Rau và các loại thực phẩm “không sạch”, thậm chí bẩn nữa, bằng những lối đi riêng, đã chễm chệ “ngồi” trên quầy của các siêu thị để bán cho người tiêu dùng với giá... như tiêu chí của “thực phẩm sạch”.
Trả tiền rất đắt để mua sự an toàn, cuối cùng thì người tiêu dùng vẫn phải ăn các loại rau ngoài chợ như lâu nay mà họ hoàn toàn không biết. Trò gian lận rất thiếu đạo đức, “núp bóng sạch để làm chuyện bẩn” này đang được báo chí ở TPHCM phanh phui khiến người tiêu dùng càng bất an hơn vì từ nay họ không biết phải mua các loại thực phẩm ở đâu để được gọi là “sạch”.
Đất nước đã thoát khỏi cảnh thiếu ăn từ hàng chục năm nay, không còn chuyện “ăn gì cũng xong” miễn no cái bụng như thời bao cấp nữa. Bây giờ, nhiều gia đình đã coi chuyện “thực phẩm sạch” là tiêu chí hàng đầu để mua về dùng trong các bữa ăn hàng ngày, dù phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ.
Suốt trong một thời gian dài, khắp các cánh đồng, đa số nông dân đều sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu để chăm sóc cho cây trồng, còn các hộ lẻ chăn nuôi và các nông trại đều dùng cám tăng trọng và thức ăn “siêu nạc” khiến cho người tiêu dùng rất khó khăn để bảo đảm sự an toàn khi sử dụng.
Vì vậy, khi nghe chỗ nào quảng cáo “thực phẩm sạch” là lao vào mua. Địa chỉ tin cậy hơn cả là các siêu thị có thương hiệu của những tập đoàn kinh tế lớn và có uy tín lâu nay.
Thế nhưng, lợi dụng vào sự tin tưởng này, người ta đã mua các loại rau trôi nổi ngoài chợ để tuồn vào siêu thị, mua các loại thực phẩm tươi sống mà độ an toàn rất tù mù nhưng được đóng mác “sạch” để bán với giá rất cao.
Tệ hại hơn, người ta còn “làm xiếc” với các loại rau củ được nhập từ Trung Quốc về, chỉ sau một đêm là thành “rau sạch VietGAP” - một loại nhãn mác có thể làm yên lòng với bất cứ bà nội trợ khó tính nào.
Người mua lương thực, thực phẩm sử dụng hàng ngày không thể nào phân biệt được rau nào là “siêu sạch”, thịt nào là “an toàn cao” khi nhìn bằng mắt thường vào các nhãn mác được người bán đính vào.
Mua rau, mua thịt trong trường hợp này như mua một thứ niềm tin được người khác mặc định lâu nay. Niềm tin vào sự tử tế còn sót lại một chút tí tẹo ấy cũng bị tước đoạt nốt.
Vậy thì phải tựa vào đâu để tìm sự an toàn trong mỗi bữa ăn? Tại nhiều đô thị, không ít các “vườn rau” được hình thành ngay trên sân thượng của mỗi ngôi nhà.
Còn những gia đình “có điều kiện”, họ có khu sản xuất rau sạch riêng để tự cấp cho mình. Quay về thời kỳ “tự túc tự cấp” để tìm sự an toàn cho sức khỏe của mình nhưng đâu phải gia đình nào ở phố cũng có “sân thượng”, cũng có “khu vườn riêng” để trồng rau tự túc?
Đã đến lúc không thể đặt niềm tin vào sự tử tế của các nhà cung cấp dịch vụ mà các cơ quan chức năng cũng cần phải “đi bên cạnh” người tiêu dùng để kịp thời phát hiện những trò lươn lận, núp bóng sạch để làm chuyện bẩn ấy chứ không phải đợi báo chí phản ánh rồi mình mới “vào cuộc” để xử lý.