Ôn tập thi tốt nghiệp THPT: Tự tin với bài thi Tiếng Anh

GD&TĐ - Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Tiếng Anh là môn học khiến nhiều thí sinh lo lắng, mất tự tin. 

Học sinh Trường THPT Hàng Hải, Hải Phòng, ôn luyện cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: NVCC
Học sinh Trường THPT Hàng Hải, Hải Phòng, ôn luyện cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: NVCC

Các giáo viên Tiếng Anh đã chia sẻ kinh nghiệm ôn tập giúp các em đạt được kết quả như mong muốn.

Nắm trọng tâm kiến thức

Từ kinh nghiệm ôn tập cho học sinh trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT, cô Trương Thị Thu Hường, Trường THPT chuyên Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), chia sẻ: Đến thời điểm này, học sinh đã nắm được phần lớn nội dung trọng tâm trong chương trình nên các em hãy dành thời gian tổng hợp lại kiến thức về ngữ pháp, cấu trúc cơ bản.

Cùng đó, để nâng cao vốn từ vựng và kỹ năng xử lý các câu hỏi liên quan đến từ vựng, học sinh cũng cần rèn luyện thông qua các bài đọc hiểu, đọc điền từ. Trong quá trình làm bài tập, nếu gặp một từ mới, học sinh có thể thực hành đoán nghĩa của từ thông qua ngữ cảnh. Như vậy, khi gặp từ chưa biết nghĩa, các em không bị bất ngờ, luống cuống.

Cô Hường lưu ý, trong giai đoạn nước rút, luyện đề là phương pháp ôn tập cần thiết để học sinh tập dượt về mặt kiến thức, kỹ năng làm bài, tâm lý trong phòng thi cũng như việc phân bổ thời gian làm bài sao cho hợp lý. Tận dụng thời gian luyện đề trên lớp, học sinh hãy chủ động làm bài một cách tích cực, nghiêm túc; lắng nghe thầy cô khi chữa đề và ghi chú lại các nội dung chưa nắm vững để hỏi lại thầy cô, bạn bè khi bản thân chưa thể tự hiểu hết các đáp án. Học sinh có thể tham khảo thêm nhiều nguồn tài liệu như đề luyện tập, đề thi thử của các trường phổ thông trong cả nước.

“Học sinh đã có kết quả IELTS đủ để xét tuyển vào các trường đại học cũng không nên hài lòng và bỏ qua việc ôn luyện mà nên tiếp tục trau dồi thêm từ vựng và các kỹ năng khác”, cô Hường lưu ý.

Đối với học sinh khá, giỏi, cô Hường lưu ý các em tuyệt đối không chủ quan, đề cao tính cẩn thận. Các em nên tiếp tục trau dồi vốn từ vựng, cấu trúc chưa nắm chắc; cố gắng tìm tòi, luyện tập để mở rộng vốn từ vựng và ghi nhớ các thành ngữ lạ. Thí sinh cần chú ý các dạng bài khó, câu hỏi phân hóa trong đề thi vì đây là những câu hỏi dành cho học sinh khá, giỏi, có tính cạnh tranh nếu thí sinh sử dụng điểm tiếng Anh để xét tuyển đại học.

Còn cô giáo Vũ Thị Thuỳ Trang, Trường THPT Hàng Hải, TP Hải Phòng, cho rằng học sinh, nhất là các em có học lực trung bình, khá, cần ôn luyện bám sát theo đề minh họa của Bộ GD&ĐT. Một số dạng bài thí sinh có thể làm được ngay như câu hỏi ngữ pháp, sửa lỗi sai, viết lại câu, nối câu, phát âm, trọng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa.

Để làm chủ phần này, học sinh cần nắm vững những chủ điểm ngữ pháp cơ bản gồm cấu trúc đảo ngữ, giả định, điều kiện, mệnh đề quan hệ, cấu trúc bị động, trực tiếp, gián tiếp, vận dụng các liên từ theo các mối quan hệ đẳng lập hoặc chính phụ, nguyên nhân – kết quả...

