Ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Không để trò tắt hy vọng

GD&TĐ - Gia cố kiến thức cho nhóm học sinh có học lực yếu kém trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, các trường đã sử dụng nhiều biện pháp để hỗ trợ, giảng dạy.

Một giờ học của thầy trò Trường THPT Minh Quang (huyện Ba Vì, Hà Nội). Ảnh: Vân Anh
Một giờ học của thầy trò Trường THPT Minh Quang (huyện Ba Vì, Hà Nội). Ảnh: Vân Anh

Ôn thi miễn phí

Hưởng ứng phong trào “Nhà giáo Hà Nội giúp đỡ học sinh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT” nhiều năm qua, cô Vũ Thị Ngọc Linh - giáo viên môn Toán, Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Đình, Hà Nội) đã đảm nhiệm công việc giảng dạy và ôn thi cho học sinh yếu kém khối 12 của trường. Các em đều có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, mất gốc về kiến thức, ý thức học tập chưa cao.

Khi đảm nhận nhiệm vụ, cô Linh tìm mọi cách kích thích tinh thần tự giác, cố gắng vươn lên, tạo niềm tin cho trò yên tâm ôn luyện. Nữ giáo viên chia sẻ: “Trước khi bước vào giảng dạy, tôi lên kế hoạch, xây dựng khung chương trình ôn thi, biên soạn hệ thống câu hỏi cho từng dạng bài, chuyên đề theo các mức độ từ dễ nhất đến nâng dần độ khó; bám sát các đề tham khảo của Bộ GD&ĐT để học trò nắm kiến thức cơ bản và không thấy sợ môn Toán trong quá trình học”.

Cùng đó, cô luôn quan tâm, chú ý xem học sinh yếu ở phần kiến thức nào để có biện pháp giúp đỡ kịp thời; thường xuyên trao đổi, kết hợp với giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh nắm bắt tâm sinh lý, giúp đỡ các em trong quá trình ôn tập.

Tại Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An (TP Vinh, Nghệ An), thời điểm này, nhà trường huy động mọi nguồn lực để ôn luyện cho học sinh lớp 12. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Kiều Hoa cho biết: “Sau mỗi đợt thi thử tốt nghiệp, chúng tôi họp hội đồng giáo dục gồm: Ban giám hiệu, tổ trưởng, nhóm trưởng chuyên môn, giáo viên dạy 12 để đánh giá.

Những môn điểm cao, thầy cô chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy hiệu quả. Môn điểm thấp, giáo viên phải tìm cách tháo gỡ, giúp đỡ học sinh. Ban giám hiệu cử thêm giáo viên trong tổ hỗ trợ. Qua mỗi đợt thi thử, em nào đạt điểm cao được nhà trường thưởng động viên, khích lệ”.

Không chỉ vậy, Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An còn kết nối với sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, giỏi tham gia phụ đạo miễn phí cho học sinh yếu kém.

Trường THPT Tiền Phong (huyện Mê Linh, Hà Nội), để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đã tạo tài khoản trên Hanoistudy cho học sinh dễ dàng làm bài khảo sát. Phụ huynh có thể theo dõi kết quả học tập, từ đó phối hợp hiệu quả hơn với nhà trường.

Nhà trường cũng tiến hành khảo sát, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, bộ môn phân loại học sinh theo từng nhóm, có kế hoạch và nội dung ôn tập phù hợp. Thầy Nguyễn Quốc Nam - Hiệu trưởng Trường THPT Tiền Phong cho hay: “Với học sinh yếu kém, nhà trường thực hiện tổng hòa nhiều giải pháp trong số đó tiến hành phân loại. Căn cứ vào kết quả học trên lớp và các kỳ khảo sát, trường xếp lớp kèm cặp theo môn. Nhờ đó, nhóm học sinh này chỉ còn khoảng 20 em và đang tiếp tục ôn tập tăng cường”.

Trường THPT Văn Giang (Văn Giang, Hưng Yên) có 562 học sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, trong đó tổ hợp Khoa học tự nhiên là 308 em; Khoa học xã hội: 254 em. Đến thời điểm này, nhà trường tích cực ôn tập cho học sinh để có kiến thức vững vàng bước vào kỳ thi.

Thông tin từ cô Nguyễn Hồng Ngân - Hiệu trưởng Trường THPT Văn Giang: “Nhà trường tổ chức ôn tập theo nguyện vọng, tổ hợp mà các em đăng ký. Ngoài hỗ trợ của thầy cô cho học sinh năng lực trung bình, nhà trường vận động thêm học sinh khá, giỏi tham gia hỗ trợ ôn luyện để vừa ôn lại kiến thức, vừa giúp bạn tiến bộ”.

