Trường THPT Gia Bình số 1 (Bắc Ninh):

Nửa thế kỷ âm vang tiếng trống hiếu học trên vùng đất Kinh Bắc

GD&TĐ - Nửa thế kỷ trôi qua cũng là từng ấy năm các thế hệ thầy trò Trường THPT Gia Bình số 1 không ngừng phấn đấu vươn lên. Từ một ngôi trường “làng”, trường giờ đây đã dần “cất cánh” lên những vị trí hàng đầu trong ngành Giáo dục Bắc Ninh.

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh - Đào Hồng Lan trao khen thưởng cho nhà trường.
Nguyên Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh - Đào Hồng Lan trao khen thưởng cho nhà trường.

Nơi đây, các thế hệ thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, nhân viên nhà trường luôn giữ vững tinh thần đoàn kết, yêu nghề, lan tỏa tri thức, “thắp sáng” ước mơ cho lớp lớp học trò, cho quê hương.

‘Gạt’ mưa bom bão đạn, thi đua học tốt, dạy tốt

Ít ai biết rằng để có được nền móng vững vàng cho ngày hôm nay, 50 năm về trước, các thế hệ thầy trò Trường THPT Gia Bình số 1 đã vượt qua bao khó khăn, thử thách khi đế quốc Mỹ “leo thang” bắn phá miền Bắc. Thuở ban đầu, để nâng cao dân trí địa phương, Trường THPT Gia Bình số 1, tiền thân là trường Phổ thông cấp III số 2 Gia Lương, Hà Bắc đã được thành lập năm 1972.

Những ngày đầu, trường chỉ có vỏn vẹn 2 lớp 10 và 4 lớp 9. Theo lời kể, để có được ngôi trường cho giáo viên yên tâm dạy học, thầy, trò, nhân dân địa phương 13 xã trong huyện đã chung tay dựng xây ngôi trường làm bằng tranh tre, nứa lá, vách đất.

Như một điều kỳ diệu, ngôi trường đã vượt qua bom đạn do cuộc chiến tranh phá hoại của Không quân Mỹ tại miền Bắc. Gốc đa Lời thuộc xã Nhân Thắng vừa là “vòng tay” che chở, vừa là nơi tỏa bóng mát cho các thế hệ học sinh đầu tiên. Dưới bom đạn của kẻ thù, nhà trường vẫn luôn thực hiện tốt lời dạy của bác Hồ: "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt".

Tập thể cán bộ quản lý, giáo viên trường THPT Gia Bình số 1 (Ảnh tư liệu).

Tập thể cán bộ quản lý, giáo viên trường THPT Gia Bình số 1 (Ảnh tư liệu).

Dù ước mơ được học tập là khát khao cháy bỏng, nhưng nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, tiếng gọi của trái tim, đã có nhiều học sinh tình nguyện lên đường tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và bảo vệ biên giới phía Bắc và đã mãi mãi nằm lại chiến trường. Sự hi sinh của 20 người con Gia Bình đã tô thêm sắc hoa cho mùa xuân của đất nước.

Viết tiếp những trang sử vàng

Năm mươi năm trôi qua, từ mái trường THPT Gia Bình số 1 thân yêu, đã có gần 30.000 học sinh trưởng thành. Ngay từ năm học đầu tiên 1972-1973, nhà trường đã có khóa học sinh dự thi tốt nghiệp đầu tiên, đến với các ngôi trường Cao đẳng, Đại học và trưởng thành không ngừng trên con đường học vấn, cống hiến.

Tiếp nối tinh thần hiếu học, các thế hệ học trò nơi đây đã trở thành kỹ sư, bác sỹ, sỹ quan trong lực lượng vũ trang. Nhiều người giữ chức vụ cao trong các cơ quan Đảng, chính quyền hoặc trở thành những nông dân lao động giỏi ngay trên mảnh đất quê hương.

Dù làm gì, ở đâu, với cương vị nào, những học sinh trưởng thành từ mái trường này cũng luôn phát huy truyền thống anh hùng của quê hương, giữ mãi trong ký ức của mình về một mái trường thân yêu, vẫn luôn tâm niệm một đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", vẫn một lòng "Tôn sư trọng đạo" thể hiện lòng tri ân với trường xưa, lớp cũ.

