Nhờ các mạnh thường quân và CLB Kết nối yêu thương, nước ngọt đã về tận làng rồi. Bà con dân bản ai cũng vui cái bụng…”, già làng Cheng Toong (xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) – Trần Khải Hành nói.
Cõng từng bao cát ngược dốc vào làng
Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ, Chủ nhiệm CLB Kết nối yêu thương kể, để xây dựng được 2 chiếc bể lớn và đưa nước từ khe núi về tận Cheng Toong là cả một hành trình đầy vất vả. Cheng Toong nằm ở địa hình cao, chênh vênh, đường vào làng chỉ là những lối mòn, dốc dựng.
Chỉ có thể dùng chính sức người để gùi, cõng vật liệu, từ sắt, gạch, xi măng… “Anh em trong CLB khảo sát địa hình, kêu gọi các mạnh thường quân chung tay rồi bàn bạc với thôn. Bà con cùng góp ý việc tìm nguồn nước và tham gia góp công vận chuyển vật liệu”, thầy Vỹ kể.
Già làng Trần Khải Hành đã có một buổi họp để thuyết phục dân làng dời vị trí mà hàng năm, làng tổ chức lễ Cúng máng nước. Đây là nghi lễ tâm linh quan trọng vào dịp đầu năm của đồng bào Xê Đăng. Vị trí chọn để xây dựng đập nước lại trùng với nơi tổ chức lễ cúng.
“Cúng giàng, cúng thần linh cũng để cầu mong mùa màng bội thu, cái bụng thêm no. Người miền xuôi giúp mình xây có nước sạch cũng mong muốn phụ nữ, trẻ con không phải vất vả đi xa lấy nước” – già Hành thuyết phục.
Ròng rã hơn 1 tháng trời, bà con Cheng Toong ra bờ sông Tranh cõng từng bao cát, gạch, thậm chí là cùng nhau gánh cả cuộn thép trèo ngược dốc về điểm tập kết xây giếng. Các đầu việc được phân chia theo hộ gia đình.
Để có nguồn nước, bà con Xê Đăng cùng các thành viên CLB Kết nối yêu thương phải băng rừng, lội sông đến tận thác nước của Thôn 3, xã Trà Don, cách Cheng Toong hơn 1 cây số để đặt đường ống dẫn nước về làng.
Đội tình nguyện viên xây dựng phải cố định đường ống bằng các trụ chân rá xi măng bám sâu xuống đất, nối hệ thống dây cáp chạy kèm đường ống nước vắt qua dòng sông Tranh để dẫn được nước về làng. Đây là giải pháp để tránh bị vỡ đường ống do sạt lở vào mùa mưa lũ.
Niềm vui ngày nước về làng
Chị Trương Thị Luôn - Bí thư Thôn 1, làng Cheng Toong đón chúng tôi ngay từ con đường dất vào làng. “Cheng Toong bây giờ đã khác rồi. Với hai bể chứa nước vừa được xây xong, người già, con trẻ không phải đi ra suối hứng từng can nước nữa. Nước đã chảy về tận bản, tới từng nhà”, chị Luôn nói.
Chúng tôi dừng chân khu đất rộng giữa làng, nơi có bể nước đang tuôn ra dòng nước mát, trong vắt. Xung quanh bể, những người già cặm cụi giặt giũ sau một ngày lên rẫy, đám trẻ cởi trần hò reo theo điệu nhạc nước xối xả tuôn ra từ vòi.
Cậu bé tên Nhất, tầm 10 tuổi kể: “Khi chưa có bể nước, mùa hè nào cháu cũng phải đi tìm chỗ suối có nước để múc về. Suối cạn nên phải đào thành vũng cho nước chảy xuống mới lấy được. Cháu xách nước vẹo hông cũng chỉ đủ để nấu ăn, tắm thì phải dội ít thôi không lại mất công đi xách”.
Cheng Toong có gần 50 hộ dân với khoảng 150 nhân khẩu. 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Xơ Đăng. Bà con chủ yếu dựa vào canh tác nương rẫy. Không có nguồn nước nên để phục vụ sinh hoạt, phụ nữ và trẻ em đều phải vất vả mỗi ngày đi lấy nước đủ cho những nhu cầu tối thiểu. Mùa hè, đường cõng nước về nhà xa hơn, bước chân vì thế cũng nặng nề hơn.
Chỉ với 120 triệu đồng cho mỗi công trình nước sạch từ nguồn hỗ trợ của CLB Tam Kỳ Project thông qua CLB Kết nối yêu thương, đã có 3 làng tại Trà Vân, Trà Cang và Trà Nam được hưởng lợi. Theo thầy giáo Vỹ, nước sạch có vai trò rất lớn trong việc giúp người dân tộc định canh định cư.
Cheng Toong đêm yên bình. Tiếng nước róc rách chảy về tận trung tâm làng như một bản nhạc reo vui. Hôm nay và nhiều ngày sau nữa, nước – thứ thiết yếu nhất làm nên điều kì diệu mang tên cuộc sống đã về tận bản làng, mang sức sống mới cho bà con.
Nói như chị Luôn: “Cuộc sống có thể thiếu thốn nhiều thứ nhưng không thể thiếu nước. Thiếu nước là chết. Nay nỗi lo lắng đó đã được giải quyết rồi. Nước về làng như một câu chuyện cổ tích có thật rồi”.