Cô trò Trường THPT Tiền Phong (Mê Linh, Hà Nội) ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Vân Anh

Cô trò Trường THPT Tiền Phong (Mê Linh, Hà Nội) ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Vân Anh

Chăm chút, hỗ trợ từng em

Là trường có điểm đầu vào thấp nhất thành phố Hà Nội nhiều năm qua, Trường THPT Minh Quang (Ba Vì, Hà Nội) luôn duy trì thành tích 100% đỗ tốt nghiệp THPT. Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Duy Bỉnh, để nâng cao chất lượng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, công tác phụ đạo học sinh yếu kém được đặc biệt quan tâm.

Nhà trường phân luồng, chia nhỏ lớp để phụ đạo; giao trách nhiệm cho từng thầy cô kèm cặp học sinh diện đặc biệt, học lực yếu, kém. Ngoài giờ dạy trên lớp, mỗi thầy cô nhận đỡ đầu từ 1 - 2 học sinh để bổ trợ, giúp các em đủ kiến thức vượt qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Bên cạnh đó, ban giám hiệu nhà trường sát sao từng giờ, ngày trong công tác quản lý, kiểm tra đánh giá, thay đổi phương án chỉ đạo, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin… để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, phụ đạo học sinh yếu kém, ôn thi tốt nghiệp THPT nói riêng.

Chiến thuật “ngày ôn, tối thi; học trực tiếp, thi trực tuyến” được áp dụng liên tục trong nhiều tháng liền sát ngày thi, nhà trường áp dụng chiến thuật “1 - 2; 1 - 1” để kèm cặp những học sinh yếu nhất khối. Mỗi thầy cô kèm 1 hoặc 2 học sinh cả trực tiếp và trực tuyến, không kể thời gian ngày hay tối, ngày thường hay cuối tuần.

Tương tự, tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), việc tổ chức ôn thi tốt nghiệp cho học sinh 12 được nhà trường xây dựng kế hoạch và triển khai ngay từ đầu năm học. Do học viên của trung tâm có đầu vào yếu nên luôn phải theo dõi sát sao, chăm chút, hỗ trợ từng em.

Năm nay, trung tâm có 80 thí sinh sẽ dự thi tốt nghiệp THPT. Quá trình ôn tập, trung tâm chia từng giai đoạn, học đến đâu ôn tập đến đó. Khi kết thúc chương trình thì vừa ôn tập kết hợp luyện đề thi minh họa. Giai đoạn này, thầy cô củng cố kiến thức và hướng dẫn các em giải đề thi, kỹ năng làm bài thi. Sau các lần thi thử, căn cứ vào chất lượng sẽ lựa chọn các em có nguy cơ “trượt” tốt nghiệp để phụ đạo thêm.

Bà Lê Thị Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Vĩnh Linh cho biết: “Sau lần thi thử thứ nhất (đầu tháng 4/2024), chúng tôi phân loại học viên có điểm thấp để kèm cặp. Đến lần thi thử thứ 2, rà soát, sàng lọc lại thêm lần nữa, chọn những em điểm thấp (chiếm khoảng 15 - 20%) để bổ trợ kiến thức giúp các em vững vàng hơn khi bước vào kỳ thi. Không những thế, thầy cô còn phát huy tinh thần trách nhiệm và luôn sát cánh, động viên học viên, đặc biệt với những em học lực yếu vươn lên, vượt qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT”.

Là ngôi trường có học sinh dân tộc thiểu số Vân Kiều chiếm đa số, 2 năm nay, Trường THPT Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) không phân chia học sinh theo nhóm để ôn thi tốt nghiệp mà để các em học tập theo lớp cùng các bạn. Tuy nhiên quá trình dạy, giáo viên soạn giáo án riêng để giúp học sinh nắm vững kiến thức các môn học có nguy cơ trượt tốt nghiệp.

“Để làm được điều này trong từng lớp, giáo viên phải nắm được học lực của mỗi em, có kế hoạch bổ trợ kiến thức phù hợp. Đồng thời, chúng tôi thiết lập phương pháp học “đôi bạn cùng tiến” kèm cặp lẫn nhau”, thầy Nguyễn Hữu Thịnh - Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Phùng chia sẻ.

