Ô nhiễm Đại dương: S.O.S

Ô nhiễm Đại dương: S.O.S

(GD&TĐ) - Cùng với sự tăng trưởng kinh tế và tiến bộ về khoa học kỹ thuật, sự ô nhiễm đang đe doạ muôn loài trên Trái đất. Đại dương cũng không thoát khỏi thảm hoạ và các sinh vật biển đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nghiêm trọng chưa từng thấy trong lịch sử loài người.

Từ bài học của Trung Quốc

Sự tăng trưởng kinh tế như vũ bão của các khu vực ven biển Trung Quốc đã dẫn đến hệ quả là ô nhiễm đại dương với tốc độ cực nhanh, đe dọa cả sức khỏe con người lẫn cuộc sống đại dương. Báo cáo mới nhất của Cục Quản lý Đại dương Trung Quốc (SOA) cho thấy 18.000 dặm vuông thềm lục địa nước này đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, tăng thêm 7.000 dặm vuông so với năm 2010. Các trung tâm công nghiệp và cư trú ven biển đã đưa vào đại dương lượng nước thải sinh hoạt và kỹ nghệ vô cùng lớn. Khảo sát năm 2009 cho thấy, có khoảng 56.000 dặm vuông nước ven biển không đáp ứng được các tiêu chuẩn nước sạch. Đến nay, tình hình vẫn không có sự cải thiện.

Tính chung, 14 trong 18 vùng sinh thái được SOA kiểm tra đều vượt mức ô nhiễm bất lợi cho sức khỏe con người. Báo cáo “2010 China Marine Environment Bulletin” của SOA đưa ra cảnh báo đáng lo ngại: có đến 86% bãi biển, đầm lầy ven biển, rặng san hô và rừng ngập mặn ở dưới chuẩn “lành mạnh”. “Rất nhiều việc sẽ phải làm và mất rất nhiều thời gian mới giải quyết được vấn nạn này. Từ khi khởi đầu chương trình giải nhiễm đại dương, chất lượng môi trường biển chỉ được cải thiện tương đối trong một số khu vực, nhìn trên tổng thể, việc hủy hoại môi trường biển đã đến mức báo động” - Thứ trưởng Bảo vệ môi trường Zhang Lijun nói.

Ô nhiễm Đại dương: S.O.S ảnh 1
 

Đến báo cáo của IPSO

“Hàng trăm loài cá đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do đại dương ngày càng ô nhiễm và trở thành đống rác thải (cả rác mềm lẫn rác cứng) của thế giới”. Báo cáo công bố ngày 23.6 của Chương trình Quốc tế về Tình trạng đại dương (IPSO) đã cảnh báo như thế. Các chuyên gia về đại dương cũng cho biết tốc độ hủy hoại và ô nhiễm đại dương hiện “nhanh hơn dự báo và nhanh nhất trong lịch sử loài người”. “Cuộc tuyệt chủng lớn của nhiều loài sinh vật biển là không thể tránh khỏi, nếu thế giới không có biện pháp mạnh và thống nhất để đẩy lùi ô nhiễm đã quá sức chịu đựng của đại dương” - báo cáo nhấn mạnh. IPSO đổ lỗi thảm họa đang diễn ra cho 4 nguyên nhân chính: canh tác nông nghiệp, hóa chất, lạm thác cá và thay đổi khí hậu. “Các số liệu đo được đều cho thấy đại dương đang nóng hơn, hấp thu nhiều khí CO2 hơn và lượng khí O2 quan yếu cho sự sống đang giảm dần - Tiến sĩ Alex Rogers, giám đốc khoa học của IPSO nói. Các phát hiện mới của IPSO khiến nhiều người bị sốc. Đây là tình trạng rất nghiêm trọng, đòi hỏi phải phản ứng tức thời. Chần chừ sẽ phải trả giá cho tương lai của nhiều thế hệ. Ảnh hưởng sẽ rất lớn đến chất lượng sống, sức khỏe và sự tồn tại của các sinh thực vật sống ở cả ven bờ lẫn dưới đáy đại dương”. Theo các nhà nghiên cứu, nóng lên toàn cầu đã làm mực nước biển dâng nhanh nhất từ 2.000 năm nay tại phía Đại Tây Dương của nước Mỹ và Canada. Báo cáo của IPSO đã được gửi lên LHQ vào ngày 21.6.

