Ôn tập thi tốt nghiệp THPT: Khắc sâu kiến thức môn Toán

GD&TĐ - Chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, giáo viên môn Toán dành lời khuyên cho HS khắc sâu kiến thức, đồng thời lưu ý những nội dung quan trọng...

Học sinh lớp 12 Trường THPT Hà Huy Giáp (TP Cần Thơ) ôn thi môn Toán.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Hà Huy Giáp (TP Cần Thơ) ôn thi môn Toán.

Đặt mục tiêu, xác định nội dung ôn tập

Môn Toán được nhiều thí sinh lựa chọn để xét tuyển vào các ngành bậc đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, đây cũng là môn học không “dễ thở”, thậm chí nhiều học sinh e dè vì lượng kiến thức lớn, bài học nhiều và nội dung rộng mở.

Chia sẻ về việc ôn luyện môn Toán cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, thầy Võ Nguyên Hồng, giáo viên Toán, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (TP Cần Thơ), cho biết: Về phương pháp, cách thức học tập, học sinh cần tăng thời gian tự học. Mỗi ngày nên dành ít nhất 1 giờ để tự học, như vậy sẽ giúp các em củng cố kiến thức, biết cách tìm hướng giải bài nhanh hơn. Đây là điều quan trọng với hình thức thi trắc nghiệm.

Học sinh cần sử dụng thời gian khoa học, hợp lý. Theo các nghiên cứu, thời gian ghi nhớ ngắn hạn hiệu quả nhất trong khoảng 4 - 6 giờ sáng. Do đó thay vì thức khuya, dậy muộn thì học sinh tốt nhất hãy ngủ sớm và dậy sớm. Bên cạnh đó cần kết hợp học tập và nghỉ ngơi thư giãn.

Thầy Hồng cũng đưa ra lời khuyên, học sinh hãy tích cực làm đề, mỗi tuần dành 90 phút để giải đề, như vậy, các em sẽ nắm được điểm mạnh, điểm yếu và tìm cách khắc phục. Trong thời gian này, học sinh chú ý làm chuyên sâu thay vì làm rộng; quan tâm đến chất lượng hơn số lượng mới hiểu sâu sắc kiến thức.

Đặc biệt, học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản, bắt đầu từ lý thuyết. Đối với hình thức trắc nghiệm môn Toán, các em chủ quan dễ mắc sai lầm, “sập bẫy” trong câu lý thuyết. Do đó cần nắm vững kiến thức Toán lớp 11, 12 thì mới giải quyết tốt các vấn đề.

Thầy Võ Nguyên Hồng còn lưu ý học sinh cần rèn luyện khả năng tính nhanh. Đề thi Toán gồm 50 câu trong 90 phút, như vậy thí sinh có khoảng 1,8 phút để đọc, suy nghĩ, tô đáp án. Do vậy, trong thời gian ôn tập, thí sinh chú ý tìm hướng giải nhanh, rèn cách tính nhanh - nhẩm; Tăng cường học nhiều kênh, việc trao đổi thông tin học tập qua kênh Internet cũng hữu ích. Cuối cùng là đặt mục tiêu hợp lý, sau khi trải qua các kỳ thi thử, thí sinh nên căn cứ vào số điểm để chọn ngành nghề phù hợp, vừa sức.

Về phương pháp khắc sâu kiến thức môn Toán trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT, thầy Hồng lưu ý học sinh hãy nắm chắc nội dung môn Toán 11 gồm: Công thức lượng giác - Phương trình lượng giác - Tổ hợp - Xác suất; Nhị thức Newton - Cấp số cộng và nhân - Giới hạn dãy số và hàm số - Đạo hàm. Môn Toán lớp 12 cần nhớ Đạo hàm - Khảo sát hàm số và bài toán liên quan - Lũy thừa, Mũ và Logarit - Nguyên hàm và tích phân - Số phức và các yếu tố liên quan - Khối đa diện và thể tích - Hình học giải tích trong không gian - Gắn tọa độ vào hình học không gian...

Cô Lê Thị Tuyết Băng, giáo viên Toán, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ).

Cô Lê Thị Tuyết Băng, giáo viên Toán, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ).