Cô Trang gợi ý, để có thể nhận dạng các cấu trúc ngữ pháp được sử dụng trong câu, trong quá trình luyện đề, học sinh hãy dành thời gian phân tích và gọi tên các cấu trúc ngữ pháp có trong đề. Bên cạnh đó, các em hãy liên tục tổng hợp và ôn tập các kiến thức ngữ pháp đã học.

Ngoài ra, việc trau dồi từ vựng cũng có thể giúp học sinh trung bình, khá giành thêm điểm trong các dạng bài liên quan đến từ vựng. Đơn cử, câu hỏi ngữ âm, đồng nghĩa – trái nghĩa thường nằm trong sách khoa, chỉ cần học sinh chăm chỉ ôn tập và nắm chắc kiến thức cơ bản. Khối lượng từ mới trong sách giáo khoa tương đối nhiều nhưng học sinh có thể mở rộng bằng cách học thêm từ trái nghĩa, từ đồng nghĩa của các từ mới hoặc học qua việc xem phim, đọc sách, nghe nhạc tiếng Anh.

Cô giáo Trương Thị Thu Hường (giữa) chụp ảnh cùng học sinh Trường THPT chuyên Hạ Long, Quảng Ninh. Ảnh: NVCC

Cô giáo Trương Thị Thu Hường (giữa) chụp ảnh cùng học sinh Trường THPT chuyên Hạ Long, Quảng Ninh. Ảnh: NVCC

Bình tĩnh bước vào phòng thi

Cô giáo Nguyễn Việt Hà, Trường Đại học Hà Nội, cho rằng, học sinh ở mọi trình độ tiếng Anh đều phải nắm vững kiến thức theo cấu trúc đề tham khảo của Bộ GD&ĐT, có phương pháp ôn luyện và chiến thuật làm bài phù hợp với khả năng của bản thân để giành điểm cao nhất.

Trong quá trình làm bài thi, thí sinh nên phân bổ thời gian khoa học như các câu hỏi dễ trước, câu khó sau. Khi gặp câu khó, các em không nên sa đà để tránh tốn thời gian, đặc biệt với dạng bài đọc hiểu vì đây là một trong những câu hỏi phân loại học sinh. Đồng thời, các em phải đọc kỹ đề và gạch chân những từ khóa chính trong yêu cầu của đề bài.

“Với dạng bài đọc hiểu, thí sinh cần bám sát các chi tiết, nội dung đoạn văn và chú ý thời gian. Nếu thấy bản thân đang ‘lún sâu’ vào các câu hỏi khó thì các em hãy tạm rời sự chú ý để hoàn thành các câu hỏi ở mức dễ, chiếm phần lớn tổng số điểm”, cô Hà lưu ý.

Tương tự, cô Thu Hường gợi ý khi gặp câu hỏi khó, thí sinh hãy vận dụng kĩ năng đoán từ trong ngữ cảnh. Khi tô các phương án vào phiếu trả lời trắc nghiệm, cần kiểm tra cẩn thận cho khớp các câu trả lời đã làm trên đề, tuyệt đối không nên để trống câu trả lời nào. Nếu đến cuối cùng vẫn không có được câu trả lời mình chắc chắn về kiến thức thì vẫn nên chọn phương án mà bản thân có linh cảm tốt nhất.

“Khi vào phòng thi, việc quan trọng nhất với học sinh là sự tỉnh táo, tập trung vào bài làm, đọc kỹ yêu cầu và nội dung câu hỏi để tránh những nhầm lẫn không đáng có. Các em nên sử dụng bút chì để gạch chân các từ hoặc cụm từ quan trọng trong đề…”, cô Hường chia sẻ.

Không chỉ ôn tập và luyện đề, theo cô Trang, học sinh có học lực trung bình, khá cần dành thời gian và thái độ nghiêm túc đối với môn Tiếng Anh. Do đó, các em cần sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, khoa học, trong đó, dành ra một số lượng thời gian cụ thể theo ngày hoặc theo tuần để ôn luyện tiếng Anh. Khi luyện đề, học sinh hãy dành thời gian đủ để làm đề, chữa đề và học lại từ những lỗi sai trong đề, thay vì chỉ làm đề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Would likeTìm hiểu kỳ thi tiếng anh ielts