Ngày nay, cơ sở vật chất của trường tiếp tục được đầu tư, khang trang, bề thế hơn. Đội ngũ nhà giáo và học sinh cũng lớn mạnh không ngừng. Từ thuở ban đầu thành lập chỉ có 6 lớp với vài chục cán bộ, giáo viên, đến nay, Trường THPT Gia Bình số 1 đã có trên 40 lớp, hơn 1.500 học sinh, gần 100 cán bộ, giáo viên, công nhân viên.

Đội ngũ các thầy cô giáo, qua quá trình tự học, tự bồi dưỡng đã vững vàng về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, giàu tinh thần trách nhiệm, hội tụ đầy đủ phẩm chất đạo đức nhà giáo, sáng tạo và thực hiện tốt cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo". Đối với học sinh, các em luôn chăm ngoan, thanh lịch, có nền nếp, kỷ cương, ý thức rèn luyện và tu dưỡng, phấn đấu tốt.

Hình ảnh tập thể cán bộ quản lý, giáo viên trường THPT Gia Bình số 1 (Ảnh tư liệu).
Hình ảnh tập thể cán bộ quản lý, giáo viên trường THPT Gia Bình số 1 (Ảnh tư liệu).

Nhà trường tích cực đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và thực hiện đa dạng hoá các hoạt động giáo dục... Nhờ vậy, chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng được nâng cao. Hàng năm, trường thực hiện tốt nhiệm vụ duy trì sĩ số học sinh, đảm bảo tỉ lệ học sinh nghỉ, bỏ học dưới 1% so với yêu cầu đặt ra.

Chiến thắng dịch bệnh, xứng danh Trường THPT Gia Bình số 1

Đặc biệt, năm học 2021-2022, vượt qua những khó khăn thách thức, nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thầy và trò Trường THPT Gia Bình số 1 đã giành thành tích cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Điểm trung bình các môn đạt 7,24, tăng 0,47 so với năm 2021 và đứng thứ 5 trong các trường THPT của tỉnh Bắc Ninh, tăng 7 bậc so với năm 2021. Các môn được xếp thứ hạng cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là Giáo dục công dân với trung bình 8,76 điểm (đứng thứ nhì tỉnh); môn Địa lí với điểm trung bình 7,66 (đứng thứ tư tỉnh) và môn Ngữ văn đứng thứ năm toàn tỉnh Bắc Ninh với 7,84 điểm bình quân.

Toàn trường có 88 lượt học sinh đạt trên 26 điểm, 31lượt học sinh trên 27 điểm, 4 học sinh trên 28 điểm ở 5 khối xét đại học truyền thống. Đặc biệt, nhà trường có 9 học sinh đạt điểm 10 ở các môn thi, trong đó có 1 học sinh đạt điểm 10 môn Vật lý và 2 em đạt điểm 10 môn Lịch sử, 6 em đạt điểm 10 môn Giáo dục công dân.

Thống kê kết quả các cuộc thi trong năm học, nhà trường đạt gần 50 giải cấp tỉnh, cấp quốc gia trong tất cả các lĩnh vực, cuộc thi; trong đó có 40 giải học sinh giỏi văn hóa lớp 12, có 4/19 học sinh đạt giải Nhất trong kỳ thi HSG cấp tỉnh, tiêu biểu như môn Toán, Vật lí, tiếng Anh, GDCD, Ngữ văn đều đạt 6 giải trở lên. Thi thi Hùng biện tiếng Anh, thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật, nhiều học sinh đạt giải cao... Trong Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 100% giáo viên dự thi đạt danh hiệu GVDG cấp tỉnh, trong đó có 50% đạt GVDG xuất sắc, chiếm gần 20% tổng số GVDG xuất sắc của tỉnh.

