Ôn tập thi tốt nghiệp THPT: Bí kíp chinh phục môn Ngữ văn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các thầy cô đưa ra lời khuyên bổ ích trong ôn tập từng mảng nội dung, kiến thức, rèn luyện kỹ năng...

Thầy Bùi Huy Hiếu hướng dẫn học sinh trong giờ học. Ảnh: NVCC
Thầy Bùi Huy Hiếu hướng dẫn học sinh trong giờ học. Ảnh: NVCC

Để học sinh có phương pháp học hiệu quả, giảm áp lực trong quá trình ôn thi cuối cấp môn Ngữ văn, các thầy cô không chỉ đổi mới phương pháp giảng dạy, thiết kế bài giảng…, mà còn đưa ra lời khuyên bổ ích trong ôn tập từng mảng nội dung, kiến thức, rèn luyện kỹ năng.

Chắc kiến thức, tốt kỹ năng

Nhiều năm giảng dạy và ôn luyện cho học sinh lớp 12, cô Bùi Phương Thúy – Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT chuyên Lào Cai (tỉnh Lào Cai) - chia sẻ: Học sinh cuối cấp đang chịu nhiều áp lực, do vậy mỗi giờ học, chúng tôi cố gắng để các em thoải mái tâm lý, hệ thống hóa kiến thức sao cho đơn giản, dễ hiểu nhất; tách rõ các phần kiến thức, nhắc nhở học sinh bám sát nội dung cơ bản trong sách giáo khoa.

Với phần nghị luận văn học, cô Thúy hướng dẫn học trò xây dựng hệ thống các vấn đề trong một tác phẩm nhằm làm cơ sở viết bài. Đối với phần nghị luận xã hội, cô nhấn mạnh quá trình học, rèn luyện kỹ năng viết. Học sinh cần đọc kỹ yêu cầu bài đưa ra, xác định đúng nội dung, thông điệp hướng đến để triển khai những vấn đề cơ bản nhất; đưa ra các dẫn chứng ngắn gọn làm rõ vấn đề xã hội đang bàn luận. Bên cạnh đó, bài viết nghị luận xã hội phải có phản biện, mở rộng liên hệ. Đặc biệt, học sinh cần viết đúng dung lượng, kiểm soát tốt thời gian làm bài...

Đồng quan điểm với cô Thúy, thầy Bùi Huy Hiếu, Trường THPT Đống Đa (TP Hà Nội) đưa ra lời khuyên: “Học sinh lớp 12 nên bám sát hướng dẫn của Bộ GD&ĐT để học và ôn tập. Trong quá trình học, muốn làm tốt bài đọc hiểu, các em cần nắm chắc kiến thức và trang bị tốt kiến thức tiếng Việt”.

Đề cập đến phần kiến thức nghị luận xã hội, thầy Hiếu lưu ý học sinh, quá trình học phải rèn cho mình kỹ năng để xác định vai trò, ý nghĩa mà vấn đề yêu cầu, từ đó đưa ra quan điểm, nhận thức và liên hệ bản thân. Phần làm văn, học sinh nắm chắc tác phẩm, có kỹ năng phân tích thơ, văn xuôi. “Các em cần chú ý đến nội dung trong tác phẩm từ đó rút ra ý nghĩa nội dung, nghệ thuật để nắm được kiến thức trọng tâm nằm đâu. Hành văn phải bám sát yêu cầu, diễn đạt trong sáng, mạch lạc, đúng chuẩn chính tả, ngữ pháp…”, thầy Hiếu lưu ý.

Còn theo cô Phan Hồng Cẩm, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), học sinh khi học cần bám sát nội dung, vấn đề, bố cục. Đối với các tác phẩm văn học, các em phải nắm chắc đặc trưng thể loại, hiểu rõ bối cảnh ra đời tác phẩm, phong cách nghệ thuật và những đóng góp riêng của tác giả đối với nền văn học.

