Mỏi mòn chờ giấy chứng nhận
Để sở hữu 2 mẫu rau xanh đăng ký theo chuẩn VietGap, chị Hà Ninh ở Hòa Bình phải cất công lo đủ mọi giấy tờ để hoàn tất thủ tục. Do hiểu biết hạn chế về công nghệ thông tin cũng như mạng Internet, chị Ninh cho biết phải “mò mẫm”, trao đổi qua lại vài tháng mới hoàn thiện thủ tục hồ sơ cơ bản.
Ngoài khó khăn về đăng ký giấy tờ, gia hạn, bản thân chị Ninh và nhiều cơ sở còn khá lúng túng khi đáp ứng theo yêu cầu từ phía thu mua. "Ngoài quy trình sản xuất, doanh nghiệp yêu cầu khắt khe về mẫu mã, bao gói, dụng cụ chứa đựng... Nếu trong quá trình vận chuyển và kiểm duyệt từ đơn vị thu mua, sản phẩm bị hỏng, chúng tôi phải chịu trách nhiệm hoàn toàn", chị Ninh cho hay.
Nông dân này cũng cho biết, rau xanh là mặt hàng cung ứng thường xuyên và quanh năm. Nhưng mỗi lần hết hạn, chờ cấp lại giấy chứng nhận VietGap, người trồng phải thụ động hoàn toàn. Trong khi quy trình sản xuất phải tuần hoàn, không thể thụ động được. Thậm chí, trong quá trình xét cấp lại, sản phẩm của chúng tôi bị ứ đọng trong khi doanh nghiệp kêu không có hàng để cung ứng ra thị trường.
Nhiều doanh nghiệp than khó trong quá trình hoàn tất thủ tục hành chính. Ảnh minh họa: N.L. |
Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Big Green, chuyên kinh doanh nông sản sạch cho rằng, theo yêu cầu, người dân cần phải biết các hình thức đăng ký để được tham gia trồng một cách an toàn. Thế nhưng thực tế, không phải ai cũng nắm được quy trình đăng ký.
Đặc biệt, ở nhiều vùng sản xuất, nông dân chưa làm quen với việc sơ chế, bao gói, dán tem nhãn và xin cấp giấy chứng nhận chất lượng cho nông sản thực phẩm. Trong khi đây lại là những quy định bắt buộc nếu sản phẩm muốn vào được hệ thống siêu thị. Việc này là trở ngại lớn đối với doanh nghiệp.
1 khay thịt cõng 3 loại tem
Khó khăn từ thủ tục hành chính không chỉ từ phía người sản xuất, mà nhiều doanh nghiệp cung ứng rau, thực phẩm an toàn thường xuyên gặp khó bởi những quy định ngay chính bản thân họ không hiểu.
Là một trong những đơn vị phân phối rau, củ an toàn của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ, bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam (chuỗi siêu thị Fivimart) cho biết, để cung ứng thực phẩm sạch cho thị trường, doanh nghiệp phải hoàn thiện rất nhiều thủ tục hành chính rườm rà.
Đơn cử, khi tiêu thụ thịt tươi ra thị trường ngoài giấy kiểm dịch, nếu cắt ra từng miếng đóng khay, doanh nghiệp cần tới 3 loại tem: tem cân, tem phí kiểm dịch và tem nguồn gốc sản phẩm.
Đặc biệt, mỗi sáng, khi chuẩn bị thịt để cung ứng ra thị trường, siêu thị phải chờ Bộ phận cơ quan quản lý Nhà nước tới dán tem. Giá mỗi tem thú y cho 1 khay thịt mà doanh nghiệp phải chi là 500 đồng.
"Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi đã có thể mất đi một lượng khách nhất định do chưa sẵn sàng hàng hóa để bán. Trong khi hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản lợi nhuận thường không cao. Do đó, điều này làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và rất bất cập trong khâu tiêu thụ", bà cho hay.
Theo bà Hậu, tất cả những gì liên quan đến chỉ thị, nghị định của cơ quan Nhà nước đưa ra, những người làm luật rất hiểu nhưng doanh nghiệp lại khó thể hiểu hết được.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Hưng cũng cho biết, quy trình kiểm soát chất lượng của các doanh nghiệp và tiềm lực tài chính trong việc phân tích kiểm soát chất lượng của sản phẩm nông sản sạch hiện nay còn nhiều hạn chế.
Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cho rằng, không cần thiết phải dán tem lên thịt mỗi sáng. Bởi các khâu kiểm duyệt dịch bệnh, chất lượng đã theo một hệ thống đầu vào.
Cụ thể, mỗi một siêu thị đủ điều kiện cung cấp sản phẩm tươi sống ra thị trường sẽ có giấy phép con. Nhưng sản phẩm đó có an toàn thật hay không thì vẫn phải kiểm tra lấy mẫu do cơ quan quản lý Nhà nước nhưng chỉ theo tần xuất. “Do đó, Cục thú y và sở Nông nghiệp phải kiểm tra và bỏ đi khâu này. Cũng theo thông tư 45, đơn vị cung cấp thực phẩm sếp loại A sẽ bị kiểm tra rất ít”, Thứ trưởng cho hay.