Món quà tặng bố nhân ngày Nhà giáo
Với loạt bài "Nâng cao chất lượng giáo dục từ môi trường sư phạm an toàn, thân thiện, bình đẳng", nhà báo Dương Phương Liên - phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã đoạt giải C Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2018 thể loại báo điện tử.
Về loạt bài này, nhà báo Dương Phương Liên cho biết: "Nói tới chất lượng giáo dục, chúng ta không chỉ nói đến thành tích, điểm số hay năng lực của học sinh mà còn cần nói tới môi trường giáo dục an toàn, thân thiện và bình đẳng, nơi mà mọi học sinh đều có suy nghĩ tích cực về ngôi trường, về lớp học, bạn bè và thầy cô của mình.
Môi trường giáo dục an toàn, thân thiện và bình đẳng là yếu tố quan trọng đối với một hệ thống giáo dục có chất lượng, quan trọng như chính chương trình đào tạo".
“Chỉ khi đưa được các yếu tố này vào giáo dục thì chúng ta mới có thể khẳng định trường học là một môi trường toàn diện và hòa nhập”, nhà báo Dương Phương Liên nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đến nay, bạo lực học đường tại Việt Nam vẫn đang là một vấn đề nóng bỏng, gây nhức nhối xã hội. Nó không chỉ ảnh hưởng đến những người trong cuộc mà còn ảnh hưởng tới cả một thế hệ trẻ, ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai của dân tộc.
Những hậu quả mà bạo lực học đường gây ra kể cả thể xác hay tinh thần cũng đều trực tiếp ảnh hưởng đến việc học tập cũng như tương lai của học sinh nếu không được can thiệp kịp thời.
Với những ảnh hưởng về mặt sức khỏe cùng với tâm lý lo lắng, căng thẳng, sợ hãi, học sinh không thể học tập với kết quả tốt nhất. Thậm chí, sự căng thẳng quá mức về mặt tâm lý có thể buộc học sinh kết thúc việc học của mình, hoặc cũng có thể vì gây ra hành vi bạo lực mà học sinh phải nhận kỷ luật đuổi học. Từ đó, tương lai của các em rẽ sang một bước ngoặt khác.
Hành vi bạo lực không chỉ tác động xấu đến nạn nhân mà còn khiến không khí trường học trở nên nặng nề, căng thẳng với nỗi sợ hãi, bất an luôn bao trùm. Không khí và cuộc sống gia đình các em bị xáo trộn, căng thẳng, lo lắng.
Tác giả Dương Phương Liên nhận giải C giải Báo chí vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2018 thể loại báo Điện tử. |
Trước hàng loạt vụ bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em… xảy ra thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có những giải pháp quyết liệt, nhằm xây dựng văn hóa học đường.
Tuy nhiên, để xây dựng trường học an toàn, thân thiện và phòng chống bạo lực chắc chắn cần sự chung tay của nhiều bên. Trong lúc còn thiếu ngân sách, thiếu nguồn lực, chúng ta vẫn phải tìm ra cách làm hiệu quả, giải quyết tối ưu những vấn đề mà trường học hiện nay đang phải đối diện.
Nhà báo Phương Liên cho biết, giải thưởng là động lực để chị thêm tin yêu và gắn bó với nghề. Đây cũng là món quà chị dành tặng bố - một nhà giáo từng nhiều năm giảng dạy tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
"Nhờ bố nên tôi yêu nghề giáo, yêu ngôi trường mà bố đã gắn bó gần 40 năm và vẫn đang tiếp tục cống hiến. Tôi và các đồng nghiệp luôn mong nền giáo dục sẽ trở nên tốt đẹp hơn, phát triển nhanh hơn và hình ảnh những người thầy yêu dấu, tận tụy với sự nghiệp trồng người, với thế hệ học trò thân thương sẽ thực sự ở trong tim của mỗi người" - nữ nhà báo tâm sự.
Mong lan tỏa điều tốt đẹp
Nhà báo Hà Xuân Cường trong một chuyến tác nghiệp. |
Với tác phẩm "Cô giáo 11 năm đi vá tâm hồn của những trẻ "nhiễm H"", tác giả Hà Xuân Cường - phóng viên Báo điện tử Dân trí đoạt giải khuyến khích giải Báo chí vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2018 thể loại báo Điện tử.
Kể về quá trình tác nghiệp, nhà báo Hà Xuân Cường hồi tưởng: Cách đây 5 năm, tôi đã đến thăm lớp học đặc biệt dành cho những trẻ em mồ côi bị bỏ rơi đang mang trong mình virus của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS tại Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số 2, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Trong lớp học, cô giáo Đinh Thị Thủy miệt mài cầm tay nắn từng nét chữ cho học sinh của mình thật ân cần. Lớp của cô giáo Thủy dạy là lớp ghép giữa lớp 1 và lớp 2 nên công việc khiến cô lúc nào cũng luôn chân, luôn tay.
Cũng chính bởi thiếu thốn tình cảm nên cách thể hiện tình yêu thương của những đứa trẻ “nhiễm H” cũng khác với những đứa trẻ bình thường. Khoảng cách giữa cô và trò dường như không còn một làn ranh giới nào. Chúng luôn gọi chị bằng “mẹ Thủy”.
Ban đầu khi được tiếp nhận lớp, cô Thủy gặp phải sự phản đối rất nhiều. Lúc bấy giờ, Cô vừa là Đảng viên, là tổ trưởng tổ nữ công trong Ban chấp hành Công đoàn nên BGH trường, đồng thời là giáo viên giỏi được phụ huynh và học sinh yêu quý nên việc quyết định nhận lớp dạy các cháu “nhiễm H” rất khó chấp nhận với gia đình và học sinh của cô.
Thời gian đó, cô Thủy rất nản lòng, vừa sợ mình bị lây bệnh khi dạy các em, vừa bị chồng con và gia đình kịch liệt phản đối cô khi nhận nhiệm vụ này. Nhưng rồi, những ánh mắt ngây thơ của con trẻ đã níu lòng cô Thủy lại. Cô đã kiên trì thuyết phục các thành viên trong gia đình.
Cô giáo Đinh Thị Thủy, nhân vật trong tác phẩm báo chí và học trò |
Vào dịp ngày nhà giáo, giáo viên nào cũng được học trò của mình tặng rất nhiều hoa và quà, nhưng cô Thủy thì khác. Những bông hoa, những món quà, những câu chúc từ học sinh của Cô đều được vẽ từ sáp màu. Những nét vẽ nguệch ngoạc, ngây ngô nhưng cũng rất màu mè tươi sáng.
Không chỉ riêng ngày 20/11, những ngày lễ khác, học sinh đều tặng cô giáo những món quà như vậy. Và cô vẫn luôn giữ tất cả những món quà ấy như một lời động viên mà không phải người giáo viên nào cũng có được.
Nhà báo Hà Xuân Cường cho biết rất vui khi nhận giải thưởng trong năm đầu tiên tổ chức. Đây là động lực giúp anh thêm yêu và gắn bó với giáo dục, về thầy cô và mái trường với vai trò là một phóng viên theo dõi mảng giáo dục. Những hình ảnh đẹp về thầy cô luôn là đề tài bất tận để các phóng viên khai thác và lan tỏa đến mọi người.