Quảng bá hình ảnh Việt Nam qua điện ảnh: Đường còn lắm chông gai

GD&TĐ - Thời gian qua Việt Nam đã trở thành điểm đến của nhiều dự án hợp tác làm phim quốc tế. Khi những bộ phim nước ngoài có sử dụng cảnh quay thiên nhiên tại Việt Nam ra mắt đã gây được sự chú ý và tiếng vang trên thế giới. Điều đó không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam mà còn thu hút một lượng du khách đông đảo tới tham quan du lịch.

Quảng bá hình ảnh Việt Nam qua điện ảnh: Đường còn lắm chông gai

Nhiều tiềm năng

Nhiều năm gần đây, khá nhiều dự án hợp tác làm phim quốc tế như: Người tình, Đông Dương, Điện Biên Phủ, Người Mỹ trầm lặng, Mùa len trâu… và gần đây nhất là bom tấn Kong: Đảo đầu lâu đã được quay tại Việt Nam.

Bộ phim Đông Dương được công chiếu tại Pháp không chỉ thu hút về nội dung phim mà một lượng lớn khách du lịch Pháp còn đổ về Quảng Ninh để du lịch, chiêm ngưỡng cảnh đẹp vịnh Hạ Long một cách trực tiếp sau khi bị hút hồn qua những thước phim.

Thậm chí, nhiều khách du lịch còn đến đặt đúng phòng khách sạn nơi diễn viên nữ chính đã ở để được tận hưởng, chìm đắm trong khung cảnh mà họ đã nhìn thấy trong phim. Phim Đông Dương không chỉ thu hút một lượng khách Pháp mà đến nay số lượng khách du lịch Nhật Bản đến tham quan vịnh Hạ Long cũng tăng lên đáng kể.

Hoặc bộ phim “Mùa hè chiều thẳng đứng” với nhiều cảnh quay ấn tượng ở vịnh Hạ Long cũng đang góp phần tích cực trong việc kéo khách đến với du lịch Quảng Ninh.

Và còn rất nhiều tác phẩm điện ảnh khác có thể kể tới khi có công trong việc thu hút khách du lịch đến với các địa phương mà phim được quay như: “Người tình” mang khách đến Sài Gòn; Chuyện của Pao giúp khách biết tới vẻ kỳ vĩ và cuốn hút của Hà Giang; Thiên mệnh anh hùng lấy bối cảnh ở hàng loạt địa danh du lịch nổi tiếng của Việt Nam như Khu du lịch Tràng An, khu văn hóa tâm linh Bái Đính, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, cố đô Hoa Lư (Ninh Bình); Đền Đô và chùa Bút Tháp (Bắc Ninh)…

với những góc quay đẹp, ánh sáng tinh tế đã tạo thành những khung cảnh mờ ảo, đậm chất sử thi. bộ phim “Ngọc Viễn Đông” giải thưởng: Phim có cảnh quay đẹp nhất. Khán giả quốc tế bị hấp dẫn bởi sự mê hoặc của ngôi nhà hoang ở Sa Pa giữa sương mù, Đà Lạt mộng mơ với những con dốc quanh co, Phan Thiết ám ảnh với những đồi cát mênh mang, biển xanh, nắng vàng…

Thành công của các tác phẩm điện ảnh trên là cơ hội lớn cho điện ảnh Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực hợp tác quốc tế mà góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Con đường còn nhiều chông gai

Theo ước tính, Quảng Ninh có 22 dân tộc sinh sống, hơn 600 di tích lịch sử - văn hóa, có những cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ như vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, núi Yên Tử, cảng Vân Đồn, đảo Cô Tô… là tiềm năng cho các nhà làm phim khai thác. Và tính đến nay đã có hơn 70 bộ phim truyện, tài liệu, phim truyền hình làm về Quảng Ninh hoặc lấy bối cảnh ở Quảng Ninh.

Tận dụng thế mạnh của điện ảnh để quảng bá du lịch là cần thiết nhưng làm thế nào để điện ảnh và du lịch “bắt tay” hiệu quả mới là điều quan trọng bởi theo kinh nghiệm đã chỉ ra của những người làm du lịch thì liên kết luôn là sức mạnh làm nên thắng lợi cho du lịch. Tuy nhiên, phải làm sao để điện ảnh trở thành kênh quảng bá du lịch tốt nhất vẫn là vấn đề đang cần lời giải, không phải nói là làm tốt ngay được.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã cho rằng một trong những nguyên nhân khiến các đoàn phim nước ngoài nản là việc “duyệt phim” cho các đoàn nước ngoài tại VN tốn rất nhiều thời gian do liên quan nhiều ban ngành (như ngoài cơ quan văn hóa còn phải thông qua ngoại giao, an ninh, tài nguyên môi trường…) nên nhiều khi chúng ta trả lời đồng ý thì họ đã chọn điểm quay ở nước khác.