Năm mươi năm trôi qua, Trường THPT Gia Bình số 1 từng bước trưởng thành và đạt được nhiều thành tích được Đảng và Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao và tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1997); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2005); Cờ thi đua của UBND tỉnh các năm 2016, 2022 và nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, các ngành. Và điều đáng quý hơn tất cả, đó là các thế hệ phụ huynh, học sinh, thầy cô luôn luôn hướng về nhà trường với những tình cảm thân thương, bình dị, trân quý nhất.

‘Chuyển mình’ để theo kịp thời đại

Trải qua 50 năm phát triển, Trường THPT Gia Bình số 1 đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu trở thành một trong những lá cờ đầu của ngành giáo dục tỉnh nhà. Đặc biệt, trong những năm gần đây, được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, Hội cha mẹ học sinh, nhà trường đã tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và đẩy mạnh các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Lớp học tại trường THPT Gia Bình số 1.

Lớp học tại trường THPT Gia Bình số 1.

Hiện nay, Trường THPT Gia Bình số 1 có cơ sở vật chất, trang thiết bị tương đối hiện đại, đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập; nhà trường có đội ngũ cán bộ, giáo viên tâm huyết với sự nghiệp "trồng người".

Trong những năm học vừa qua, nhà trường luôn duy trì được phong trào thi đua rèn luyện học tập ở các khối lớp với tinh thần“Vì ngày mai lập nghiệp”. Nhà trường thường xuyên phát động các phong trào thi đua, động viên giáo viên tích cực tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Phương - Phó Hiệu trưởng, phụ trách trường chia sẻ: Mỗi thành tích đạt được, mỗi bước đi lên và phát triển của nhà trường hôm nay, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh. Cùng với đó là sự quan tâm và chỉ đạo trực tiếp của Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh, sự ủng hộ, chia sẻ của các sở, ban, ngành, địa phương, các lực lượng xã hội và nhân dân trong tỉnh.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh học sinh cùng đồng lòng, chung tay với trường để đầu tư, chăm sóc, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh. Nhà trường luôn đặt mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặt yêu cầu chăm lo, rèn rũa học sinh từ những điều nhỏ nhất là yêu cầu cao nhất nhằm xây dựng cốt cách, lý tưởng, đạo đức và kỹ năng sống cho học sinh.

Thầy và trò trường THPT Gia Bình số 1 trong giờ thực hành.

Thầy và trò trường THPT Gia Bình số 1 trong giờ thực hành.

Thời gian tới, nhà trường tiếp tục tăng cường phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh trong các hoạt động giáo dục truyền thống nhà trường, truyền thống quê hương, thông qua hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua và các cuộc vận động, qua đó sẵn sàng vượt qua những khó khăn, thách thức, phấn đấu đạt thành tích cao hơn trong dạy và học, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục của địa phương lên tầm cao mới.

“Với truyền thống nửa thế kỷ dựng xây và phát triển, cán bộ, nhà giáo, nhân viên, học sinh THPT Gia Bình số 1 đã và đang chủ động, đổi mới, sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Nhà trường luôn lấy chất lượng giáo dục là mũi nhọn, mà kim chỉ nam là hướng tới mục tiêu giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ. Để đạt được mục tiêu ấy, nhà trường quyết tâm tiếp tục lan tỏa tinh thần hiếu học của vùng đất văn hiến Bắc Ninh - Kinh Bắc tới các thế hệ học sinh.

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo, vượt qua thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự chuyển mình của thời đại công nghệ số, kết nối vạn vật, cán bộ, nhà giáo, nhân viên nhà trường luôn sát cánh, đồng hành cùng các thế hệ học trò, để các em có một “hành trang” mạnh về kiến thức, kỹ năng, trong sáng về tâm hồn để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của thế hệ công dân số toàn cầu…”, thầy Nguyễn Ngọc Phương bày tỏ mong muốn, quyết tâm của tập thể nhà trường và các thế hệ học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.

Cốm Làng Vòng được làm từ loại lúa nếp cái hoa vàng và là loại lúa non.

Giữ 'hồn' cho cốm làng Vòng

GD&TĐ - Làng Vòng, thuộc phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) là nơi gắn liền với nghề làm cốm từ nhiều thế kỷ trước.