Olympic Cơ học - sân chơi khoa học, trí tuệ cho các bạn trẻ

GD&TĐ - Tại Hà Nội vừa diễn ra Lễ tổng kết và trao giải thưởng Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 30. Cuộc thi nhằm đẩy mạnh việc học tập, nghiên cứu các môn Cơ học, phát triển và khuyến khích các tài năng sinh viên trong các trường đại học, học viện.

Các tác giả đoạt giải
Các tác giả đoạt giải

Đây là lần thứ 30 được tổ chức, kỳ thi đã thực sự là sân chơi khoa học, trí tuệ cho các bạn trẻ.

Olympic Cơ học toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức năm 1989, tới năm 2018 kỳ thi đã lôi cuốn sự tham gia của nhiều sinh viên và những nhà khoa học trẻ. Nói như GS.TS Nguyễn Đình Đức - Phó Chủ tịch Hội cơ học Việt nam: Tất cả các trạng thái vật chất đều là đối tượng của Cơ học nên ngành cơ học là ngành nền tảng của những ngành kỹ thuật và công nghệ.

Cơ học là ngành trọng điểm, cơ học là ngành khoa học cơ bản liên quan đến nhiều ngành nghề như: xây dựng, giao thông,  chế tạo máy, cơ điện tử, robotic … Nhiều năm qua, Hội cơ học Việt Nam đã tổ chức kỳ thi Olympic cơ học toàn quốc để khuyến khích phong trào học tập những môn liên quan  như sức bền vật liệu, cơ lý thuyết, công nghệ thông tin để khuyến khích nhân tài trong ngành cơ học …  

Việc tổ chức giảng dạy cơ học có ý nghĩa rất tốt vì nó sẽ đóng góp hiệu quả cho đào tạo những ngành khoa học kỹ thuật của Việt Nam, đặc biệt  trong thời điểm Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những yêu cầu về tự động hóa, điều khiển ngày càng cao và đều cần đến lời giải cho bài toán cơ học nên thiếu cơ học không thể phát triển được.  

Kỳ thi Olympic lần thứ 30 đã diễn ra vào ngày 15/4, tại 3 địa điểm: Trường đại học Xây dựng (khu vực miền Bắc), Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng (KV miền Trung), và Trường Đại học Mở TP.HCM (KV miền Nam) với 1.262 thí sinh của 39 trường đại học, học viện trên khắp cả nước. Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã trao giải cho 706 giải cá nhân bao gồm: 15 giải Nhất, 75 giải Nhì, 151 giải Ba và 465 giải Khuyến khích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