Mặt khác, tình trạng một số đối tác trong nước nhận nhiệm vụ cung ứng dịch vụ, hỗ trợ cho các đoàn làm phim nước ngoài đã nâng giá, “ăn chặn” tiền của đoàn phim nước ngoài trả cho nhân viên, diễn viên người Việt (có mặt trong tác phẩm), làm mất uy tín về hình ảnh của những người làm điện ảnh Việt chân chính.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng muốn ngành điện ảnh nước nhà phát triển, cần phải có vai trò đầu tàu của các đơn vị nhà nước trong các chính sách, chiến lược, quy định đối với công tác quản lý hợp tác, sản xuất phim trong và ngoài nước.

Nhà nước cũng cần tập trung đầu tư về cơ sở vật chất cho ngành điện ảnh (phim trường, đạo cụ…), đầu tư đào tạo về con người bằng cách cho các bạn trẻ đi học tập ở các nước có ngành điện ảnh phát triển như Mỹ, Hàn Quốc… Các đơn vị sản xuất phim, đơn vị cung ứng dịch vụ làm phim cũng cần chủ động bắt tay với nhà nước để có những đầu tư hợp lý ngành điện ảnh Việt Nam.

Ngành điện ảnh cũng cần phối hợp hiệu quả với ngành du lịch để có thể quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới… Mặt khác, khi làm phim hợp tác với nước ngoài, các đơn vị trong nước cần giữ thế bình đẳng để không bị lấn áp, muốn làm gì thì làm, đến khi ra sản phẩm lại có những bộ phim không như kịch bản ban đầu đã được kiểm duyệt hoặc có những sai lệch về văn hóa, con người Việt Nam.

Cần khắc phục nhiều trong khâu hợp tác bởi chúng ta vẫn còn thụ động, chưa thực chất, vẫn thiếu nhân sự và kỹ thuật ngang tầm quốc tế để có thể làm việc chung. Hơn nữa, một bộ phận cấp quản lý vẫn chưa thấy hết tầm quan trọng và tính tất yếu của việc hợp tác quốc tế trong sản xuất phim và quảng bá hình ảnh Việt.

Kinh nghiệm từ nền điện ảnh Hàn Quốc có thể giúp điện ảnh Việt Nam tham khảo. Để ngành điện ảnh phát triển, nước này đã đứng ra xây dựng phim trường riêng. Theo đó, khi đến phim trường, các đoàn làm phim chỉ cần có diễn viên, đạo diễn… mà không phải lo về trang phục, đạo cụ.

Việc này không chỉ giúp các đoàn làm phim giảm nhiều chi phí mà sau khi quay xong, hiện trường này còn được sử dụng để quay các bộ phim khác, đồng thời phục vụ cho phát triển du lịch. Trong khi đó tại Việt Nam, mỗi khi làm một bộ phim, đoàn làm phim đều phải dựng phim trường mới; sau khi đoàn làm phim dời đi thì phim trường cũng phải bỏ, đoàn làm phim khác muốn sử dựng phim trường này thì phải đầu tư kinh phí mới. Điều này vừa mất thời gian và rất tốn kém.

Có tiềm năng và nhìn ra được lợi thế từ tiềm năng. Song sự kết hợp khai thác của ngành điện ảnh vẫn còn hạn chế và kết quả khiêm tốn. Đã đến lúc ngành điện ảnh cần có cái bắt tay chiến lược, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa. Chỉ có như vậy, chúng ta ngành mới có thể phát huy được tiềm năng, thế mạnh và giúp lợi thế đó phát triển bền vững.

Với nhiều nước trên thế giới, việc liên kết hợp tác điện ảnh với nước ngoài để quảng bá hình ảnh, hỗ trợ du lịch không còn mới mẻ. Nhưng tại Việt Nam, mặc dù có nhiều lợi thế về lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh… song sự kết hợp còn thiếu chặt chẽ và tính chuyên nghiệp. Kết quả là chúng ta vẫn đang bỏ ngỏ những tiềm năng, lợi thế có thể hỗ trợ quảng bá một hình ảnh Việt Nam ra thế giới rộng rãi hơn nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