Ôn tập thi tốt nghiệp THPT: Kỹ năng làm bài Khoa học tự nhiên

GD&TĐ - Bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên thường khá nặng vì gồm 3 phần nội dung kiến thức: Vật lí, Hóa học, Sinh học.

Cô Nguyễn Thị Huệ và học trò trong giờ học. Ảnh: NTCC
Cô Nguyễn Thị Huệ và học trò trong giờ học. Ảnh: NTCC

Do đó, cách học, ôn tập hệ thống kiến thức phù hợp là rất quan trọng, giúp thí sinh tự tin với bài thi này trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Hóa học: Hệ thống kiến thức bằng sơ đồ tư duy

Trong bài thi Khoa học tự nhiên, phần kiến thức Hóa học có những đặc thù riêng. Do đó, cô Lương Thị Mỹ Tiên, Tổ trưởng Tổ Hoá - Sinh - Công nghệ, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) lưu ý học sinh đừng cố gắng thuộc lòng nếu không hiểu vì sẽ rất mau quên và cần biết sử dụng sơ đồ tư duy, đặc biệt khi hệ thống kiến thức về tính chất hóa học, trạng thái tự nhiên hay ứng dụng.

Sơ đồ tư duy giúp thí sinh ghi chép, sử dụng màu sắc, hình ảnh cùng các từ khóa… để hệ thống lại kiến thức một cách khoa học. Nội dung của sơ đồ là những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao được hệ thống lại theo một trình tự dễ nhìn, dễ nhớ. Sử dụng sơ đồ tư duy bằng những từ khóa sẽ khiến não bộ hoạt động tốt hơn, từ đó ghi nhớ được nhiều kiến thức hơn.

“Các em tập thói quen tự nghiên cứu tài liệu trên mạng theo chủ đề bài học, hay chủ đề chương. Cũng có thể sử dụng tài liệu từ giáo viên cung cấp. Hãy tạo ghi chú riêng trong sổ tay học, đặc biệt là các nội dung lý thuyết dễ quên như trạng thái hay ứng dụng. Học cách rút gọn kiến thức bằng sơ đồ tư duy, sau đó bắt tay vào làm bài tập từ cơ bản đến nâng cao. Như vậy, kiến thức sẽ nắm chắc hơn, luyện được trí nhớ mà không cần học bài…”, cô Lương Thị Mỹ Tiên chia sẻ.

Những ngày gần thi, cô Tiên cho rằng, học sinh nên dành thời gian tự học, tự kiểm tra, tổng kết bài thành dàn ý ngắn gọn. Sắp xếp lại kiến thức theo một hệ thống, bao quát và làm chủ được kiến thức. Bên cạnh nắm vững các khái niệm, định nghĩa, nguyên tắc, phương pháp giải…, học sinh nên rèn luyện kỹ năng làm bài trắc nghiệm, như kỹ năng đọc đề, kỹ năng phân tích mức độ câu hỏi…

“Kỹ năng đọc đề, phân tích đề giúp học sinh tập trung tối đa khả năng suy nghĩ của mình vào câu hỏi, đặc biệt là những thông tin mang tính quyết định. Từ đó, các em xử lý chính xác và nhanh từng câu, kể cả những câu hỏi phân loại cao trong đề thi. Trong quá trình làm bài thi, học sinh cần lưu ý: Đề thi gồm nhiều câu, rải khắp chương trình, có thể ở mọi chi tiết trong bài học nên không nên bỏ sót hay học theo cảm tính phần cho là trọng tâm. Phải làm thật kĩ 24 câu đầu tiên vì đây là các câu ở mức độ biết và hiểu không nên để mất điểm ở các câu này”, cô Mỹ Tiên nhấn mạnh.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Vật lí: Nắm chắc ý thuyết, rèn kỹ năng làm bài tập

Với nội dung kiến thức Vật lí trong bài thi Khoa học tự nhiên, cô Nguyễn Thị Huệ, Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên) cho rằng, điều đầu tiên học sinh cần nhớ kỹ, nắm vững các kiến thức đã học. Học bài nào chắc bài đó, vì chỉ khi hiểu bài học trước mới có thể tiếp cận và học tốt được bài học tiếp theo.

