày càng hoàn thiện.

Hiện tại, Alibaba đã trở thành phim trường quen thuộc của nhiều studio, nhiếp ảnh gia và cô dâu, chú rể. Nhiều khung cảnh hiện đại đẹp lung linh, hòa quyện giữa thiên nhiên, với cảnh trí thân thuộc mộc mạc đã khiến các cặp đôi cảm thấy ưng ý.

Hoàng Ngọc Huy cho biết sau tất cả những bôn ba vất vả, điều anh nhận ra đó chính là sự nỗ lực và ý chí quyết tâm trong mỗi con người sẽ mang đến sự thành đạt. Cá nhân anh trên hành trình để gọi là khởi nghiệp thành công vẫn còn nhìn thấy đích đến ở phía xa nhưng để có được những gì hôm nay thì rất xứng đáng để tự hào.

Anh nói rằng người thầy của anh rất nhiều. Đó là những người sống xung quanh anh, họ mang đến cho anh nhiều câu chuyện và kinh nghiệm thú vị. Anh xem Jack Ma như một tấm gương cũng bởi đây là người sẵn sàng nói lên tuyên bố không nhất thiết phải xin vào làm cho những công ty hay tập đoàn quá lớn vì chỉ ở những công ty vừa và nhỏ thì người học việc mới có nhiều cơ hội để trải nghiệm và học hỏi. Từ những cái nhỏ đó mà con người ta sẽ phấn đấu, vươn lên và trở thành gã khổng lồ.

Hoàng Ngọc Huy cũng bày tỏ sự luyến tiếc, khi sự khốn khó đã không cho anh cơ hội được học nhiều từ nhỏ nhưng anh cũng bày tỏ sự tự tin khi vẽ hướng đi rằng, chẳng điều gì có thể níu bước một khi chúng ta đã muốn học. Như lời anh chia sẻ: “Tôi sẽ tự trau dồi kiến thức và kinh nghiệm bằng hình thức tự học và học thông qua giao tiếp với bạn bè”.

Theo Tài Hoa Trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