Ô nhiễm Đại dương: S.O.S ảnh 2
 

Lời cảnh báo khẩn cấp cần được lắng nghe

Thay đổi khí hậu đã dẫn đến cuộc khủng hoảng đối với các loài sinh, thực vật sống cận và trong đại dương. Nếu không có biện pháp thỏa đáng, thay đổi khí hậu (thủ phạm chính gây ra khủng hoảng) sẽ ảnh hưởng rất xấu đến hệ sinh thái biển trong tương lai không xa. Báo cáo “Tình trạng Đại dương” (State of the Ocean) được thực hiện sau hội nghị thượng đỉnh về đời sống biển tại Anh vào đầu năm nay. Báo cáo không đưa ra các yếu tố mới đóng góp vào khủng hoảng, vẫn giữ nguyên các yếu tố cũ nhưng nhấn mạnh đến tốc độ hủy hoại nhanh hơn của các yếu tố này, như cá bị lạm thác nhiều hơn, chất thải nông nghiệp đổ ra biển nhiều hơn, hóa chất độc hại cũng nhiều hơn và thay đổi khí hậu qui mô hơn. Đặt tất cả bốn yếu tố riêng rẽ gần nhau, chúng ta đã thấy một viễn cảnh thật đáng sợ cho đại dương. Môi trường sống của sinh vật biển bị bóp nghẹt do nhiệt độ đại dương tăng trong vài chục năm trở lại đây. Kho hải sản đại dương cũng cạn kiệt nhanh vì con người đứng trước nạn đói và thiếu lương thực đã đổ xô ra đại dương tìm sự bù đắp. Ngay cả những loài cá “săn mồi” như cá ngừ đại dương cũng ít dần đi do bị khai thác quá nhiều tại tất cả mọi ngư trường trên trái đất. Khi môi trường biển ô nhiễm và khó sống, băng Bắc cực tan, khai thác dầu khí dưới đại dương, cuộc sống của sinh, thực vật biển đang ở giai đoạn khó khăn chưa từng thấy. Dễ tổn thương nhất là các rạn san hô.

Thế hệ phá hoại kẻ cưu mang mình

Ô nhiễm nặng như thảm họa tràn dầu BP năm ngoái trên Vịnh Mexico của nước Mỹ đã hủy hoại môi trường sống mong manh của biển. Chỉ một tai nạn tràn dầu năm 1998 cũng đã dẫn đến cái chết cho 1/6 diện tích san hô đại dương. “Trong một thế hệ, chúng ta đã mất nhiều hệ sinh thái biển như san hô và nhiều loài sinh thực vật biển bằng cả lịch sử hiện đại cộng lại” - báo cáo nêu rõ và kêu gọi tất cả các công dân và chính phủ thế giới phải hợp tác để đảo ngược tình hình. Robert Rangeley thuộc Quĩ Hoang dã Thế giới (WWF) nói: “Chúng ta không thể chần chừ, mà phải hành động ngay từ lúc này. Trong một thời gian rất lâu, chúng ta chỉ biết nhận từ sự hào phóng của thiên nhiên; nay đã đến lúc chúng ta không còn được điềm nhiên ngồi hưởng thụ mà phải đầu tư vào thiên nhiên nói chung và đại dương nói riêng, để vừa cứu đại dương vừa cứu kho thực phẩm dồi dào của loài người”. Lundin tin rằng, nếu loài người tìm ra giải pháp đúng và có sự quyết tâm, một số vấn đề của thiên nhiên có thể đảo ngược được.

Ô nhiễm Đại dương: S.O.S ảnh 3
 

Ô nhiễm đại dương là một vấn đề quan trọng vì nó không chỉ ảnh hưởng đến đại dương mà còn đến phần còn lại của Trái đất. Đối với những người bám biển để kiếm cái ăn từ nhiều thế hệ thì ô nhiễm đại dương không chỉ làm giảm nguồn sinh sống của họ mà còn gây ra các chấn thương tâm lý không có gì bù đắp được. Ô nhiễm đại dương ảnh hưởng trực tiếp đến các loại sinh thực vật sống trong đại dương, nhưng cũng ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe và tài nguyên của con người. Dầu, độc chất và các loại rác thải khác làm cho đại dương ngày càng khó sống. Hiểu rõ tác hại của các yếu tố gây ô nhiễm này, chúng ta mới có thể chặn đứng hay đẩy lùi ô nhiễm.

Ô nhiễm Đại dương và sức khỏe con người

Độc chất là dạng ô nhiễm nguy hiểm nhất cho các thể sống trên đại dương và cả con người khi chúng đi vào các thực phẩm khai thác từ biển hay chế biến từ các động vật có dùng thực phẩm biển. Sinh vật biển và thực vật nhiễm độc được các sinh vật khác ăn và cứ như thế chúng truyền đến đĩa thức ăn đặt lên bàn của các hộ gia đình. Những sinh vật nhỏ như phiêu sinh vật hấp thụ độc chất nhưng không phân hóa được nên độc chất tích lũy trong cơ thể chúng với mật độ còn cao hơn môi trường xung quanh. Khi sinh vật lớn hơn ăn chúng và cứ như thế, lượng ô nhiễm sẽ đến con vật cuối cùng bị con người bắt để ăn. Lúc đó, độc chất sẽ vào cơ thể người và hoành hành. Các sinh vật biển lớn như hải cẩu có thể chịu đựng được mức độc chất trong cơ thể cao gấp hàng triệu lần môi trường chúng sống. Gấu Bắc cực ăn hải cẩu cũng chứa lượng chất độc cao hơn 3 triệu lần môi trường xung quanh. Nhiều ngư dân tin rằng độc chất trong đại dương đã giết rất nhiều cá. Một trong các hóa chất độc hại nhất và thường gặp nhất trong nước biển gần bờ là chì, thủ phạm của nhiều vấn đề về sức khỏe, từ não, thận, dị tật bẩm sinh và hệ thống sinh sản. Vì vậy, ăn phải thực phẩm biển nhiễm chì là hết sức nguy hiểm cho sức khỏe, không chỉ thế hệ này mà còn cả thế hệ sau.

Hồng Hải

(Theo China Daily, India Times The Economist)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