Cùng đó, từ học kỳ I, Đoàn trường THPT Hướng Phùng, Chi đoàn giáo viên đã tổ chức các lớp phụ đạo học sinh yếu kém. Giai đoạn từ nay đến trước kỳ thi, nhà trường tiếp tục rà soát, chỉ đạo giáo viên theo sát, kèm cặp, lưu tâm những em yếu để tăng cường hướng dẫn giải đề thi minh họa, trang bị kỹ năng nhận biết đề thi, làm bài thi… Nhờ nỗ lực trên, hai năm gần đây, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp ở mức hơn 85%, trong khi từ năm 2021 trở về trước, tỷ lệ này chỉ chừng 70%.

Sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, ngành Ngữ văn (Trường ĐH Vinh) hỗ trợ học sinh lớp 12 Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An ôn thi tốt nghiệp. Ảnh: NTCC

Sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, ngành Ngữ văn (Trường ĐH Vinh) hỗ trợ học sinh lớp 12 Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An ôn thi tốt nghiệp. Ảnh: NTCC

Động viên kịp thời

Để công tác ôn thi tốt nghiệp hiệu quả đặc biệt là hỗ trợ học sinh yếu kém, Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn đã yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch ôn tập đảm bảo thời lượng phù hợp, phân chia các vòng, giai đoạn ôn tập bám sát chương trình giáo dục môn học vừa ôn tập phân hóa, chuyên đề.

Kế hoạch ôn tập phải thể hiện tính lặp lại kiến thức, bố trí các tiết kiểm tra, luyện đề sau mỗi vòng, giai đoạn ôn tập. Đồng thời, sở yêu cầu các đơn vị thực hiện đầy đủ quy trình giờ ôn tập; kiểm tra nhiệm vụ thực hiện ở nhà của học sinh. Thầy cô hệ thống hóa kiến thức, kỹ năng, tổ chức luyện tập, vận dụng tại lớp, giao nhiệm vụ về nhà (chuẩn bị cho giờ ôn tiếp theo).

Đẩy mạnh đổi mới phương pháp ôn tập và đa dạng hình thức ôn; ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong tổ chức ôn tập như kết hợp ôn tập trực tiếp với trực tuyến, tăng cường giao nhiệm vụ, bài tập, chữa bài qua mạng, xây dựng bài kiểm tra online, thiết kế trò chơi kiến thức...

Bà Phan Mỹ Hạnh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Thời điểm này, chúng tôi tăng cường giải pháp ổn định, duy trì sĩ số học sinh trong giờ ôn tập; lấy ý kiến phản hồi của các em về chất lượng giờ ôn; chỉ đạo nhà trường tăng cường sinh hoạt chuyên môn chuyên đề ôn tập. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ về phương pháp, kỹ thuật ôn tập.

“Sau các kỳ thi thử, sở GD&ĐT đều có định hướng các nhà trường về việc điều chỉnh kế hoạch, nội dung, phương pháp ôn tập hiệu quả. Riêng với học sinh năng lực yếu, các trường chú trọng bồi dưỡng, ôn luyện để các em có đủ kiến thức bước vào kỳ thi”, bà Mỹ Hạnh nói thêm.

Tương tự, bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị cho biết, công tác ôn tập có ý nghĩa quan trọng, nhằm chuẩn bị tốt kiến thức cho học sinh tham dự kỳ thi. Do đó, ngành Giáo dục sớm có hướng dẫn cho các trường ôn tập từ đầu năm học; chỉ đạo sát sao để đảm bảo điều kiện trang bị kiến thức, giúp các em tự tin bước vào kỳ thi.

Sở GD&ĐT Quảng Trị chỉ đạo các đơn vị trường học hoàn thành kế hoạch năm học, đánh giá, phân loại học sinh, tổ chức ôn tập, rèn luyện kỹ năng làm bài, nhất là đối với trò có học lực yếu, con em gia đình chính sách, miền núi, người dân tộc thiểu số. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở giáo dục có học sinh dự thi, phối hợp đơn vị liên quan lên kế hoạch tổ chức việc đi lại, ăn ở, hỗ trợ thí sinh khi gặp khó khăn, phối hợp địa phương, tỉnh đoàn giúp đảm bảo các điều kiện cần thiết cho học sinh.

Hiểu rõ những căng thẳng, áp lực của học sinh cuối cấp, bên cạnh giáo dục kiến thức, chúng tôi cũng chú trọng đến việc tư vấn tâm lý, giúp các em giải tỏa nỗi lo mùa thi. Trong tiết sinh hoạt lớp, ban giám hiệu luân phiên dự giờ, lắng nghe tâm tư, lo lắng, từ đó kịp thời tư vấn, động viên các em để ôn thi hiệu quả và bớt áp lực. - Thầy NGUYỄN QUỐC NAM (Hiệu trưởng Trường THPT Tiền Phong, Mê Linh, Hà Nội)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