Nước sạch và vệ sinh: Tiêu chí quan trọng để giảm nghèo

GD&TĐ - Một báo cáo mới đây của Unicef đã chỉ ra tầm quan trọng của nước sạch và vệ sinh đối với công tác xóa đói, giảm nghèo.

Nước sạch và vệ sinh tiếp tục là một ưu tiên trong công tác giảm nghèo trong giai đoạn tới
Nước sạch và vệ sinh tiếp tục là một ưu tiên trong công tác giảm nghèo trong giai đoạn tới

Đây cũng là một chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trong chuẩn nghèo đa chiều quốc gia.

Nguyên nhân của đói nghèo

Báo cáo “Tóm tắt chính sách về nước sạch và vệ sinh môi trường tại Việt Nam” của Unicef cho biết: Với dân số 97,4 triệu người, Việt Nam đã có những bước tiến tích cực trong tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo trong ba mươi năm qua. Tỷ lệ nghèo quốc gia đã giảm đáng kể từ 21% năm 2010 xuống còn 9,8% năm 2017.

Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã có những tiến bộ trong việc tăng độ bao phủ về cấp nước sạch và vệ sinh (NS&VS). Khả năng tiếp cận nguồn nước đã cải thiện đã tăng lên trên toàn quốc, từ 65% năm 2000 lên 95% năm 2017, trong khi khả năng tiếp cận với các dịch vụ có nhà vệ sinh cơ bản được cải thiện từ 52% lên 84%3 trong cùng kỳ.

Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa khu vực thành thị và nông thôn, và giữa người giàu và người nghèo vẫn còn rất đáng kể. Báo cáo của Unicef chỉ ra rằng trong năm 2017, 93% dân số nông thôn và 84% nhóm đối tượng nghèo nhất được tiếp cận với nguồn nước đã được cải thiện, so với 99% đối với người dân thành thị và 99% đối với người giàu.

Khả năng tiếp cận các công trình vệ sinh cơ bản phản ánh xu hướng tương tự, với 78% đối với người dân nông thôn và 41% đối với người nghèo, so với 94% đối với người dân thành thị và 98% đối với người giàu.

Ngoài ra, ước tính 82% dân số nông thôn và 64% người nghèo thực hành vệ sinh cơ bản (rửa tay bằng xà phòng) so với 93% đối với người dân thành thị và 97% đối với người giàu.

Theo tính toán của Unicef, năm 2019, 10,7 triệu người trên khắp Việt Nam, trong đó 10,15 triệu người ở khu vực nông thôn và 550.000 người ở khu vực thành thị vẫn phóng uế bừa bãi ra môi trường.

Khu vực miền núi phía Bắc đứng đầu với tỷ lệ 28,5% dân số phóng uế bừa bãi ra môi trường. Hơn nữa, 2 trong số 5 hộ gia đình ở đồng bằng sông Cửu Long sử dụng cầu tiêu ao cá xả thải trực tiếp vào nguồn nước. Chỉ có 13% người dân ở khu vực nông thôn rửa tay bằng xà phòng vào những thời điểm quan trọng, và tỷ lệ này thậm chí còn thấp hơn đối với các nhóm dân tộc thiểu số.

Thiếu khả năng tiếp cận với nguồn nước và vệ sinh môi trường đã cải thiện cùng với thực hành vệ sinh kém làm tăng cao tỷ lệ tiêu chảy, viêm phổi và nhiễm ký sinh trùng,… dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi, đặc biệt ở nhóm trẻ em dân tộc thiểu số, ảnh hưởng lớn tới khả năng học tập, phát triển kỹ năng và năng suất lao động sau này.

Đây cũng chính là một nguyên nhân của sự đói nghèo tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và một số khu vực nông thôn.

Đảm bảo công bằng trong tiếp cận NS&VS

Mặc dù chi về NS&VS giảm đáng kể trong những năm gần đây, nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn duy trì nỗ lực đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận các dịch vụ này. Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước về nước sạc và vệ sinh phân bổ cho các tỉnh miền núi đã tăng gấp ba lần, từ 8% năm 2016 lên 25% năm 2018, trong khi tỷ lệ chi ngân sách nhà nước về nước sạch và vệ sinh cho các khu vực nghèo tăng lên mức 35% năm 2018, so với tỷ lệ 4% năm 2016.

Tương tự, tổng chi về NS&VS cho người nghèo từ tất cả các nguồn đã tăng từ 12% năm 2016 lên 47% năm 2018, trong khi tổng chi về NS&VS cho khu vực miền núi tăng từ 7% năm 2016 lên 24% năm 2018.

Phân tích chi tiết về tổng chi cho NS&VS năm 2018 chỉ ra rằng, 52,1% tổng chi được phân bổ cho hoạt động vệ sinh môi trường trong các hệ thống lớn, tiếp theo là cấp nước trong các hệ thống lớn 14,8%, trong khi hoạt động dịch vụ cấp nước và vệ sinh cơ bản, tăng cường vệ sinh cá nhân và rửa tay chỉ chiếm 11,31%.

Từ những phân tích của báo cáo, Unicef đưa ra khuyến nghị: Tiếp tục vận động và ưu tiên vấn đề NS&VS thông qua các chỉ tiêu và mục tiêu cụ thể về cấp nước, vệ sinh môi trường trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cấp trung ương và địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, phát triển nông thôn mới, các chương trình liên quan tới dân tộc thiểu số,…

Đây là một bước đi quan trọng để đảm bảo rằng chiến lược về NS&VS được lên kế hoạch, lập ngân sách phù hợp và nhất quán ở cấp trung ương và địa phương nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, cần xây dựng Kế hoạch đầu tư quốc gia về NS&VS nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và Chiến lược tài trợ cho việc thực hiện các mục tiêu cụ thể về NS&VS, đặc biệt là cho đối tượng người nghèo sống ở khu vực nông thôn, miền núi và dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

Tiêu chí về nước sạch và vệ sinh trong giai đoạn 2021 – 2025 được đề xuất sửa đổi thành nước sinh hoạt và vệ sinh. Trong đó, thay đổi chỉ số nước sinh hoạt hợp vệ sinh thành chỉ số nguồn nước sinh hoạt an toàn, bao gồm nước máy, các nguồn nước hợp vệ sinh khác bảo đảm an toàn cho người sử dụng.

Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.