Về lý thuyết, các định nghĩa, khái niệm, định luật, học sinh cố gắng hiểu rõ và nhớ chính xác từng ý nghĩa của các mệnh đề được phát biểu; hiểu rõ ý nghĩa, đơn vị của từng đại lượng trong từng công thức. Cùng với đó, tập thói quen tự làm dàn bài tóm tắt bài học theo ý mình sau khi vừa học xong. Học theo dàn bài sẽ dễ dàng hiểu và nhớ chính xác bài học hơn. Với phần bài tập, cô Huệ lưu ý học sinh ưu tiên làm đầy đủ bài tập (từ dễ đến khó) trong sách giáo khoa và sách bài tập Vật lí do Bộ GD&ĐT phát hành. Với hầu hết các bài này, học sinh sẽ không khó khăn để hoàn thành nếu học kỹ phần lý thuyết.

Ở từng chương trong sách bài tập thường có một hay hai bài tập mức độ khó, hãy cố gắng làm những bài tập này sau khi hoàn thành các bài dễ và trung bình. Việc làm nhiều bài tập đa dạng khác nhau từ dễ đến khó, làm đi làm lại các bài tập giúp học sinh không còn bối rối với các dạng bài tập, hạn chế lỗi sai khi đi thi. “Một phương pháp học hiệu quả là học nhóm. Các em hãy lập nhóm từ 3 - 5 người, cùng nhau giải bài tập, học bài với nhóm. Cách này sẽ khiến việc học sôi nổi, bớt nhàm chán hơn”, cô Huệ cho hay.

Sinh học: Hiểu rõ khái niệm, nắm vững bản chất và ghi nhớ ví dụ

Với môn Sinh học, lời khuyên của cô Trần Thu Hoài, Trường PTLC Phenikaa (Hà Nội) là bắt đầu học và ôn tập càng sớm càng tốt. Cần xây dựng một kế hoạch học tập phù hợp, đảm bảo sức khỏe, vì nếu sức khỏe không tốt sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc ôn tập, thi cử.

Riêng đặc trưng môn Sinh, học sinh cần ôn tập thật kỹ lý thuyết thay vì chỉ tập trung vào làm các dạng bài tính toán. Cần hiểu rõ các khái niệm, nắm vững bản chất các quá trình và ghi nhớ các ví dụ liên quan, bởi đó là cơ sở để làm các bài toán Sinh học, cũng như tư duy để trả lời các câu hỏi lý thuyết. Về nội dung kiến thức, học sinh học trọng tâm bám sát chương trình của Bộ GD&ĐT, chú ý bỏ qua các phần giảm tải. Để ghi nhớ tốt và không bị quá tải, sau mỗi bài học nên tìm bài tập để luyện tập ngay, tránh để dồn kiến thức. Luyện tập theo từng bài, chủ đề trước sau đó mới làm đề tổng hợp.

Khi làm đề, cô Hoài cho biết, cần chú ý phân bổ thời gian hợp lý theo năng lực của bản thân, tập trung vào những câu dễ và vừa sức. Tránh trường hợp làm được câu khó nhưng bỏ qua câu dễ. Mỗi đề ôn tập nên làm đi làm lại nhiều lần. Thay vì chỉ quan tâm mình đạt được bao nhiêu điểm thì hãy xem lại các câu đúng và câu sai để ghi nhớ và rút kinh nghiệm. Đặc biệt, xem kỹ lại các câu đã làm sai, tìm ra các lỗi sai để chỉnh sửa, rút ra các lưu ý liên quan tới vùng kiến thức của câu đó. Việc làm đề nhiều lần cũng rèn tốc độ đọc nhanh và xác định đúng trọng tâm câu hỏi.

Học sinh cần xác định rõ đây là kỳ thi quan trọng nhất ở cấp THPT, cần rèn ý thức tự giác, có trách nhiệm và ý chí quyết tâm. Một khi đã ngồi vào bàn học, các em cần bảo đảm thiết bị điện tử ở xa tầm tay, không ảnh hưởng việc ôn tập. Việc học, ôn không cần quá nhiều giờ nhưng phải có chất lượng. - Cô Lương Thị Mỹ Tiên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.