Trang bị phương pháp, tâm lý vững vàng

Dành lời khuyên cho học sinh lớp 12 trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT, cô Lê Thị Tuyết Băng, giáo viên Toán, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ) khẳng định: “Học sinh cần ôn tập kỹ càng, trang bị phương pháp giải Toán và có tâm lý vững vàng”.

Về nội dung kiến thức và phương pháp học, cách thức ôn tập hiệu quả, các em cần xác định rõ mục tiêu, khả năng của mình mức độ nào để chọn phương án hợp lý nhất. Để đạt được điểm cao môn Toán trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, học sinh cần nắm thật chắc kiến thức nền tảng, cơ bản, tránh tập trung quá nhiều vào phần kiến thức quá khó. Các em cần xem lại những kiến thức nội dung đã học, ghi nhớ những công thức Toán học và khắc sâu phương pháp làm bài của mỗi dạng Toán.

Trong đề thi luôn có hai phần: Phần câu hỏi nhận biết và thông hiểu (khoảng 7 điểm); phần câu hỏi vận dụng và vận dụng cao (khoảng 3 điểm). Các em nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa sẽ làm được phần nhận biết và thông hiểu; phần vận dụng đòi hỏi phải có tuy duy sáng tạo và liên kết với xâu chuỗi kiến thức mới giải được.

Học sinh cũng cần học thuộc công thức và phương pháp giải tất cả những dạng Toán cơ bản trong chương trình 12. Các dạng Toán 10 - 11 cần ôn lại Dấu tam thức bậc 2, Đa thức; các dạng Toán về Tổ hợp, Nhị thức Newton, Xác suất (chú ý chỉ những dạng cơ bản); công thức Cấp số nhân, Cấp số cộng; công thức cơ bản về Lượng giác… Học sinh nên chuẩn bị tài liệu ôn thi, cần có một quyển sổ - tài liệu tóm tắt tất cả các công thức trong chương trình, chú ý phải thật ngắn gọn và phải sử dụng thường xuyên, có bổ sung ít nhất 3 tháng trước khi thi.

Cô Lê Thị Tuyết Băng lưu ý, khoảng 38 câu đầu trong đề thi môn Toán là các câu hỏi dễ lấy điểm. Vì vậy, học sinh cần làm bài một cách cẩn thận và chính xác; nhất là học sinh trung bình, trung bình khá. Thí sinh làm đến đâu, chắc đến đó, làm đến đâu, khoanh đến đó.

Chia sẻ “chiến thuật” làm bài trong lúc thi, theo cô Tuyết Băng, thí sinh cần làm dễ trước - khó sau; mặc dù đề thi thường được sắp xếp từ dễ đến khó, nhưng điều này chỉ mang tính chất tương đối vì tùy vào thế mạnh, sở trường từng học sinh. Học sinh cần làm chắc chắn, chính xác; dựa vào mục tiêu về điểm số, hãy cố gắng làm đúng số câu để đạt được điểm. Các em cần nháp cẩn thận, gạch chân từ khóa, điều này nhằm giúp học sinh nắm rõ yêu cầu bài Toán cũng như tóm tắt được dữ kiện đề bài. Từ đó học sinh dễ dàng khoanh vùng được nội dung kiến thức cần vận dụng để giải quyết vấn đề.

Cần đọc từng câu chữ và suy ngẫm về đề (câu hỏi, câu trả lời), đọc đề bài nhiều lần. Cần chú ý các câu có cụm từ phủ định trong câu hỏi, câu trả lời, các câu đúng, sai; các câu hỏi lý thuyết phải đọc kĩ từng từ, cụm từ để tránh chọn phải phương án “nhiễu”. Thí sinh cần chú ý làm xong câu nào là tô luôn câu đó. Tránh tính trạng cuối giờ bị rối, 1 câu tô 2 đáp án, hoặc khi làm ra A nhưng lại tô B do nhìn nhầm; cố gắng không bỏ trống đáp án...

Như vậy, quá trình ôn tập trước khi thi, ngoài ôn kiến thức học sinh cũng cần luyện cả cách làm bài hiệu quả, tránh sai sót không đáng có, hình thành kĩ năng làm bài tốt để đạt điểm số cao…

Nên lập kế hoạch ôn tập theo từng ngày và cần nghiêm túc thực hiện, thậm chí “hy sinh” một vài sở thích để hướng đến mục tiêu… - Thầy Võ Nguyên Hồng (giáo viên Toán, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, TP Cần Thơ)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