Sau bốn năm miệt mài học tập và tích cực tham gia dự án, nữ sinh trở thành thủ khoa đầu ra của trường.
Bài học từ hai lần vấp ngã
Năm 2015, Nguyễn Hải Vân đặt mục tiêu vào ngành Y đa khoa của Trường ĐH Y Hà Nội nhưng không đỗ. Vì gia đình mong Vân theo nghề giáo viên, nữ sinh học ngành Sinh học của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Tuy nhiên, sau một thời gian học tập, trải nghiệm, cô gái Hà Nội nhận thấy bản thân không phù hợp với lĩnh vực này.
Sẵn trong mình tình yêu với lĩnh vực Y khoa, Vân quyết tâm thi lại đại học. Song song với việc học trên trường, nữ sinh tự mình ôn thi. Một năm sau, Vân thi lại vào Trường ĐH Y Hà Nội nhưng vẫn trượt. Qua hai lần vấp ngã, Vân quyết định chọn hướng đi khác để theo đuổi đam mê. Và Trường ĐH Y tế công cộng là nơi Vân gắn bó trong bốn năm tiếp theo.
“Trường ĐH Y tế công cộng có ít khoa nên nguồn lực cho ngành Y tế công cộng được tập trung đầu tư hơn các trường y khác. Bên cạnh đó, sinh viên tốt nghiệp sẽ nhận hai bằng, gồm bằng đại học Y tế công cộng và bằng chuyên ngành tự chọn vào năm cuối. Vì vậy, mình quyết định chọn ngôi trường này”, Vân cho biết.
Thời gian đầu, Vân tìm hiểu và thử nghiệm các phương pháp học khác nhau để tìm ra cách phù hợp với bản thân. Sau đó, nữ sinh liên tục áp dụng để tạo thói quen. Một trong những phương pháp học hiệu quả nhất với nữ sinh là sơ đồ tư duy. Sau mỗi bài học, Vân thường tóm tắt kiến thức dưới dạng sơ đồ, hình vẽ để dễ dàng ghi nhớ ý chính.
Vân chia sẻ: Trên lớp, mình tập trung nghe giảng, ghi lại những nội dung liên hệ thực tế hoặc kiến thức không có trong sách để làm tăng vốn hiểu biết. Khi chuẩn bị thi, mình tập trung ôn lại kiến thức cơ bản và những kiến thức đã ghi chép vì nhiều kiến thức không có trong sách vẫn xuất hiện trong đề.
Từ những ngày đầu, Vân đã đặt ra nguyên tắc học tập là ưu tiên số một và phải luôn giữ vững kỷ luật trong học tập. Vì theo đuổi ngành học liên quan tới sức khỏe con người, nữ sinh giải thích phải rèn luyện tinh thần trách nhiệm ngay khi ngồi trên giảng đường.
Vân luôn sắp xếp thời gian khoa học, ưu tiên cho việc học tập và hoàn thành tốt nhất việc học trong khả năng của mình. Dù có những ngày bận rộn với công việc bên ngoài, Vân vẫn không quên nhiệm vụ phải hoàn thành bài tập. Trước các kỳ thi, Vân không để “nước đến chân mới nhảy” mà luôn ôn tập một cách có hệ thống.
Nhờ học tập có hệ thống và trách nhiệm, Vân khép lại bốn năm tại Trường ĐH Y tế công cộng với điểm trung bình học tập 8.22/10, trở thành thủ khoa đầu ra của trường.
Cơ duyên với hoạt động xã hội
Tập trung vào học tập nhưng Vân không cho rằng, “sách vở là nguồn kiến thức duy nhất” mà còn có thể thu nạp kiến thức từ việc tham gia dự án của các tổ chức phi chính phủ hoặc dự án vì cộng đồng.
Năm thứ ba đại học, Vân đăng ký tham gia dự án nghiên cứu về lao động nữ yếu thế. Nghiên cứu do tổ chức UNESCO tài trợ, nhằm tìm hiểu điều kiện lao động và những khó khăn các nữ lao động gặp phải trong quá trình hành nghề.
“Nhờ tham gia vào dự án này, mình có thể tiếp xúc, trò chuyện và lắng nghe câu chuyện của nhóm người yếu thế trong xã hội. Từ đó, có thể làm bạn, chia sẻ và hiểu họ theo cách chân thật hơn, gạt bỏ những định kiến của xã hội”, Vân tâm sự.
Sau các hoạt động ngoại khóa, Vân nhận thấy điều thay đổi rõ nhất ở bản thân là tính chủ động, sẵn sàng hướng tới những điều bản thân mong muốn. Từ sự chủ động này, Vân tích lũy thêm nhiều mối quan hệ xã hội và cơ hội để tìm hiểu sâu hơn về ngành Y và tìm ra thế mạnh, sở thích của bản thân.
Dù không thể theo đuổi mục tiêu ban đầu, Vân cảm thấy biết ơn quãng thời gian gắn bó với Trường ĐH Y tế công cộng vì giúp bản thân hình thành tính kỷ luật, chỉn chu trong công việc và tư duy đổi mới, sáng tạo. Cũng tại nơi đây, Vân gặp được nhóm bạn thân, hết lòng ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau trong học tập và cuộc sống.
Trong khi bạn bè cùng lớp tìm kiếm việc làm, Vân quyết định học lên thạc sĩ chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng. Vân giải thích lựa chọn hướng đi mới nhờ vào những năm tháng đại học tham gia các dự án, nghiên cứu và dần hình thành tình yêu với ngành Tâm lý học.