Các bài nghị luận xã hội, trong quá trình ôn luyện học sinh phải giới thiệu được khía cạnh vấn đề cần nghị luận, bàn luận đúng trọng tâm; nêu được quan điểm cá nhân, chân thành, nghiêm túc, đưa ra dẫn chứng phù hợp. Học sinh cần đọc thêm sách, báo, cập nhật thời sự để mở rộng vấn đề trong bối cảnh riêng, chung, bác bỏ những quan điểm sai trái, qua đó tổng kết, nêu nhận thức, rút ra bài học và thông điệp…

“Các em cần trang bị cho bản thân những kỹ năng như thu thập, hệ thống hóa tư liệu phục vụ cho các chủ đề, rèn luyện kỹ năng nhận diện, phân tích đề và tìm ý làm nổi bật vấn đề. Thuận lợi mà học trò đang có chính là sự phát triển của Internet nên dễ hơn trong thu thập tài liệu, tham khảo cách học, bài giảng của thầy cô khác. Từ đó các em có thể điều chỉnh phương pháp học, cách tiếp cận một tác phẩm từ nhiều góc nhìn khác nhau giúp hoàn thiện kỹ năng văn học của bản thân…”, cô Cẩm nhấn mạnh.

Cô Phan Hồng Cẩm chữa bài cho học sinh. Ảnh: NVCC

Cô Phan Hồng Cẩm chữa bài cho học sinh. Ảnh: NVCC

Điểm yếu cần khắc phục

Theo thầy Bùi Huy Hiếu, những hạn chế mà học sinh đang gặp trong quá trình học Ngữ văn có thể chỉ ra là: Chưa dành nhiều thời gian đọc và nghiên cứu tài liệu, bị cuốn hút bởi mạng xã hội, thích xem hình ảnh, video ngắn hơn đọc sách báo, lười rèn luyện kỹ năng viết… dẫn đến vốn ngôn ngữ hạn chế, diễn đạt lủng củng.

Trước thực trạng này, trong mỗi tiết học thầy Hiếu luôn cố gắng giới thiệu các đầu sách hay, những tác phẩm văn học nổi tiếng để học sinh tìm đọc; khuyến khích học trò luyện viết văn; ra bài tập phù hợp năng lực mỗi em. Đặc biệt, thầy Hiếu thường xuyên tổ chức viết bài luận theo nhóm để học sinh có không gian chia sẻ quan điểm, phản biện và hiểu đúng tinh thần học Ngữ văn…

Bên cạnh đó, mỗi tác phẩm văn học thầy Hiếu đều cố gắng hướng dẫn học sinh liên hệ thực tế cuộc sống, qua đó giúp các em cảm nhận giá trị và đưa ra nhận định, ý kiến. “Tôi chữa, định hướng các em làm bài đúng chuẩn chương trình về mặt tư tưởng, đạo đức, pháp luật nhưng vẫn tôn trọng quan điểm của học sinh trước một vấn đề…”, thầy Hiếu nói.

Cũng giống như thầy Hiếu, để nâng cao kỹ năng viết cho học sinh, cô Phan Hồng Cẩm, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Tĩnh) khuyến khích học trò viết bài, dành thời gian sửa và góp ý để rèn luyện kỹ năng viết, phân tích, trình bày. Cùng đó, cô Cẩm nhắc nhở học sinh trau dồi vốn ngôn ngữ bằng đọc tài liệu, sách tham khảo và chắt lọc, ghi chép từ ngữ hay bổ sung vào vốn từ.

“Không chỉ dạy, tôi còn yêu cầu học sinh liên hệ, đánh giá, xâu chuỗi các vấn đề liên quan để tăng cường tư duy, tổng hợp, phản biện. Lập nhóm Zalo, Facebook giáo viên cùng học và ôn tập với học sinh. Sau khi các em làm bài, tôi yêu cầu nhận xét chéo để học hỏi lẫn nhau. Tất cả những yêu cầu, hướng dẫn, lưu ý… của giáo viên đều hướng tới giúp học trò hứng thú với học Ngữ văn, học và ôn hiệu quả, giảm áp lực và tránh xa lối mòn học vẹt, học tủ…”, cô Cẩm nói.

Để nắm được kiến thức cơ bản các tác phẩm văn học trong chương trình lớp 12, học sinh cần học tập nghiêm túc và có phương pháp học phù hợp. Các em cũng nên dành thời gian luyện viết, trau dồi để vốn từ ngữ thêm phong phú… - Cô Bùi Phương Thúy (Trường THPT chuyên Lào Cai, tỉnh Lào Cai)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